15:21 01/08/2015
Từ ngày 25 đến 28-7, toàn tỉnh Quảng Ninh chịu đợt mưa lớn kéo dài nhất trong vòng 40 năm qua. Nhiều địa phương chìm trong biển nước; giao thông bị chia cắt, khắp nơi đất đá sạt lở; toàn tỉnh có khoảng 3.000 ngôi nhà bị ngập, nhiều tuyến đường bị hỏng, 17 người bị chết và 6 người mất tích, thiệt hại ước tính trên 1.000 tỷ đồng. Những ngày này, người dân đất Mỏ đang gồng mình vượt qua mưa lũ khắc phục mọi hậu quả thiên tai. Mất mát, đau thương chồng chất Sáng 29-7, những cơn mưa lớn đã không còn dồn dập đổ xuống thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh. Sau 4 ngày mưa lũ, người dân Quảng Ninh đã phải gánh chịu biết bao thiệt hại cả về người và của. Hiện Quảng Ninh tiếp tục lại phải đối mặt với những khó khăn chồng chất trong việc khắc phục hậu quả… Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, đến tối 28-7, thi thể cuối cùng trong vụ sạt lở đất gây sập nhà ở tổ 44, khu 4 Cao Thắng, thành phố Hạ Long, làm 3 ngôi nhà và 9 người trong một gia đình bị vùi lấp mới được tìm thấy. Nạn nhân được xác định là cháu Cao Xuân Việt, sinh 2001, con của anh Cao Tiến Vĩ, sinh 1979, người duy nhất may mắn thoát chết trong vụ sạt lở trên, hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện. Cách đó vài giờ, thi thể bà Nguyễn Thị Thược, sinh 1940, mẹ của anh Vĩ cũng đã được tìm thấy. Trước đó ở thành phố Cẩm Phả, chị Mai Thị Lan, sinh 1988, cùng 2 con gái là Đỗ Ngọc Hà, sinh 2008 và Đỗ Thùy Chi, sinh 2011, trong lúc đang ngủ đã bị mưa lũ dâng cao, bất ngờ ập vào căn nhà cấp 4 khiến cả 3 mẹ con không kịp trở tay. Mặc dù hàng xóm trông thấy vụ việc nhưng đành bất lực vì nước bao vây xung quanh khu phố… Theo báo cáo của Văn phòng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (VP BCH PCTT và TKCN) tỉnh Quảng Ninh, trận mưa lũ lịch sử này đã làm 17 người chết, 6 người mất tích và thiệt hại về tài sản trị giá trên 1.000 tỷ đồng. Mưa lũ đã làm cho hàng nghìn hộ dân tại các điểm ngập úng, những nơi có nguy cơ sạt lở đất cao tại Quảng Ninh sống trong lo lắng, cuộc sống bị đảo lộn. Nhiều gia đình bị nước ngập tới lưng chừng nhà và bị cô lập hoàn toàn do nước lũ kết hợp với triều cường. Tại các phường như Hà Khẩu, Giếng Đáy, Hà Khánh, Bãi Cháy, Cao Thắng… (thành phố Hạ Long) và phường Cao Xanh, Quang Hanh (thành phố Cẩm Phả), nhiều nơi xuất hiện tình trạng sạt lở đất khiến nhiều hộ gia đình sống trong cảnh màn trời, chiếu đất. Đến chiều 28-7, trên địa bàn thành phố Hạ Long nhiều khu dân cư vẫn bị chia cắt và ngập lụt sâu. Các lực lượng cứu hộ của quân đội phải dùng xuồng mới tiếp cận được để di chuyển và hỗ trợ nhu yếu phẩm… Ông Phạm Thanh Bình, ở phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, cho biết: Đêm nào cũng canh cánh lo nước lũ dâng, ngập sâu trong nhà; đặc biệt là tình trạng sạt lở đất. Đã mấy đêm nay gia đình ông phải ngủ trên tầng 2, thức dậy thì thấy dưới tầng 1 ngập đầy bùn đất. Thời điểm mưa to thì nước ngập lưng chừng nhà, may mà tài sản đã mang đi gửi trước đó. “Mưa ngập thì có thể rút, còn sạt lở đất thì không biết đổ xuống nhà lúc nào, phía sau nhà tôi là quả đồi, thời gian gần đây cây cối bị chặt hết, bên cạnh có đơn vị thi công ủi, xúc đất sạt lở xuống nhà dân. Mấy hôm nay, ngày nào chúng tôi cũng sống trong lo sợ, không biết đất đá ập xuống lúc nào”, ông Bình lo lắng. Dù không chịu cảnh ngập lụt trên diện rộng như Hạ Long nhưng tại thành phố Cẩm Phả, mưa lớn đã làm chia cắt hoàn toàn với thành phố Hạ Long do khu vực cổng nghĩa trang An Lạc Viên nước ngập dâng cao, có chỗ tới hơn 2m khiến giao thông qua khu vực này hoàn toàn bị tê liệt. Tại khu 4, phường Mông Dương, do mưa lớn nhiều ngày, lượng nước lớn từ khu vực Bãi thải Đông Cao Sơn và khu vực H10 dồn xuống hạ lưu tiêu thoát không kịp, kéo theo bùn cát tràn vào nhà các hộ dân ở khu vực này gây ngập lụt nghiêm trọng cho hàng chục hộ dân… Còn trên địa bàn xã Bản Sen (huyện Vân Đồn), trong những ngày có mưa lớn cũng đã xảy ra ngập lụt trên diện rộng, làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân. Hàng trăm người sống ở xã Bản Sen đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, nhiều gia đình phải chạy lên đồi khi biển nước tràn ngập hết nhà và vườn tược. Tình người trong mưa lũ… Còn nỗi xót xa, bàng hoàng nào hơn khi chứng kiến cảnh đất đá từ trên đồi sạt xuống vùi lấp 3 ngôi nhà cùng 9 người trong một gia đình. Mặc cho trời đang mưa như trút nước, con ngõ nhỏ đi vào khu vực nhà bị đổ sập, vùi lấp, nước ngập trên đầu gối, từng đoàn người vẫn mang cuốc, xẻng đi vào khu vực có nhà bị sập để cứu nạn. Do đường vào nhà các nạn nhân đã bị đất đá vùi lấp nên phải rất khó khăn bà con nhân dân khu 4 mới vào được đến nơi. Người tay cuốc, người tay xẻng, dù mưa vẫn đang tầm tã nhưng ai nấy đều gắng hết sức đào bới, tìm kiếm những mong cứu được các nạn nhân càng sớm càng tốt… Còn tại phường Bãi Cháy, cũng do mưa lớn khiến một nhà dân bị đất đá sạt lở vùi lấp cùng 2 người. Nhân dân trong khu vực và lực lượng cứu hộ đã khẩn trương triển khai các biện pháp tìm kiếm. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ đã đưa được các nạn nhân ra ngoài. Trước tình hình mưa lụt diễn biến nghiêm trọng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn có mặt ở những “khu vực nóng”. Tỉnh ủy Quảng Ninh ra chỉ thị yêu cầu toàn tỉnh tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc trực tiếp có mặt tại hiện trường, yêu cầu lực lượng quân đội ứng cứu ngay lập tức, đưa quân đến hỗ trợ các địa phương có người bị nạn.
Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo trích ngay ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương để hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do mưa lụt, mua lương thực, thực phẩm cấp cho nhân dân các khu vực bị ngập nặng, bị chia cắt về giao thông; yêu cầu ngành Y tế bố trí xe cứu thương sẵn sàng hỗ trợ đưa người đi cấp cứu tại các bệnh viện; ngành Công Thương chuẩn bị ngay lượng hàng hoá lớn gồm gạo, mỳ tôm, lương khô sẵn sàng chuyển cho các địa phương khi có đề nghị; ngành Giao thông Vận tải tổ chức lực lượng dọn đất đá bị sạt lở trên các tuyến đường, đảm bảo thông tuyến. Tại tổ 69, khu 9, phường Cao Xanh (thành phố Hạ Long), do nước dâng cao quá nhanh nên nhiều hộ dân phải trèo lên mái nhà chờ lực lượng cứu hộ đến ứng cứu. Ngay lập tức, BCH Quân sự tỉnh đã cử cán bộ, chiến sĩ đem xuồng phao, xuồng máy vào đưa người già, trẻ em, phụ nữ ra nhà văn hóa khu tạm trú. Nhiều người đã không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh nước ngập lưng người nhưng các cán bộ, chiến sĩ vẫn không quản ngại dầm mình đưa người, tài sản của nhân dân ra nơi trú tránh an toàn. Và trong thiên tai, lũ lụt càng thấy rõ hơn tinh thần vì nhân dân phục vụ của lực lượng vũ trang. Nhiều ngày đối mặt với mưa lụt, những chiến sĩ công an, bộ đội đã dầm mình trong nước, điều tiết giao thông, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Tại khu vực tổ 10, khu I, phường Hà Tu (thành phố Hạ Long), do mưa lớn khiến nhà ở của 35 hộ dân có nguy cơ sạt lở, buộc phải di dời. Ngay lập tức, lực lượng Cảnh sát PCCC đã huy động xe cứu hỏa đến bơm hút nước, hỗ trợ người dân đưa trẻ nhỏ, người già, phụ nữ đến những nơi an toàn. Cùng với đó, Sư đoàn 395 (Quân Khu 3) cũng đã huy động 50 chiến sĩ cùng phương tiện đến hỗ trợ di chuyển người dân… Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, đang phải đối mặt với bao khó khăn, chia cắt hoàn toàn với bên ngoài là xã đảo Bản Sen (huyện Vân Đồn), ngay trong đêm 26-7, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã điều động 2 tàu ra cứu trợ. Huyện Vân Đồn cũng cử đoàn công tác gồm 30 người mang theo thuốc men, lương thực, nước uống đảm bảo cung cấp cho 125 người trong địa bàn xã. Dưới những cơn mưa không ngớt, hàng trăm công nhân của Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quảng Ninh vẫn miệt mài thu dọn đống cát sỏi do mưa lũ xả xuống đường phố Hạ Long. Suốt từ sáng sớm, những người công nhân làm việc liên tục, khi những cơn mưa trút xuống xối xả nhất thì họ lại khơi thông dòng chảy, đảm bảo việc tiêu thoát nước.Với khối lượng đất đá, cát sỏi tràn xuống đường phố, những ngày qua, hầu hết các công nhân vệ sinh môi trường đô thị đều phải làm 3 ca mỗi ngày. Trong khi đó, các công nhân điện lực và các đội xung kích cũng phải căng mình trên khắp tất cả các phố phường, tập trung nhân lực, vật lực, vật tư, thiết bị để sẵn sàng cấp điện trở lại cho nhân dân. TRẦN KHẮC |
22:29 23/11/2024