Quảng Ninh: 5 năm, triển khai 44 dự án, vốn đầu tư 45.000 tỷ đồng theo hình thức PPP

10:09 06/06/2019

Đó là con số từ báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Ninh tại buổi làm việc của Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ do Vụ trưởng Vụ Pháp luật Đinh Dũng Sỹ, làm Trưởng đoàn đến làm việc tại tỉnh Quảng Ninh ngày 30-5. Làm việc với đoàn có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và nhà đầu tư trên địa bàn.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được triển khai đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: CTV

Đầu tư theo hình thức PPP được triển khai tại Việt Nam từ năm 1997. Đây là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp để thực hiện quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. PPP được chia thành 7 hình thức hợp đồng, gồm: Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO), xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL), xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT), kinh doanh - quản lý (O&M).

Thời gian qua, với quan điểm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình đầu tư nhằm kết hợp và huy động nguồn lực từ khối tư nhân, thí điểm đầu tư với các hình thức: Đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công. Nguyên tắc được Quảng Ninh áp dụng đó là không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn.

Qua đó, từ năm 2014 đến hết năm 2018, Quảng Ninh đã huy động được gần 45.000 tỷ đồng để triển khai 44 dự án. Trong đó, vốn nhà nước tham gia chiếm khoảng 10% (chủ yếu dành cho công tác GPMB). Như vậy bỏ ra 1 đồng ngân sách, Quảng Ninh đã huy động được khoảng 10 đồng đầu tư từ khối tư nhân.

Việc triển khai các dự án theo hình thức PPP đã góp phần thay đổi bộ mặt của tỉnh với hàng loạt các công trình mang tính động lực ở nhiều lĩnh vực. Điển hình như: các tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu du lịch, cảng biển, sân vận động, nhà thi đấu, trụ sở làm việc…

Trong quá trình triển khai đầu tư theo hình thức PPP đã huy động được sáng kiến, năng lực, kinh nghiệm quản lý của kinh tế tư nhân, góp phần rút ngắn thời gian đầu tư, sớm đưa công trình vào khai thác. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đầu tư theo hình thức PPP còn gặp phải một số khó khăn như: Văn bản quy phạm pháp luật mới ở mức nghị định, hành lang pháp lý còn phụ thuộc vào nhiều luật khác; khó khăn trong bàn giao tài sản, nhân lực nhà nước cho tư nhân…

Từ thực tế đã có, tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh và Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ đã cùng đánh giá những thuận lợi, làm rõ những khó khăn, tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP đang được Chính phủ soạn thảo trình Quốc hội, dự kiến sẽ thông qua vào Kỳ họp thứ 9 vào năm 2020.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Đinh Dũng Sỹ đã ghi nhận, đánh giá cao cách làm của tỉnh Quảng Ninh. Từ thực tế thời gian qua, có thể thấy rằng phương thức đầu tư PPP đã rất hiệu quả, huy động nguồn lực, sáng kiến, kinh nghiệm quản lý từ khối kinh tế tư nhân. Điều này đã góp phần rút ngắn thời gian đầu tư, sớm đưa công trình vào khai thác.

Từ những kinh nghiệm tại Quảng Ninh, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trước khi trình Quốc hội.

NHẬT LAM

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích