Quốc hội thảo luận về 2 dự án Luật

08:20 23/10/2024

Ngày 22-10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

                                                                         Quản lý chặt chẽ loại thuốc, giá thuốc

          Thảo luận về Luật Dược, các đại biểu tập trung góp ý về 6 vấn đề còn ý kiến khác nhau như chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược; về kinh doanh chuỗi nhà thuốc; về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược; về đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc; về quản lý giá thuốc…

Quang cảnh phiên thảo luận

           Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Vì vậy, cần  quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử. Dự thảo Luật cũng cần có điều, khoản cụ thể quy định Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.

Đại biểu Quốc hội góp ý về Luật Dược

Có ý kiến cho rằng, hiện nay Việt Nam có hơn 800 hoạt chất và 22.000 số đăng ký thuốc là quá nhiều so với các quốc gia khác. Đồng thời, số đăng ký thuốc trong nước đang bị trùng lặp rất nhiều. Do đó cần có chủ trương hạn chế số lượng đăng ký thuốc để quá trình cấp số đăng ký được hoàn chỉnh, minh bạch hơn và cần phải quy định nội dung này trong dự thảo Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Về đấu thầu thuốc, đại biểu cho rằng Luật Đấu thầu hiện nay chỉ tập trung vào mục tiêu chọn thuốc giá rẻ, gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và phát triển bền vững của ngành công nghiệp dược. Từ đó đề nghị cần xem xét lại quy định về đấu thầu thuốc để đảm bảo cung cấp đủ thuốc, vaccine cho người dân và phát triển bền vững ngành dược. Có ý kiến đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện và chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc. Vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia…

                                             Tăng cường kiểm soát, phòng, chống mua, bán người

           Về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, sau 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế. Qua đó phát huy vai trò phòng, chống mua bán người từ cơ sở và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong  thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu cũng khẳng định đây là đạo luật rất quan trọng, liên quan tới công tác phòng, chống mua bán người, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua, bán người, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người… Đồng thời góp ý nhiều nội dung cụ thể vào dự thảo Luật.

Về hỗ trợ tâm lý (Điều 41), đại biểu cho rằng, hỗ trợ tâm lý là một trong những khía cạnh quan trọng trong việc giúp nạn nhân vượt qua các sang chấn tâm lý do bị buôn bán. Tuy nhiên, theo các đại biểu, thời gian hỗ trợ tâm lý được quy định là không quá 3 tháng có thể chưa đủ đối với những trường hợp nạn nhân bị tổn thương nặng nề về tinh thần. Do đó, thời gian hỗ trợ tâm lý cần được linh hoạt và kéo dài dựa trên tình trạng thực tế của từng nạn nhân.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã quy định rõ ràng về việc hỗ trợ học văn hóa và học nghề cho nạn nhân. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung thêm các chương trình đào tạo kỹ năng mềm và tư vấn nghề nghiệp chuyên sâu hơn, để đảm bảo rằng nạn nhân có thể hòa nhập tốt với môi trường làm việc mới, giúp họ tự lập về tài chính và ổn định cuộc sống. Đồng thời đề nghị cần có quy định chi tiết hơn về mức trợ cấp và các điều kiện cụ thể để đảm bảo rằng việc hỗ trợ được thực hiện công bằng, minh bạch và đến đúng đối tượng.

Về hỗ trợ phiên dịch (Điều 45), đại biểu cho rằng, việc hỗ trợ phiên dịch cho nạn nhân, đặc biệt là những nạn nhân không biết hoặc không hiểu tiếng Việt là một quy định rất cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nạn nhân, đại biểu đề nghị cần có cơ chế giám sát chất lượng dịch thuật, đảm bảo rằng việc phiên dịch được thực hiện chính xác và khách quan.

Cùng với đó, cần xác định rõ nhân lực, trình độ của người phiên dịch để hỗ trợ phiên dịch cho nạn nhân.

Ngoài ra, các ý kiến cũng góp ý về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật như: khái niệm “mua bán người”, khái niệm “nạn nhân”; về nghiêm cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai; về chính sách của Nhà nước đối với phòng, chống mua bán người; về giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân và thẩm quyền của việc cấp giấy tờ xác nhận nạn nhân; về đối tượng và điều kiện được bảo vệ; về đối tượng và chế độ hỗ trợ; về quản lý nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan về phòng, chống bán người…

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cảm ơn và tiếp thu các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Các ý kiến đóng góp đều sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm đối với dự thảo Luật. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội  nhằm chỉnh lý và hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ và khả thi, phù hợp với thực tiễn cuộc sống và điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta; nhằm đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, đề cao việc bảo vệ quyền con người nhằm xây dựng một xã hội an ninh, an toàn, trật tự và kỷ cương.

                                                                                                                                     Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông