"Nóng" vấn đề quản lý dữ liệu cá nhân; ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng

15:47 04/11/2022

Sáng 4-11, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15 tiến hành phiên chất vấn về lĩnh vực Thông tin Truyền thông. Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.
                                                                          Sẽ xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

           Đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) nêu rõ, hiện nay có hàng trăm triệu tài khoản tham gia các nền tảng trực tuyến nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Trong đó đối với3 mạng xã hội phổ biến nhất có tới 175 triệu tài khoản. Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ như hiện nay, việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu người dùng của các nền tảng trực tuyến là vấn đề không thể xem nhẹ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này?

                             

Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang),

          Theo đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang), thời gian gần đây nhiều người dân nhận được cuộc gọi thông báo mình vi phạm pháp luật, yêu cầu chuyển khoản nộp phạt, nếu không sẽ chuyển cơ quan điều tra khởi tố. "Vì sao những kẻ xấu lại biết tên tuổi, số điện thoại, nơi làm việc, thậm chí cả chức danh, chức vụ của công dân. Có vẻ như bằng cách nào đó thông tin cá nhân của công dân đã bị lộ lọt và bị kẻ xấu khai thác", đại biểu nói, cho biết vấn đề này đang gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến và giải pháp khắc phục vấn đề này?

                           

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

          Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mạng xã hội kinh doanh trên dữ liệu cá nhân, thu thập dữ liệu cá nhân. Cách đây ba năm, tại diễn đàn Quốc hội ông từng nêu quan điểm phải có mạng xã hội Việt Nam, bởi không thể bỏ nền tảng này được. Năm 2009, tất cả nền tảng mạng xã hội Việt Nam có chưa đến 40 triệu tài khoản, đến nay mạng xã hội Việt Nam lớn nhất có 130 triệu tài khoản, tương đương với số người dùng Facebook và YouTube cộng lại.

      "Đây cũng là giải pháp giữ lại dữ liệu của người Việt Nam tại Việt Nam", Bộ trưởng nói. Bộ trưởng  cho biết, thời gian tới, các cơ quan sẽ ban hành nghị định và tiến tới xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý vững chắc. "Các nước ý thức rất rõ vấn đề này nên khung phạt vi phạm rất cao, có khi lên đến hàng tỷ USD với doanh nghiệp kinh doanh thu thập dữ liệu cá nhân; mức phạt tù có khi lến đến 10 năm", theo Bộ trưởng.

                                   

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

           Tham gia trả lời về vấn đề này,  Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, an ninh mạng còn 5 nhóm vấn đề tồn tại. Trong đó, hành lang pháp lý, hệ thống văn bản pháp luật trong quản lý an ninh mạng chưa hoàn thiện; quan hệ phối hợp giữa ban ngành, địa phương về an ninh mạng chưa thực chất; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa hiệu quả; phần lớn nền tảng dịch vụ công nghệ, mạng của nước ngoài chưa có cơ quan đại diện ở Việt Nam nên khó quản lý.

           Về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân, theo Bộ trưởng  Tô Lâm, đây là thực trạng nhức nhối. Bộ Công an kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù đối với bảo vệ dữ liệu cá nhân; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến về dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

                                                                       Chưa ngăn chặn được các cuộc gọi rác

           Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu thực trạng khủng bố qua điện thoại, có cả tin nhắn và điện thoại trực tiếp liên quan đến đời nợ thuê, quảng cáo, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. "Bộ trưởng có giải pháp hiệu quả như thế nào để chấm dứt tình trạng này?"- đại biểu chất vấn.

                                     

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận)

           Dẫn báo cáo của Bộ TTTT nêu tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu khi xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị làm rõ những cơ quan nào cát cứ? Trách nhiệm thuộc về ai? Giải pháp nào để khắc phục?

           Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mỗi tháng trong năm 2022, Bộ nhận được khoảng 30.000 phản ánh của người dân về cuộc gọi rác, khủng bố. Thời gian qua, các đơn vị đã dùng công nghệ rất tốt nên tin nhắn rác đã không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, các cuộc gọi rác lại đang nổi lên. Điện thoại rác là vấn nạn toàn cầu. ở Mỹ, mỗi người dân phải nhận cuộc gọi không liên quan hàng tháng gấp ba lần Việt Nam.

      Gần đây, Bộ đã chính thức công bố số điện thoại để người dân phản ánh cuộc gọi rác. Về lâu dài, phải dùng công nghệ. Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng phát triển công nghệ phát hiện cuộc gọi rác và chủ động ngăn chặn. "Mỗi tháng chúng tôi chặn 30.000-40.000 cuộc gọi rác. Những tháng gần đây cuộc gọi rác được xử lý tốt hơn", Bộ trưởng cho biết.

          Về việc xây dựng cơ sở dữ liệu, có đơn vị xây dựng xong nhưng chưa yên tâm về tính chính xác nên đắn đo chưa đưa ra sử dụng. Có cơ quan đắn đo nếu cho các đơn vị khác kết nối vào, không đảm bảo an toàn thông tin, mất dữ liệu thì ai phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó là  có tâm lý  dữ liệu là một loại tài nguyên, tài sản, nếu chia sẻ cho nhiều người biết thì quyền của mình nhỏ đi. Theo Bộ trưởng, 8 cơ sở dữ liệu đã kết nối không có chuyện cát cứ và đang chia sẻ hiệu quả. Năm tới, Bộ sẽ chính thức yêu cầu các bộ ngành, địa phương công khai các dữ liệu của đơn vị mình.

                                                                         Cách nào ngăn chặn thông tin xấu độc

           Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) đặt vấn đề, thời gian qua, Bộ TTTT có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng, chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý có lúc còn chậm, tạo cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, an ninh trật tự, quyền lợi và lợi ích của những tổ chức, cá nhân. Bộ trưởng có giải pháp gì?

           Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tin giả trên mạng nếu xử lý chậm sẽ lan truyền rất rộng. Vừa qua, các cơ quan đã nâng tầm xử lý tin giả từ thông tư lên nghị định. Nghị định quy định rõ hành vi, trách nhiệm các bên liên quan, thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin xấu độc từ 48 giờ rút xuống còn 24 giờ, có thông tin đặc biệt chỉ trong 3 giờ.

           Theo Bộ trưởng, hiện nay phạt đưa thông tin giả tại Việt Nam dù đã tăng lên 3 lần, nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN chỉ bằng 1/10. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc đưa mức phạt lên đủ sức răn đe, ít nhất ngang với mức trung bình trong khu vực.

          Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nêu giải pháp ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng, tránh tình trạng xử lý thông tin thất thiệt lại thành PR cho người muốn nổi tiếng.

          Bộ trưởng TTTT thừa nhận việc ngăn chặn thông tin xấu độc ở Việt Nam là việc khó khăn, lực lượng mỏng, trong khi đó một người Việt Nam thường có 4 tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Nếu chỉ có Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an thì không đủ lực lượng để xử lý các vi phạm trên không gian mạng.

                              

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn

          Theo Bộ trưởng, cơ quan nào quản lý cái gì ở thế giới thực thì cần quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng, tức là cả xã hội phải vào cuộc. Các bộ ngành, địa phương cùng tham gia quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng, mỗi xã hội là gia đình quản lý con cái trên không gian mạng.

          Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) hoan nghênh quan điểm thông tin xấu độc ngoài đời thế nào thì trên mạng như vậy. Tuy nhiên, ngoài đời quản lý theo lãnh thổ còn trên mạng là nền tảng đa quốc gia. Vì vậy, nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn, xử lý tài khoản vi phạm "thì chẳng khác gì khi phòng chống COVID-19 chúng ta chỉ cách ly, phong tỏa, đeo khẩu trang".

      Giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng thông qua vaccine. Cần làm sao để người dân, công chúng không tin, không nghe thông tin xấu độc. Chúng ta cần nhiều thứ để công chúng nghe, xem, đọc thông tin hay, có tính phản biện mang tính thuyết phục cao. Các tờ báo cần được khuyến khích đi thẳng vào vấn đề nóng với thái độ, trách nhiệm không né tránh, chứ không phải khen một chiều mới là hay, bởi thực tế thuốc bổ uống nhiều cũng sẽ gây ngộ độc.

                                     

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên)

          "Bộ trưởng nói sau 3 tiếng có thể gỡ bỏ thông tin độc hại, nhưng chỉ cần sau 5-10 phút thì thông tin độc hại lan rất rộng rồi. Nên quan trọng nhất là phải không uống thuốc độc ngay từ đầu. Nếu độc hại đã ngấm vào mới uống giải độc thì mãi mãi chúng ta sẽ chạy theo, rất vất vả"- đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.

           Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đồng tình với đại biểu Đỗ Chí Nghĩa rằng không chỉ riêng tin xấu độc mà tất cả các thứ đều cần "sức đề kháng". Trên không gian mạng, tin xấu độc giống không khí, tin xấu độc nhiều thì không khí bị vấy bẩn. Không khí đầu độc phổi, thông tin đầu độc não. Ai quản lý cái gì trong đời thực thì quản lý cái đó trên không gian mạng, như lĩnh vực Công lành mạnh.

          Hiện đề xuất Bộ Giáo dục Đào tạo đưa thêm nội dung kỹ năng sống vào đào tạo công nghệ thông tin từ lớp 3, để "tăng đề kháng" cho các em; phát triển nền tảng nâng cao kỹ năng trên môi trường số... "Không gian mạng là của chúng ta, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm làm không gian mạng trong sạch và cần sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan", ông nói, cho biết Bộ sẽ chủ động rà soát, gỡ quét thông tin xấu độc.

                                                            Sẽ xử lý nghiêm tình trạng báo hóa tạp chí

             Trả lời câu hỏi đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) về tình trạng báo hóa các trang thông tin, trang mạng và mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay cơ quan đã công khai dấu hiệu, biểu hiện thế nào là một tạp chí báo hóa, một trang thông tin báo hóa để toàn dân cùng giám sát.

          Trong số 650 tạp chí, cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng 30 tạp chí có dấu hiệu báo hóa, không lớn. Các trang tin được cấp phép là khoảng 2.000, số có dấu hiệu báo hóa cũng khoảng 30.

          Đảng, Nhà nước cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý, tiến hành xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu đối với nhiều cơ quan để đảm bảo từng bước giải quyết vấn đề này.

                                                              Ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo

      Trả lời đại biểu Lê Thị Song An (Long An) về thực trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cờ bạc qua mạng xu hướng gia tăng, nguyên nhân và giải pháp, Bộ trưởng TTTT cho rằng đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà có ở hầu hết quốc gia. Các đối tượng sử dụng rất nhiều phương tiện, trong đó có điện thoại và các trang web. Thời gian qua, Bộ đã hoàn thiện văn bản thể chế, định nghĩa rõ các hành vi, quy định, quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế chuyển công an xử lý hình sự.

       Bộ đã công khai các đầu số điện thoại, trang web để tiếp nhận phản ánh của người dân về hoạt động vi phạm; phát triển công cụ, công nghệ quản lý không gian mạng. Năm 2020, Bộ đã rà quét, ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo. Nếu không ngăn chặn sẽ có 3,1 triệu người truy cập và xác xuất lừa đảo là rất lớn.

           Đối với sim rác, Bộ đang tập trung xử lý vì đây là công cụ phục vụ lừa đảo. Tất cả thuê bao không có đầy đủ thông tin sẽ bị xóa khỏi hệ thống. Năm 2018, cả nước còn 22 triệu thuê bao không có thông tin đầy đủ, chúng ta đã cương quyết xử lý và đến nay không còn.

           Về việc kiểm soát thông tin đăng ký có chính xác, Bộ đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các nhà mạng đang đối soát. Thủ tướng cũng chỉ đạo trong năm nay và muộn nhất 2023 phải đảm bảo dữ liệu chính xác.

Về việc một người đăng ký nhiều sim, sim không chính chủ, ông Hùng cho biết đây cũng là vấn đề cần xử lý. Làm xong việc này sẽ xử lý được đáng kể tình trạng lừa đảo, cuộc gọi rác.

                                                          Xây dựng văn hóa mạng

       Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) phản ánh hiện trạng giáo dục chịu tác động nguy hại từ không gian mạng. Các hành vi tiêu cực từ không gian mạng đang len lỏi vào nhà trường tạo thành hành vi tiêu cực, lối sống ảo, thực dụng, ích kỷ và đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ quan tâm tới xây dựng văn hoá mạng và giải pháp giải quyết vấn đề này là gì.

          Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận "đây là câu chuyện nhức nhối".Theo Bộ trưởng, nhiều người nghĩ không gian mạng là vô danh, ảo, không ai biết mình là ai, nên phát ngôn thiếu trách nhiệm. Nghị định 72 tới đây, khi được ban hành sẽ quy định nhà mạng phải xác thực được danh tính người dân khi đăng ký dùng mạng, để khi cơ quan điều tra yêu cầu thì phải cung cấp được danh tính người đó. Đây là giải pháp mạnh mẽ để người dân có trách nhiệm hơn khi tham gia môi trường mạng.

                                 

Quang cảnh phiên chất vấn

          Theo Bộ trưởng, cần tạo lập văn hóa cho môi trường sống mới, từng bước xây dựng văn hoá số. Bước đầu tiên là cần bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số. Hiện Bộ đã ban hành bộ quy tắc mẫu và sẽ đánh giá sơ kết thực hiện vào năm sau. Căn cơ nhất thì vẫn cần đi cả hai chân, pháp trị và đức trị, tức là dùng pháp luật và văn hoá, giáo dục.

          Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng,nếu chỉ hành động như vậy thì chưa thể xây dựng văn hoá mạng tốt, văn minh ở Việt Nam, đề nghị Bộ trưởng cần thúc đẩy việc này mạnh mẽ hơn.

          Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, văn hoá mạng rất rộng và nhiều việc cần làm. Bộ quy tắc ứng xử mẫu của Bộ Thông tin  Truyền thông ngoài áp dụng cho cơ quan công quyền và các tổ chức khác có thể coi là mẫu tham khảo. Quy tắc ứng xử cần tuyên truyền rộng rãi để "ngấm vào từng gia đình, từng tế bào xã hội, từng người dân và cách tốt nhất là dùng nền tảng số để đào tạo kỹ năng cơ bản, văn hoá, đưa vào nhà trường.

                                                                      Thu hút và giữ chân nhân lực CNTT

          Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) cho rằng nền tảng số, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số là giải pháp đột phá chuyển đổi số quốc gia. Vậy làm thế nào để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia và  đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, giải pháp của bài toán chảy máu chất xám nhân tài công nghệ thông tin khi họ được doanh nghiệp nước ngoài trả lương gấp 6-7 lần.

                              

Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) 

          Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nền tảng số là giải pháp đột phá xây dựng chuyển đổi số quốc gia. Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trên thế giới thực, nếu không làm chủ nền tảng số, người dân Việt Nam làm ăn, vui chơi giải trí trên nền tảng số nước ngoài thì dữ liệu bị thu thập. Nền tảng số là tài nguyên của Việt Nam, nên Bộ Thông tin  Truyền thông đặt trọng tâm phát triển nền tảng số.

        Bộ trưởng cho biết, năm 2022, trên 52 nền tảng số phải xây dựng xong, đưa vào khai thác, đây là các nền tảng số dùng chung quốc gia và hiện đã vận hành.

      Năm 2022, có 500 triệu người Việt Nam cài đặt nền tảng số Việt Nam, chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt và con số này đang tăng lên. "Có việc thì sẽ có người, có việc khó thì có người giỏi. Người ở đây là doanh nghiệp, chúng ta đã công bố bài toán chuyển đổi số Việt Nam"- theo Bộ trưởng.

          Bộ trưởng cũng nêu rõ, nhân tài là nguồn lực cơ bản của quốc gia, là yếu tố quyết định trong làm chủ và quyết định công nghệ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã trả mức lương tương đương nước ngoài, bắt đầu xuất hiện nhiều người lao động đang làm ở nước ngoài về Việt Nam. Dù vậy, Bộ trưởng cho rằng Việt Nam cần nhiều chính sách thu hút nhân tài hơn, vì không có nhân tài đất nước khó phát triển.

        Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn, Chính phủ đang trong lộ trình xây dựng Chính phủ số, chính quyền điện tử, áp dụng công nghệ cho các dịch vụ công từ cấp trung ương đến địa phương. Để triển khai công việc này, cần phải có đội ngũ đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

                                        

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội)

     Tuy nhiên, hiện nay ở cấp xã, phường, thị trấn, nơi phải triển khai trực tiếp các dịch vụ công nhiều nhất với người dân lại không có vị trí việc làm và biên chế cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Điều này gây khó khăn cho cơ sở tại các địa phương và làm cản trở tiến độ triển khai xây dựng chính quyền điện tử.

       Đại biểu đặt câu hỏi: giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc phát triển và giữ chân đội ngũ công nghệ thông tin ở cấp xã, phường, thị trấn trong giai đoạn tới đây là gì?

          Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi nghiên cứu, ông cũng bất ngờ với số lượng làm công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước hiện chỉ 0,9%. Trong khi các nước trong khu vực ASEAN là 10%, Mỹ 15% (Văn phòng Tổng thống Mỹ là 20%)... Đây là con số đáng suy nghĩ vì tỷ lệ thấp sẽ rất khó chuyển đổi số quốc gia.

           Để giữ chân những cán bộ lĩnh vực này, Bộ trưởng cho rằng, cần ưu đãi. Tuy nhiên với cơ chế hiện nay thì rất khó. Lương lập trình viên bên ngoài là 35 triệu đồng/tháng. Nhà nước thì không thể trả như vậy. Công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất nên cần xây dựng nền tảng số, trợ lý ảo (AI) để giảm gánh nặng cán bộ thông tin, phù hợp mức lương họ đang nhận. Tức là phải đầu tư vào nền tảng.

          Ngoài ra, trước đây làm công nghệ thông tin theo cách bỏ tiền đầu tư, khai thác, phát triển, giờ cần thay đổi theo cách tăng cường thuê ngoài và biến những cán bộ thông tin là "người đặt hàng, người hướng dẫn".

                                                                   Chậm ngăn chặn việc livestream của bà Phương Hằng

             Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông chưa quan tâm đúng mức tới quản lý mạng xã hội, khi có vụ việc xảy ra mới thanh tra, kiểm tra nên tình trạng "báo hoá mạng xã hội và mạng xã hội thì hoá báo". Theo ông, cơ quan chức năng lúng túng, chậm xử lý những vi phạm như trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên đưa tin, không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. "Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này?", đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn.

                                     

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) 

          Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Bộ lúc nào cũng coi thể chế là số 1. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề thể chế đi sau, như xử lý vụ livestream của bà Phương Hằng. Bộ trưởng cho biết, thời điểm đó chưa có quy định pháp luật quản lý hành vi livestream thế nào. Sau khi rà soát, cơ quan chức năng đã hai lần xử phạt hành chính và công an đã xử lý hình sự.

          Về giải pháp, Bộ trưởng Hùng cho biết, Bộ đã sửa đổi Nghị định 72 và đã trình Thủ tướng, có thể ban hành cuối năm nay. Trong đó, bổ sung quy định xử lý hình thức livestream trên mạng, như chỉ những người đích danh trên môi trường số mới được livetream, phải cung cấp thông tin thời gian, và nếu bán hàng, có thu nhập thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế...

                                                                                                                                       Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông