Quốc hội thảo luận, chỉ rõ những biểu hiện của lãng phí

14:32 31/10/2022

Ngày 31-10, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

       

Quốc hội thảo  luận tại về  thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. 

                                                               Nhiều trường hợp vẫn thất thoát, lãng phí lớn

        Trình bày báo cáo giám sát, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát  nêu rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.

                                        

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo

          Biểu hiện rõ nhất là quản lý, sử dụng NSNN, các nguồn vốn nhà nước khác có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn.

          Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn Giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.

            Đáng lưu ý là hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ.

           Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu.

          Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó: năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án. Có nhiều dự án trong số 1.086 trường hợp phải xử lý hình sự, đã xét xử.

          Cũng theo đồng chí  Nguyễn Phú Cường, giai đoạn 2016-2020, cổ phần hóa, thoái vốn chỉ đạt 30% kế hoạch. Vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp chưa được bảo toàn. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí.

          Cơ bản các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất chậm tiến độ nhiều năm,… rủi ro có thể gây thất thoát, lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến cân đối năng lượng nếu không có giải pháp xử lý kịp thời. Một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách hoạt động không hiệu quả, sắp xếp lại còn chậm, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí. Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng.

          Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến. Chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn giám sát làm việc có báo cáo đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt, nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015 ha….

                  

Quang cảnh phiên thảo luận

          Từ thực tế trên, Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra hàng loạt đề xuất, kiến nghị đối với cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, cơ quan tư pháp. Trong đó yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí; 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất.

                                                                                     Còn nhiều sự lãng phí vô hình

         Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) bày tỏ đồng tình với nội dung đánh giá chung trong báo cáo của đoàn giám sát cũng là của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát. Báo cáo của đoàn giám sát đã nêu lên và phân tích khá toàn diện các vấn đề liên quan và kèm theo đó là những con số, những đúc kết mà "bất cứ ai đọc tới cũng khó có thể làm ngơ".

         Tuy nhiên, theo đại biểu, đó chỉ là "bề nổi của những tảng băng", mới chỉ là một phần của những lãng phí hữu hình mà chúng ta có thể nhìn thấy được, chỉ ra được, đo đếm được. Đằng sau những lãng phí hữu hình ấy là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, nó không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia.

           Nêu rõ một trong những lãng phí như vậy đã được một số đại biểu Quốc hội nêu lên trong kỳ họp thứ 3 nhận được nhiều sự đồng tình là lãng phí niềm tin, đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh, còn một sự lãng phí khác đó là lãng phí trách nhiệm.

    Trong 2 ngày thảo luận kinh tế - xã hội đã nghe rất nhiều những bệnh viện đầu ngành xin thôi tự chủ khiến cho một chủ trương quan trọng trong đổi mới hoạt động của bệnh viện công lập cũng là đổi mới ngành y tế có thể không thực hiện đúng lộ trình. Bên cạnh đó là việc không thể đấu thầu được thuốc, vật tư y tế trong nhiều bệnh viện công đã và đang ảnh hưởng lớn đến việc khám chữa bệnh cho hàng triệu người dân; không ít cán bộ công chức viên chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc cần phải làm đang gây trì trệ nhiều công việc lớn nhỏ trong bộ máy quản lý hành chính, khiến lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) 

          Theo đại biểu Trần Hữu Hậu: “Ở một góc độ nào đó, những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đánh giá như vậy không hoàn toàn sai, nhưng tôi cho rằng, phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều tinh thần trách nhiệm của họ do nhiều nguyên nhân không được phát huy, bị lãng phí và từ đó gây nên những lãng phí khôn lường không đo đếm được cho xã hội và đất nước”.

      Đại biểu Trần Hữu Hậu cũng cho rằng, một quy luật của sự phát triển là khi sự tiêu cực, yếu kém, trì trệ trở thành phổ biến thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm mà lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy đó. Vì vậy, để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém thì không chỉ dừng ở xử lý những người trực tiếp gây ra mà vấn đề căn bản là phải cải tổ bộ máy và phương thức vận hành.

      Thất thoát, lãng phí trách nhiệm tăng, trở nên phổ biến trong các cấp, các ngành ở một bộ phận không nhỏ các cơ quan đơn vị và cán bộ công chức, viên chức. Qua đó, đại biểu đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thấu đáo sự lãng phí này và có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể để không bị lãng phí trách nhiệm, lãng phí niềm tin - những tài sản tài nguyên vô giá của sự phát triển đất nước.

           Lãng phí nguồn nhân lực là lãng phí lớn nhất

          Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề cập về lãng phí nguồn nhân lực.Theo đại biểu, nước ta có lực lượng lao động đông đảo, đang ở vào thời kỳ dân số vàng, có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên nút thắt là ở chất lượng lao động chưa cao, nếu không có chính sách tận dụng thời kỳ dân số vàng, sẽ là lãng phí rất lớn cho cơ hội phát triển. 

          Đại biểu nêu rõ, chất lượng lao động là chìa khóa tăng năng suất lao động, là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất nguồn nhân lực. Đây cũng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế- xã hội.  Trong thời gian qua, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta đã có những bước tiến đáng trân trọng, tuy nhiên, năng suất lao động của chúng ta so với các nước trong khu vực vẫn còn khiêm tốn, nếu không có giải pháp quyết liệt thì sẽ gây lãng phí lớn. 

                              

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn)

          Theo đại biểu, tình trạng sinh viên ra trường đi làm trái ngành, giáo viên nghỉ việc là hồi chuông báo động về lãng phí nhân lực ở môi trường giáo dục gia đình, doanh nghiệp, xã hội, thậm chí còn cho thấy có sự lãng phí về niềm tin yêu với nghề nghiệp.

           Để đảm bảo sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, tránh lãng phí, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

          Thứ nhất, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030. Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. 

          Thứ hai, xây dựng cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng như Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề theo nhóm ngành. Ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động. Xây dựng Chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước nói không với nhân công giá rẻ.

          Thứ ba, cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; nhất là, thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia.

          Hạn chế sự lãng phí trong khoa học công nghệ

          Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) quan tâm đến lãng phí trong khoa học công nghệ. Theo đại biểu, khoa học công nghệ là một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế xã hội, đã được đầu tư rất nhiều, nên cần xem xét kỹ lưỡng hiệu quả sử dụng nguồn lực, kết quả thực hiện, xem chúng ta đang ở đâu trên bản đồ công nghệ thế giới. Đại biểu kiến nghị nên nghiên cứu dùng vốn nhà nước làm vốn mồi để dần thu hút nguồn lực về tài chính, về trí tuệ để kiến tạo thị trường khoa học công nghệ phát triển hiện đại. 

                                      

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) 

           Về quản trị, khai thác tài nguyên, năng lượng tái tạo, đại biểu cho rằng hiện tại còn lãng phí ở việc thiếu sự lồng ghép giữa các dự án, còn bất cập trong công tác theo dõi, giám sát, quản lý.

          Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu cơ chế để nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa các bộ, ngành, trao quyền cho địa phương để có thể quản lý, theo dõi các dự án, để thấy một dự án, một chương trình có thể có nhiều mục tiêu, một mục tiêu cũng có thể thực hiện ở nhiều dự án. Nếu quản lý đơn lẻ, đơn tuyến như hiện nay thì sẽ gây nhiều lãng phí trong đầu tư công.

          Quản lý đất đai  còn lỏng lẻo, gây lãng phí

          Đại biểu Chau Chắc (An Giang)  cho biết, nhiều nơi trên cả nước còn tình trạng thiếu đất sản xuất, trong khi đó tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng, khai thác đất đai vẫn còn tồn tại như dự án treo chậm tiến độ, sai phạm. Thực trạng quản lý đất đai, đường nông thôn, sông suối, đất bãi bồi sông ngòi ven biển ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn còn thiếu chặt chẽ, còn để bị lấn chiếm, thất thoát tài sản công, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Đại biểu Chau Chắc (An Giang)

       Đại biểu Chau Chắc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương điều tra, rà soát, quản lý chặt chẽ trong phạm vi toàn quốc để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra. 

           Đồng thời đề nghị tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhất là kết hợp giữa các Đoàn giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH các tỉnh thành với các cơ quan hành pháp, tư pháp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng các cấp để theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện hậu giám sát đạt kết quả cao nhất.

            Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), trực tiếp và dễ nhận diện nhất là nguồn lực về nhà cửa và đất đai đang bị lãng phí rất lớn. Đây cũng là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách. Qua các vụ án gần đây liên quan đến cán bộ quản lý nhà nước đều có bóng dáng công tác quản lý nhà đất.

                                

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)

           Đề cập đến vấn đề đất đai, đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, theo phụ lục báo cáo kết quả giám sát có 28.000 ha, 900 dự án, công trình chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án lớn có vướng mắc, đất để hoang hoá gây lãng phí… Trong khi chính sách, pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, trong đó có những vấn đề về thị trường bất động sản, bất động sản du lịch, xác định giá trị quyền sử dụng đất, quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích và thời gian quy định nhưng không được xử lý kịp thời, chưa tạo ra động lực để đưa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực đất đai.

          Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng đất nông lâm trường; công ty nông lâm nghiệp cần phải được quan tâm hơn. Sau khi Quốc hội giám sát vấn đề này vào năm 2018, hiện nay tuy có chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Thực tế vẫn tiếp tục phát sinh khiếu nại, tố cáo, trong đó có những trường hợp khiếu khiếu kiện đông người liên quan đến đất nông lâm trường tại các địa phương. Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần nhấn mạnh trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội; đồng thời cũng là một trong những nội dung cần được quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật đất đai trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.

                          Còn thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin

        Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đề cập đến thực trạng thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin. Đại biểu nêu rõ, trong thời gian vừa qua việc ứng dụng công nghệ thông tin nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong nhận thức có lẽ chưa bao giờ chuyển đổi số được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng, đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin còn có những tồn tại, thất thoát, lãng phí.

               

 Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An)

           Đại biểu phản ánh, hiện nay tình trạng một số nội dung nhưng có nhiều ứng dụng khác nhau đang khá phổ biến. Điển hình như trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID- 19, có thời điểm trong điện thoại của người dân có đến 4, 5 ứng dụng về khai báo y tế, có thể việc xây dựng các ứng dụng này không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng đó cũng là nguồn lực của xã hội, gây lúng túng, tốn kém thời gian của người dân trong quá trình sử dụng.

           Bên cạnh đó, hiện nay một số dịch vụ công trực tuyến còn yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải kê khai, cung cấp thông tin nhiều lần. Nhiều người dân phản ánh việc thao tác nộp hồ sơ trực tuyến không thực sự thuận tiện và thông suốt, còn tình trạng phải nhờ công chức hướng dẫn trực tiếp thì mới thực hiện được việc khai báo hồ sơ …

          Từ những thực trạng trên, đại biểu  đề nghị trong dự thảo nghị quyết về kết quả giám sát cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ứng dụng công nghệ thông tin.

          Ngoài ra, cần có các công cụ để đánh giá sự cần thiết và tính hiệu quả trong việc xây dựng hoặc nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là việc xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phải lấy tính tiện dụng, tính thuận lợi của người dân làm trọng tâm, tránh mất thời gian, công sức của người dân trong việc sử dụng các dịch vụ này. Cùng với đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng danh mục tổng thể các cơ sở dữ liệu trong các cơ quan nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

          Lãng phí ở các dự án treo

           Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề cập đến sự lãng phí trong vấn đề sử dụng đất, nhất là dự án treo, quy hoạch treo và cho rằng, đây là “sự lãng phí vô cùng lớn”. 

          Theo đại biểu, lãng phí nguồn lực đất đai, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, làm mất đi cơ hội phát triển của đất nước. Nhưng, sự lãng phí to hơn, lớn hơn đó là làm suy giảm, lãng phí niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với nhà nước. “Những ai có đất, có nhà trong vùng dự án treo, quy hoạch treo mới thấu hiểu được nỗi khổ của người dân”- đại biểu nhấn mạnh.

                             

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) 

           Đại biểu đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ để người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo giảm bớt khó khăn. 

          Theo đó, cần kiên quyết, thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ; đánh thuế cao với đất không sử dụng; quy định 3 hoặc 5 năm nếu quy hoạch không triển khai thực hiện thì đương nhiên quy hoạch đó không còn giá trị pháp lý…, đồng thời xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan. 

                      Tài sản công vẫn bị lãng phí trầm trọng

          Một số đại biểu nêu thực trạng thất thoát, lãng phí tài sản ở khu vực công     nhiều và trầm trọng hơn khu vực tư, rõ nhất là các dự án chậm tiến độ. Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đánh giá, giai đoạn 2016-2021, việc rà soát, thu hồi, điều chuyển trụ sở dôi dư có chuyển biến tích cực. Đến giữa năm 2019, bộ ngành, địa phương đã kê khai và đề xuất xử lý 202.600 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 7.200 triệu m2 đất và 276 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với trên 150.000 cơ sở.

                                         

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc)

          Tuy nhiên, việc bố trí trụ sở làm việc của đơn vị hành chính sau sáp nhập còn bất cập. Có những địa phương trụ sở làm việc bị phân tán do duy trì hai đến ba nơi làm việc như trước sắp xếp. Có địa phương đã hoàn thành sắp xếp, ổn định trụ sở làm việc thì lại chật chội, không đáp ứng yêu cầu do số lượng cán bộ, công chức mới tăng lên, trong khi đó nhiều trụ sở bị sáp nhập lại bỏ không. Việc thanh lý, bán đấu giá tài sản công, dôi dư sau sắp xếp còn gặp khó khăn do nằm ở khu vực có điều kiện kinh tế kém phát triển.

           Có cơ quan ngành dọc ở địa phương sau khi được bố trí trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương. Nhiều khu đất có vị trí đắc địa, là đất vàng ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí nguồn lực.

          Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) băn khoăn khi việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được chú trọng, chất lượng từng bước được nâng cao, nhưng lãng phí khu vực công vẫn xảy ra, từ nợ đọng thuế, thất thu thuế đến hàng nghìn dự án chậm tiến độ. Trong nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả, có các khu nhà ở, ký túc xá sinh viên.

     Nguyên nhân là một bộ phận cán bộ có lối sống ích kỷ, thực dụng, chỉ quan tâm đến quyền lợi vật chất của bản thân, không vì tập thể, không nỗ lực vì lợi ích chung. "Tiết kiệm, chống lãng phí khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích cộng đồng, tập thể, quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong việc nhỏ nhất là tiết kiệm thời gian, đến những vấn đề lớn hơn là sử dụng hợp lý mọi tài sản công"- theo đại biểu.

                              

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

           Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo dứt khoát, sớm đưa các dự án chậm tiến độ vào sử dụng để tránh lãng phí. Các cơ quan cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xét xử; đồng thời đặc biệt chú ý đến nâng cao đạo đức con người, phát triển văn hóa, bởi đây là gốc của chống lãng phí, nhất là khu vực công./.

                                                                                                                                       Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông