Quảng Ninh: 8 tháng có thêm 1.670 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc mới

15:53 24/09/2018

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh giao chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp năm 2018 phấn đấu thành lập mới 2.800 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc, tính đến nay, toàn tỉnh đã đạt 60% kế hoạch; có 2 địa phương là huyện Vân Đồn và huyện Bình Liêu đã đạt kế hoạch năm, thành phố Hạ Long đạt 87%, tiếp theo các huyện Hoành Bồ, Đầm Hà, Hải Hà đạt 60% kế hoạch..., các địa phương còn lại phải phấn đấu trong 4 tháng cuối năm.

Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tháng 7-2018

Tin từ Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Ninh, 8 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Quảng Ninh có 1.670 đơn vị thành lập mới, trong đó có 1.127 doanh nghiệp và 543 đơn vị phụ thuộc với tổng số vốn đạt 18.731 tỷ đồng, tăng 6% về số doanh nghiệp và tăng 162% về số  vốn so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 14,9 tỷ đồng; 365 doanh nghiệp quay lại hoạt động trước thời hạn, tăng 8% so cùng kỳ; 520 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng, giảm 3% so cùng kỳ; 1.200 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi, 72 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình và 233 doanh nghiệp giải thể, tương đương cùng kỳ năm 2017.

Tổng số đơn vị đăng ký trong tỉnh đến hết tháng 8-2018 là 16.680 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc với số vốn đăng ký 180.000 tỷ đồng.  Doanh nghiệp thành lập mới tập trung nhiều nhất ở thành phố Hạ Long với 727 đơn vị, chiếm 44%; tiếp theo đến thành phố Cẩm Phả với 227 đơn vị, chiếm 14%; thị xã Móng Cái với 158 đơn vị, chiếm 10%; thị xã Đông Triều với 120 đơn vị, chiếm 7%; còn lại thuộc các địa phương khác.

Thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ, Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, trong đó xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hướng tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bằng những giải pháp thiết thực, cách làm sáng tạo, hoạt động hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, căn bản, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Cụ thể: UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14 ngày 13-11-2017, Kế hoạch hành động số 2614 ngày 17-4-2018 với 12 nhóm giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho 35 sở, ngành, đơn vị cùng 14 huyện, thị xã, thành phố; hàng tháng, hàng quý, tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc triển khai, tổ chức thực hiện theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo cắt giảm 30% các cuộc hội họp, dành thời gian đi cơ sở nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải quyết dứt điểm nhiều  kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thể hiện qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân; tăng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4; rà soát, chuẩn hóa tăng số thủ tục hành chính thực hiện đủ 4 bước “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” tại Trung tâm hành chính công các cấp; đã triển khai sử dụng hệ thống một cửa điện tử tại 100% các cơ quan, đơn vị có thủ tục hành chính; cắt giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của pháp luật và Nghị quyết 35 của Chính phủ; thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan và thời gian thông quan hàng hóa thông qua việc triển khai hệ thống thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử (e-Payment), hệ thống dịch vụ công trực tuyến hải quan, hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS; rà soát toàn bộ các cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo mỗi doanh nghiệp trong một năm không bị kiểm tra hoặc thanh tra quá 1 lần.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính trên toàn tỉnh là 494.790 hồ sơ; đã giải quyết đúng và trước hạn: 493.871 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt từ 97% đến 99%; tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cả 3 cấp của tỉnh Quảng Ninh là 1.534 dịch vụ/1.795 thủ tục hành chính hiện đang giải quyết (đạt tỷ lệ 85,5%); tổng số hồ sơ đã được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến qua các (dịch vụ công trực tuyến) DVCTT mức độ 3: 12.704 hồ sơ; số hồ sơ đã được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến qua các DVCTT mức độ 4: 2.608 hồ sơ.

Nhiều dự án, công trình đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, động lực, nhất là các công trình, dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp đã và đang được tỉnh tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đón chuyến bay đầu tiên; đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng và tuyến đường xa lộ 10 làn xe dài trên 5km nối tiếp đến Vịnh Hạ Long; Nhà điều dưỡng cán bộ tỉnh...

 Các công trình trọng điểm khác đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2018 như: Tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai... Tỉnh cũng đang tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công đường cao tốc nối tiếp từ sân bay Vân Đồn đến thành phố Móng Cái vào quý IV-2018.

Với tinh thần lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng kế hoạch tổ chức 32 hội chợ, phiên chợ, tuần hàng OCOP trên địa bàn tỉnh; triển khai trang tin thương hiệu nông sản Quảng Ninh tại địa chỉ: http://thuonghieuquangninh.gov.vn nhằm quảng bá giới thiệu Chương trình Xây dựng Nông thôn mới và các sản phẩm OCOP của tỉnh;triển khai và xây dựng kế hoạch vận hành Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh tại địa chỉ: http://teqni.gov.vn.

Đến nay đã có nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã kết nối được vào trung tâm, cửa hàng OCOP trên địa bàn tỉnh và các trung tâm, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng...; đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án phát triển Doanh nghiệp KH&CN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã triển khai các dịch vụ có ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông như: Homebanking, Internetbanking, SMSbanking, Mobilbanking... nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của dân cư, doanh nghiệp ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ổn định.

Thực hiện quy trình cấp sổ BHXH, BHYT mới theo Quyết định 595 ngày 14-4-2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, theo đó giảm 4 thủ tục hành chính, tổng thời cấp sổ BHXH được rút xuống còn 5 ngày, đồng thời tăng cường công tác hoàn thiện dữ liệu trả sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH.

Quảng Ninh cũng áp dụng phương thức đào tạo nghề với kết hợp 3 nhà "Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp"; triển khai kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, cung cấp lao động có tay nghề để đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề của doanh nghiệp.

Các cấp, các ngành tích cực, chủ động tiếp xúc doanh nghiệp; đã trả lời, giải quyết dứt điểm trên 275 nội dung, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực: Đất đai, vốn, tín dụng, giải phóng mặt bằng, du lịch, thuế, hải quan....; tổ chức 36 Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp, đồng thời có văn bản trả lời, hướng dẫn, gặp  gỡ trực tiếp, qua đường dây nóng và hệ thống thông tin điện tử của tỉnh.

Bên cạnh đó Câu lạc bộ Cà phê doanh nhân, do các hiệp hội địa phương (Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông triều...) được tổ chức đã gắn kết và thu hẹp khoảng cách giữa các sở, ban, ngành, địa phương, kịp thời tiếp nhận các ý kiến để giải quyết ngay đối với các doanh nghiệp trên địa bàn.

HẢI HẬU

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích