14:38 01/03/2018 Quảng Ninh nổi tiếng cả nước với nhiều lễ hội đầu xuân lớn được tổ chức gắn với các khu di tích như: Lễ hội Yên Tử, Chùa Ba Vàng (TP Uông Bí), Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), Tiên Công (TX Quảng Yên), Chùa Ngọa Vân (TX Đông Triều)... Để mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh khai màn các hoạt động của Năm du lịch quốc gia 2018, các cấp, các ngành đã tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phục vụ tốt nhu cầu tâm linh của người dân.
Lễ rước 7 kiệu bát cống dâng Phật hoàng tại Lễ hội Yên Tử. Ảnh: CTV
Rộn ràng hội xuân
Chính thức khai hội vào ngày 25-2 (tức 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất), lễ hội Yên Tử là một trong những sự kiện mở đầu chào đón Năm Du lịch quốc gia Quảng Ninh 2018. Ngay từ sớm, công tác chuẩn bị cho lễ hội được TP Uông Bí đặc biệt quan tâm và chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, như: thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các ngành, xây dựng kịch bản, khung chương trình, các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Năm nay, bên cạnh việc tổ chức mang tầm vóc lễ hội quốc gia, Lễ hội xuân Yên Tử còn có điểm mới là tất cả các phương tiện vào Yên Tử đều được bố trí đỗ tại 2 bãi đỗ xe đã được mở rộng và bố trí hợp lý thuộc khu vực dốc Hạ Kiệu, cách chân núi Yên Tử gần 1km. Từ đây du khách có thể hành hương về vùng lõi di tích Yên Tử bằng xe điện hoặc đi bộ trong không gian thoáng đạt, thanh tịnh.
Cùng với đó, công trình Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, có giá trị đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, mang nét văn hóa kiến trúc đời nhà Trần với quần thể các hạng mục rất khác biệt, hấp dẫn sẽ được đưa vào sử dụng để phục vụ du khách.
Đặc biệt, ngoài các hạng mục kiến trúc như Cung Trúc Lâm, vườn thiền, Tuệ Tĩnh đường, bảo tàng Phật hoàng Trần Nhân Tông..., tại trung tâm còn có làng hành hương với thiết kết đình làng, các gian hàng ẩm thực quê, 50 nóc nhà được dựng bằng tường gạch, đất nung và tường trình đất kết hợp với hệ thống cổng, cửa bằng gỗ lim; khu không gian trưng bày văn hóa người Dao, nông cụ người Việt và những hoạt động biểu diễn chèo, hát xẩm, quan họ...
Cũng vào đầu xuân, nhiều lễ hội lớn khác trên địa bàn tỉnh được tổ chức gắn với các khu di tích sẽ thu hút hàng triệu lượt nhân dân và du khách thập phương về vãn cảnh, chiêm bái. Trong những ngày đầu năm này, lượng khách tham quan tại các khu di tích và danh thắng đã tăng mạnh với khoảng 700 nghìn lượt, tập trung chủ yếu tại các điểm di tích, danh thắng như: khu vực đền Cửa Ông, cụm di tích chùa Cái Bầu và các điểm du lịch huyện Vân Đồn, khu di tích nhà Trần và các điểm du lịch TX Đông Triều, cụm di tích Yên Tử…
Tăng cường quản lý nhà nước
Nhằm đảm bảo cho nhân dân và du khách đến với lễ hội được hưởng thụ một không gian văn hóa văn minh, an toàn, tiết kiệm, các ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã sớm triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Công tác hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị, địa phương chuẩn bị tổ chức lễ hội đảm bảo đúng quy định, thuần phong mỹ tục; công bố công khai kết quả kiểm tra những cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý và tổ chức lễ hội; thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội.
Các trò chơi dân gian trong lễ hội đều được ban tổ chức lựa chọn kỹ lưỡng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền tại các di tích và lễ hội được các địa phương quan tâm, thực hiện thông qua nhiều hình thức tổ chức, như: họp báo, treo băng-zôn, khẩu hiệu, bố trí hợp lý đèn chiếu sáng tạo không gian đẹp, trang trọng. Các phương tiện thông tin đại chúng đều tăng cường tuyên truyền giới thiệu di tích, lịch sử lễ hội, thân thế sự nghiệp các danh nhân văn hóa và sinh hoạt tín ngưỡng, bảo vệ di tích, môi trường.
Các địa phương cũng triển khai các phương án an ninh trật tự, bố trí điểm trông giữ phương tiện giao thông nhằm đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự địa phương; đặc biệt là các hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói, xóc thẻ, ăn cắp, cờ bạc, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch... đã không còn diễn ra tại di tích và lễ hội.
Việc thu dọn vệ sinh trước, trong và sau lễ hội được đảm bảo, tạo không gian cảnh quan cho du khách đến với lễ hội. Tại nhiều lễ hội, khu di tích, các thùng rác, điểm thu gom rác được bố trí hợp lý, dễ nhận thấy, mỹ quan, thân thiện với môi trường. Đến Đền Cửa Ông những ngày đầu xuân, ấn tượng đầu tiên của du khách là môi trường ở khu vực trong và ngoài di tích luôn sạch sẽ; không còn tình trạng đổi tiền lẻ, ăn xin xảy ra, an ninh trật tự được bảo đảm.
Dịch vụ hàng quán trong các di tích, lễ hội cũng được quản lý chặt chẽ. Các hàng quán, điểm dịch vụ trong lễ hội đều được sắp xếp, bố trí theo trật tự và có sơ đồ cụ thể, không để tình trạng hàng quán, điểm dịch vụ bày bán lộn xộn...
Đến hết tháng ba âm lịch, trên địa bàn Quảng Ninh sẽ tiếp tục diễn ra nhiều lễ hội truyền thống thu hút đông đảo du khách thập phương. Với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức Năm du lịch quốc gia 2018, Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…
Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương, người dân cũng cần tiếp tục nâng cao ý thức, ứng xử văn minh để lễ hội cùng các sự kiện diễn ra trên địa bàn diễn ra thành công, tạo dấu ấn đậm nét về văn hóa, vùng đất và con người Quảng Ninh đến với nhân dân và du khách trong và ngoài nước.
HẢI HẬU
14:29 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão