Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn Nóng các vấn đề về lao động, BHXH, đào tạo nghề; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

17:35 06/06/2023

Ngày 6-6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo chương trình, trong 2,5 ngày, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Ủy ban Dân tộc. Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ hơn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Lao động- TBXH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đăng đàn trả lời chất vấn.

             

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong phiên chất vấn

                                                              Phát huy tinh thần 5T trong hoạt động chất vấn

          Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, 4 nhóm nội dung được lựa chọn chất vấn  là những vấn đề lớn, quan trọng, không chỉ cần thiết, cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa quan trọng, lâu dài.

          Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, kỳ họp thứ 5 là kỳ họp đầu tiên thực hiện nội quy kỳ họp Quốc hội mới (có hiệu lực từ ngày 15-3-2023), ghi nhận những cải tiến đã được thử nghiệm và phát huy hiệu quả tại các kỳ họp gần đây về phương thức tiến hành phiên chất vấn.

                                            

                                           Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn

         Theo đó, việc đặt và trả lời câu hỏi chất vấn được tiến hành theo hình thức hỏi nhanh, đáp gọn: đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi không quá 1 phút; tranh luận mỗi lần không quá 2 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút đối với mỗi câu hỏi. Các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành liên quan tham gia giải trình theo điều hành của chủ tọa để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội hoặc trả lời trực tiếp các câu hỏi thuộc nhóm vấn đề chất vấn.

          Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội; là dịp để cử tri và nhân dân cả nước đánh giá năng lực, trách nhiệm, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và những người giữ chức vụ, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

                                

Quang cảnh phiên chất vấn

          Trên cơ sở sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, với thực tiễn phong phú trong ngành, lĩnh vực công tác và kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình hoạt động tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần 5T “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” trong hoạt động chất vấn.

            Bên cạnh đó, với yêu cầu “rõ trách nhiệm và rõ giải pháp”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước, giải trình rõ ràng về những nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục, để phiên chất vấn thực sự hiệu quả, thực chất, có chiều sâu, mang tính xây dựng cao; không chỉ góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề thời sự cấp bách, mà còn nhận diện và đề xuất giải pháp cho những vấn đề căn cơ, lâu dài, tạo chuyển biến thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn. 

           Cơ quan Nhà nước không thể bất lực trước tình trạng chậm, trốn đóng BHXH

           Chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động- TBXH Đào Ngọc Dung, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị làm rõ việc chậm đóng BHXH gây hệ lụy lớn, đặc biệt hơn 206.400 lao động bị treo quyền lợi. Đại biểu Trần Quốc Quân (Long An) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để thu hồi BHXH còn nợ.

           Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến hết tháng 5-2023, số người tham gia BHXH khoảng 17,47 triệu  người, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.

                                 

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

          Tuy vậy, theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với  năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu BHXH.

          Trong đó, có khoảng 26.670  đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của  206.468 người lao động. 

          Lý giải nguyên nhân, Bộ trưởng  Đào Ngọc Dung cho rằng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế - thế giới có  nhiều sự bất ổn, bước vào thời kỳ suy thoái, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bị  ảnh hưởng lớn, phải cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc do thiếu đơn hàng, khó khăn tài chính; 

          Bên cạnh đó cơ quan BHXH chưa xác định, quản lý được hết đối tượng thuộc diện tham gia bắt buộc theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật BHXH.

          Ngoài ra, một số địa phương triển khai các giải pháp đôn đốc thu chưa quyết liệt,  hiệu quả dẫn đến chậm đóng, trốn đóng kéo dài. 

          Để hạn chế tình trạng trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bộ LĐTBXH đã có văn bản  chỉ đạo BHXH Việt Nam với nguyên tắc  thu BHXH đến đâu, ghi nhận đến đó và giải quyết kịp thời quyền lợi đối với  206.400 người lao động nêu trên.

          Theo đó, xem xét, giải quyết hưởng các chế độ  BHXH đối với người đủ điều kiện (lương hưu hàng tháng, BHXH một lần,...) và  các trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng các chế độ BHXH thì xác nhận thời  gian đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới. 

            Về lâu dài, Bộ LĐTBXH đang tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều chế tài, biện pháp nhằm  hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.  

          Bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, một số đại biểu Quốc hội đặt vấn đề tại sao luật có quy định song chưa có vụ nào bị xử lý hình sự để tăng tính răn đe.

          Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  cho biết,  Luật hình sự có quy định, Luật BHXH cũng đề cập, thậm chí Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cũng có nghị quyết hướng dẫn, nhưng “vẫn chưa xử lý được”.

          Lý do, theo Bộ trưởng, là chưa thống nhất nội hàm “trốn đóng BHXH”. Trốn và chậm chưa phân biệt được, do đó chưa có cơ sở vững chắc để cơ quan chức năng khởi tố. “Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội  mấy lần nhắc tôi đôn đốc địa phương xử lý, nhưng đôn đốc mãi rồi và cơ quan chức năng nói không có căn cứ vững chắc” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời trước Quốc hội.

          Không đồng ý với cách xử lý này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nêu rõ: đại biểu không tin không có chế tài xử lý, đề nghị Viện Kiểm sát, Tòa án, Cơ quan điều tra và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào cuộc để xử lý vấn đề này. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc, không thể bất lực như vậy; phải xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

                                                               Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu

          Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh), chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 26%. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá quá trình triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động và đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?

                                      

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh)

          Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong thị trường lao động hiện nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55 triệu người; đến quý 1- 2023, số người tham gia thị trường lao động là 51,4 triệu người. Nếu nhìn cả quá trình, thị trường lao động Việt Nam còn non trẻ nhưng đã có bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, quy mô và sự phát triển trong tương lai.

          Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn thừa nhận, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau trên 70%, nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,4% tính đến quý 1- 2023. Điều quan trọng là trong thị trường lao động, cơ cấu về lực lượng lao động không cân đối, đặc biệt là lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động có kỹ năng thì thấp hơn. Vấn đề này cần phải điều chỉnh trong thời gian tới. 

          Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu thực tiễn khi các nhà đầu tư đến Việt Nam thường đặt ra 2 vấn đề, thứ nhất là hạ tầng, thứ 2 là nguồn nhân lực chất lượng cao có đáp ứng không. Hạ tầng thì cả quá trình phát triển, nhưng băn khoăn của các nhà đầu tư hiện nay chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi Việt Nam lại thiếu hụt nguồn nhân lực này.

          Trước thực trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

          Quan tâm đến đào tạo lao động, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) nêu,mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã được rà soát, sắp xếp nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Nếu không chấn chỉnh tình trạng này sẽ là một sự lãng phí.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang)

          Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, ngành lao động cần làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc phân luồng học sinh và chủ động dự báo nhu cầu đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động hiện nay? Bên cạnh đó, những bất hợp lý trong việc chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành nghề đào tạo sẽ được chấn chỉnh như thế nào để giúp công tác giáo dục nghề nghiệp gắn chặt hơn với thị trường lao động và nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới?

            Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới?

          Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, công tác tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua cũng đã có bước tiến bộ nhất định. Cách đây hơn 1 tháng, Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã báo cáo với Ban Bí thư, tổng kết 10 năm công tác giáo dục nghề nghiệp và ngày 4-5-2023,  Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

          Nhấn mạnh điều Bộ quan tâm trong thời gian tới là đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, phải làm quyết liệt hơn vấn đề dự báo cung cầu và chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần tiến hành liên kết, kết hợp cũng như đặt hàng được với doanh nghiệp. Như vậy khi học sinh, sinh viên được đào tạo ra mới có việc làm.

        Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định có tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong đào tạo nghề. Các trường nghề hiện nay, về cơ bản đang thực hiện theo tinh thần đào tạo theo hướng tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao mà nhà nước đặt hàng thì mới yêu cầu. Trong thời gian qua, 63 tỉnh, thành cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sáp nhập lại các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc 3 trong 1, 2 trong 1 và một trường cao đẳng ở địa phương có thể đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau.

           Bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương theo hướng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch địa bàn và quy hoạch ngành nghề, lĩnh vực…

          Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo như hiện nay.

          Trả lời câu hỏi về liệu có lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng không hoàn toàn lãng phí nhưng cũng chưa có đánh giá toàn diện và thời gian tới sẽ có đánh giá đích thực về vấn đề này. Việc thu hút học sinh vào trường nghề không phải điều dễ dàng. Số trung cấp nghề tăng do áp dụng nguyên tắc (9 cộng), tức học sinh sau tốt nghiệp phổ thông vào thẳng trường nghề vừa học văn hóa vừa học nghề. Việc vừa học nghề vừa học văn hóa giúp rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi hơn cho ra trường có thể tham gia thị trường lao động. Các nước đang phát triển cũng áp dụng mô hình này, cả Đức, Nhật Bản và Canada cũng áp dụng.

                                                       Lương và thu nhập của người lao động còn thấp

          Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng thu nhập và đời sống hiện tại của công nhân lao động ở nước ta hiện nay; cần có những giải pháp căn cơ gì để chăm lo, hỗ trợ cho đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

                              

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận)

          Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thu nhập bình quân của người lao động làm công ăn lương trong quý 1 năm 2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6% so với quý 4 năm 2022, tăng giá trị tuyệt đối là 204 nghìn đồng. Trong đó các ngành nghề cơ bản như dệt may là 7,2 triệu đồng, da giày 8 triệu đồng, chế biến gỗ 7,4 triệu đồng, điện tử là 9 triệu đồng.

          Bộ trưởng nhận định, những con số này cho thấy các doanh nghiệp đã cố gắng rất lớn, doanh nghiệp và người lao động đã có chia sẻ với nhau. Và thu nhập của người lao động về cơ bản đã được điều chỉnh...

          Tuy nhiên hiện nay lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; đặc biệt là đời sống của các lao động nữ.   Về giải pháp căn cơ, Bộ trưởng  cho rằng, việc đầu tiên là tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập và đời sống cho người lao động. Cùng với đó là đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề; chăm lo đời sống phúc lợi xã hội; tăng cường các kết nối, giới thiệu việc làm...

          Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nêu: Theo báo cáo của Cục Việc làm, trong 3 tháng đầu năm 2023 có 146.000 người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ được bao nhiêu người trong số 146.000 hồ sơ đã nộp lên cơ quan chức năng?

        Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nêu rõ, sau lưng mỗi người lao động mất việc là cả một gia đình và có nhiều vấn đề xã hội khác. Có ý kiến cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp và người lao động đang gặp phải hiện nay còn khó khăn hơn cả giai đoạn dịch COVID-19. Trong giai đoạn COVID-19, chúng ta đã phát huy rất tốt các gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân và người lao động. Vậy theo Bộ trưởng, có cần gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như đã hỗ trợ trong giai đoạn COVID-19 hay không?

          Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, thời gian qua một bộ phận người dân người lao động gặp không ít khó khăn, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Về có cần gói hỗ trợ không, cơ quan tham mưu đang đánh giá kĩ thực trạng tình hình, dự báo chính xác tình hình từ nay đến Tết và năm 2024 để có chính sách dài hạn và ngắn hạn. Bộ trưởng cũng chia sẻ cá nhân mình không có thẩm quyền nói ngay quyết ngay chính sách lúc này mà trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

                    Nhiều khó khăn vướng mắc trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

          Đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đắk Lắk) cho biết, tỉnh  Đắk Lắk cũng như các địa phương khác trong cả nước đang triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải có ý kiến trả lời bằng văn bản của Ủy ban Dân tộc. Đại biểu cho biết, tỉnh đã có nhiều văn bản xin ý kiến từ tháng 11- 2022 cho đến nay nhưng chưa được hướng dẫn.  Đại biểu đề nghị Bộ trưởng trả lời.

                      

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn

          Trả lời đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, đã nhận được văn bản của tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời làm rõ, theo nguyên tắc của chương trình thì thẩm quyền điều chỉnh trong phạm vi nội bộ của một dự án, một địa bàn địa phương là của UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh. Trường hợp điều chuyển sang dự án khác, địa bàn khác phải có báo cáo và thống nhất với Trung ương để chiều chỉnh bởi liên quan đến mục tiêu của chương trình. 

          Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng cho biết, đã phân công một tổ công tác gồm đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ủy ban Dân tộc vào làm việc với Đắk Lắk và đã giải đáp vấn đề này và đề nghị Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành thống nhất để xử lý. 

                    

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa)

       Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho biết, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một số dự án và tiểu dự án trong chương trình còn có những vướng mắc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm rõ đâu là vướng mắc lớn nhất và hướng khắc phục trong thời gian tới? 

          Trả lời đại biểu Mai Văn Hải, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia là khó khăn nhất và chia sẻ với những trăn trở của tất cả các cấp, các ngành và các đại biểu bởi chương trình rộng lớn và nằm ở địa bàn khó khăn, phức tạp. Các dự án, các chính sách được tích hợp vào chương trình bao gồm cả chính sách của giai đoạn trước còn hiệu lực.

         Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho hay, trăn trở lớn nhất hiện nay là quá trình triển khai trên thực địa bởi có những dự án triển khai cụ thể đến tận thôn bản, từng hộ gia đình. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết về mặt thể chế, về cơ bản các văn bản hướng dẫn đã ban hành đầy đủ, tuy nhiên không tránh khỏi trong thực tế có những vấn đề phát sinh.

                               

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn

        Do đó,Trung ương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thế và hướng dẫn tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đối với các địa phương, trong các văn bản hướng dẫn lần này sẽ tăng cường phân cấp tối đa tất cả mọi nguồn lực để cho địa phương quyết, tập trung lực lượng để triển khai.

          Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu nêu rõ: Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nhưng sau 3 năm triển khai chương trình vẫn rất chậm.   

           Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu rõ, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới việc xây dựng và thực thi chính sách dân tộc, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển trong cộng đồng dân tộc ở đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

        uy nhiên, luôn luôn phát sinh những bất cập, tồn tại và bất cập trong quá trình triển khai và thực hiện. Đại biểu phản ánh ý kiến của cử tri cho rằng  cần có những định hướng hoàn thiện về cơ chế, chính sách dân tộc trong thời gian tới. Đó là sớm nghiên cứu ban hành Luật về hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

                   

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh)

      Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho rằng, chính sách dân tộc hiện nay tản mát ở nhiều văn bản chồng chéo, nhiều tầng lớp, nguồn lực thì bị phân tán dẫn đến chưa phát huy hiệu quả và thiếu tính bền vững và đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này, có cần thiết phải rà soát, điều chỉnh chính sách dân tộc để khắc phục những bất cập mang tính hệ thống hay không?

                                                                                                                                            Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông