Quảng Ninh “đo” sự hài lòng của doanh nghiệp bằng chỉ số

09:47 11/11/2017

Quảng Ninh bứt phá ngoạn mục về PCI trong năm 2010 (từ thứ 26 năm 2009 lên thứ 7/63 tỉnh, thành) và những năm gần đây luôn ở vị trí top đầu cho thấy sự hài lòng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với những nỗ lực trong cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền địa phương. Từ năm 2015 đến nay, Quảng Ninh áp dụng bộ chỉ số DDCI Quảng Ninh, “đo” sự hài lòng của doanh nghiệp để làm cơ sở đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương của mình hàng năm...

Lễ vinh danh chất lượng lãnh đạo điều hành kinh tế xuất sắc tỉnh Quảng Ninh 2016. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Nỗ lực cải cách

Quảng Ninh đã và đang thực hiện thành công trong cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là thông qua một số mô hình mới. Phải kể đến sự ra đời của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA), cơ quan đầu mối duy nhất của tỉnh về xúc tiến và hỗ trợ nhà đầu tư là một giải pháp sáng tạo mà Quảng Ninh đã mạnh dạn ứng dụng tiên phong từ rất sớm, từ năm 2012 đến nay. Thay vì phải đi đến nhiều cơ quan, ban, ngành khác nhau để tìm hiểu đầu tư thì giờ đây, nhà đầu tư chỉ cần liên hệ hay đến làm việc với một cơ quan duy nhất của tỉnh là IPA. IPA có trách nhiệm triển khai nhanh nhất sự phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan để hỗ trợ tối ưu nhà đầu tư, doanh nghiệp. Việc tiếp xúc, chăm sóc nhà đầu tư được thực hiện theo một chu trình khép kín, từ khi xúc tiến đầu tư ban đầu cũng như đồng hành sát cánh cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoạt động xúc tiến đầu tư cũng được triển khai một cách bài bản, chuyên nghiệp trong đó chú trọng các thị trường trọng điểm, các đối tác, các nhà đầu tư chiến lược với sự hợp tác, tham vấn của các tổ chức nước ngoài như Jetro, Kotra...

Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là một sáng kiến, cách làm mới trong chuỗi các giải pháp cải cách thủ tục hành chính cho người dân, nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Được nghiên cứu dựa trên sự tham vấn, học tập kinh nghiệm từ một số nước, sự ra đời của trung tâm nhằm cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao tính minh bạch và giảm tối đa chi phí về thời gian và tài chính, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, thuận lợi nhất trên địa bàn tỉnh. Việc thành lập mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh với phương thức “một thẩm định, một phê duyệt” đã bước đầu khẳng định tính hiệu quả qua sự đánh giá cảm nhận tích cực từ cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Có thể thấy, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới mục tiêu đem đến tối đa sự hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp mà Quảng Ninh tập trung ưu tiên triển khai trong những năm qua, đã và đang tạo dựng được một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và cạnh tranh so với các địa phương khác trong cả nước, xứng đáng là “điểm đến an toàn, tin cậy và thành công” cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tự đánh giá năng lực cạnh tranh

Kết quả đánh giá phân tích PCI do VCCI và USAID công bố hàng năm cho thấy, năng lực cạnh tranh của các địa phương thường xuyên có sự biến động, rất ít địa phương có thể duy trì ổn định chỉ số PCI ở vị trí dẫn đầu trong 5 năm liên tục. Với những điểm sáng nổi bật trên bản đồ năng lực cạnh tranh quốc gia, Quảng Ninh bứt phá mạnh mẽ trong những năm gần đây là thước đo rõ ràng nhất về sự đánh giá, hài lòng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với những nỗ lực trong cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền địa phương, nhằm mục tiêu tạo dựng được một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Từ năm 2015, tỉnh Quảng Ninh đã thí điểm chọn 6 thành phố, thị xã có nhiều dự án đầu tư, nhiều doanh nghiệp và 7 sở, ngành có gắn kết mật thiết hoặc trực tiếp liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để tính điểm xếp hạng. Đối tượng được khảo sát bao gồm khoảng 1.400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động trên các lĩnh vực ngành nghề: công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Nội dung khảo sát tập trung vào thu thập ý kiến của doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành của các sở, ngành và địa phương của Quảng Ninh về 7 nội dung cơ bản liên quan tới môi trường kinh doanh như: tiếp cận thông tin, tính năng động, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý. Kết quả khảo sát DDCI hàng năm đã ghi nhận những phản ánh, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về những nỗ lực cải cách của các sở, ngành, địa phương.

Từ năm 2016, bộ chỉ số DDCI được nghiên cứu, xây dựng với những tiêu chí mới, với đối tượng khảo sát gồm 29 cơ quan, lấy ý kiến đánh giá của trên 3.500 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể. Trong bộ phiếu đánh giá DDCI mới, tỉnh đã bổ sung tiêu chí đánh giá trách nhiệm, xếp hạng của người đứng đầu từng địa phương và các sở, ngành. Đây cũng được xem là bước đột phá, mạnh dạn và quyết liệt trong triển khai DDCI. Đặc biệt, tỉnh đã lựa chọn một cơ quan tư vấn độc lập có kinh nghiệm trong điều tra PCI, thống kê và điều tra xã hội học với các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực này. Đồng thời, tỉnh cũng thành lập Tổ giúp việc triển khai kế hoạch khảo sát, điều tra đánh giá về năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương đặt tại Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA), gồm 3 thành phần: Đơn vị tư vấn, IPA và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhằm đảm bảo tính khách quan. Kết quả khảo sát DDCI cho thấy sự chuyển động rất tích cực của cả bộ máy chính quyền các cấp; đồng thời ghi nhận được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vào những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của các sở, ngành và địa phương của Quảng Ninh trong thời gian tới.

HẢI HẬU

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích