14:25 03/11/2017 Sau nhiều nỗ lực để chuẩn bị khai sinh đặc khu kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đang gấp rút triển khai nhiều hoạt động khánh thành, khởi công các dự án hạ tầng, kêu gọi đầu tư để thu hút “Phượng hoàng” về với Vân Đồn...
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành, để vận hành thành công đặc khu Vân Đồn không phải chỉ dựa vào lợi thế, tiềm năng du lịch mà trước hết phải là cơ chế chính sách, là chính quyền điện tử, sau đó sẽ tới cấp độ thành phố thông minh và công nghệ 4.0.
Theo đó, với những ngành nghề ưu tiên, trước hết là tạo cơ chế để thúc đẩy mạnh, tạo cú hích lớn. Phát triển du lịch đẳng cấp cao, tạo giá trị gia tăng, sức lan tỏa lớn, thu hút được những luồng khách lớn nhất thế giới. Và dù định hướng làm du lịch cũng phải đưa vào yếu tố công nghệ cao, tương đương mô hình các đặc khu thế hệ thứ 3, thứ 4 để đảm bảo sức cạnh tranh.
Tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành các bước thẩm định cuối cùng để một số nhà đầu tư gấp rút chuẩn bị các điều kiện để đầu năm 2018 khởi công chuỗi các tổ hợp dịch vụ - du lịch quy mô lớn, đẳng cấp với tổng vốn đầu tư trên 61.000 tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD) tại đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
Các dự án dự kiến sẽ triển khai là tổ hợp du lịch Sonasea Dragonbay (giai đoạn 1), tổng vốn đầu tư dự kiến trên 4.950 tỷ đồng; dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas, quy mô khách sạn đẳng cấp 5 sao (tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng); dự án tổ hợp du lịch và con đường di sản tại Vân Đồn, gồm 9 phân khu chức năng có số vốn đăng ký là 5.000 tỷ đồng; khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng, do Tập đoàn FLC đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng…
Đề án Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn định hướng sẽ phát triển khu đô thị biển - đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế...
Dự kiến, đến năm 2020, đặc khu này sẽ thu hút khoảng từ 90.000 đến 98.000 lao động mới và thu hút từ 110.000 đến 111.000 lao động mới vào năm 2030. Theo tính toán của các chuyên gia uy tín, các tổ chức tài chính thì chỉ sau 10 năm, đặc khu Vân Đồn sẽ có nguồn thu đáng kể và phấn đấu đến năm 2030, GDP của đặc khu sẽ vào khoảng 21.300USD/đầu người.
Chỉ chưa đầy 3 năm hướng tới hình thành đặc khu Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được khoảng 2,2 tỷ USD đầu tư vào Vân Đồn. Đây là tiền đề, nền tảng rất vững chắc để xây dựng thành công đặc khu Vân Đồn phát triển nhanh chóng trong 10 năm tới.
Thu hút đầu tư lâu dài
Cũng theo Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh thì sức hút của đặc khu là từ thể chế vượt trội chứ không hẳn chỉ là những ưu đãi thuế, phí. Hướng tiếp cận của Quảng Ninh với vấn đề này là quan tâm tới môi trường đầu tư kinh doanh, tới tính an toàn để nhà đầu tư cảm thấy “chắc ăn” khi quyết định vào Vân Đồn cùng làm ăn, cùng sinh sống.
Minh chứng sinh động là Sân bay quốc tế Vân Đồn, dự án giao thông duy nhất thuộc lĩnh vực hàng không được thực hiện toàn bộ bằng hình thức BOT, vòng đời dự án ước tính kéo dài 45 năm, như một ví dụ về khả năng thu hút những nhà đầu tư gắn bó lâu dài, “ăn đời ở kiếp” với Quảng Ninh.
Thông tin từ Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 với nhiều dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến hàng tỷ USD. Có 4 siêu dự án kêu gọi đầu tư tại đặc khu kinh tế Vân Đồn trong đợt này, trong đó có tới 3 dự án quy mô vốn tỷ USD, gồm: Dự án Cảng và khu đô thị Bắc Cái Bầu, nằm ở phía Bắc đảo Cái Bầu, Vân Đồn. Mục tiêu dự án xây dựng cảng tổng hợp, diện tích nghiên cứu 700ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 25.200 tỷ đồng.
Thứ hai là, Dự án Khu phi thuế quan - khu công nghiệp sạch tại Khu kinh tế Vân Đồn tại xã Bình Dân, đảo Cái Bầu, huyện Vân Đồn. Mục tiêu dự án xây dựng khu công nghiệp sạch với chính sách đặc biệt tự do về thuế (phi thuế quan) nhằm phát huy lợi thế cảng hàng không, kích thích và phát huy hiệu quả đầu tư vào Khu kinh tế Vân Đồn. Diện tích đất sử dụng 250 - 500ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến từ 27.300 đến 31.500 tỷ đồng.
Thứ ba là Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái qua địa bàn các khu vực Móng Cái, Vân Đồn, Tiên Yên, Hải Hà và Đầm Hà. Mục tiêu dự án xây dựng đường cao tốc đạt tiêu chuẩn loại A, gồm 4-6 làn xe, tốc độ 80 - 120km/h, tổng chiều dài tuyến 91km. Quy mô tổng vốn đầu tư dự kiến 16.014 tỷ đồng. Cả ba dự án đều theo hình thức đầu tư PPP, 100% vốn nhà đầu tư.
Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại huyện Vân Đồn, 2 điểm công suất 30.000mp/ngày, xây dựng đường ống thu gom, thoát nước thải. Hình thức đầu tư PPP, BOT, quy mô vốn do nhà đầu tư đề xuất.
HẢI HẬU