Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm; thi hành án; phòng, chống tham nhũng năm 2022

13:31 09/11/2022

Ngày 8-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tội phạm; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cần tập trung đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm gây bức xúc trong xã hội, xử lý nghiêm các loại tội phạm mới; đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm.
Quang cảnh phiên thảo luận

                                                                  Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 40,97%.

      Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh, năm 2022, công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục được tăng cường và đạt hiệu quả cao hơn; thể chế, cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực ngày càng được hoàn thiện, khắc phục được nhiều sơ hở, thiếu sót, không để tội phạm lợi dụng.

      Công tác phòng ngừa tội phạm từng bước được triển khai theo chiều sâu, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, gắn với quản lý, cảm hóa, giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội tại địa bàn cơ sở, nhất là triển khai quy định mới về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

     

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

     Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đã điều tra, khám phá 35.438 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,94%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,12%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,27%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; triệt phá 809 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực...

    Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Nổi lên là tội phạm giết người tăng 13,17%, nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, xảy ra một số vụ giết người thân (tăng 4,83%), giết nhiều người. Các lực lượng  phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,68%; 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97%. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp.

    Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần...

   Đáng chú ý là có sự chuyển hướng rõ rệt của tội phạm buôn lậu từ phương thức truyền thống qua đường mòn, lối mở sang lợi dụng pháp nhân thông qua cửa khẩu chính ngạch để hoạt động; tội phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương.

      Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tăng mạnh (tăng 143,98% về số vụ) và tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn.

                                          Tội phạm tham nhũng gắn với "lợi ích nhóm" có chiều hướng gia tăng

          Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, báo cáo của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Chủ nhiệm Lê Thị Nga trình bày tại Quốc hội thể hiện cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2022. Đó là tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp”.

                

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội  Lê Thị Nga 

      Bên cạnh đó, theo Uỷ ban Tư pháp, trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như: thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi…

        Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.

       Đáng chú ý, tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

     Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ bức xúc khi tình trạng “tham nhũng vặt” như “vòi bạch tuộc” đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

     Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, “tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc hay giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt. Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén... thậm chí nhiều vụ việc còn đòi hỏi phí bôi trơn.

     Đáng lo ngại là điều này ngày càng trở nên phổ biến, có thể gặp ở trong mọi lĩnh vực như khám chữa bệnh, làm các thủ tục hải quan, xây dựng, tư vấn đất đai, các kỳ thi tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, làm luận văn, luận án, phong học hàm, học vị... Họ lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, tranh thủ sự thiếu hiểu biết về pháp luật của công dân, họ tận dụng tối đa vị trí công tác họ đang nắm giữ để đòi hỏi “lót tay”, yêu cầu “bôi trơn”. 

                                

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

       Đại biểu bày tỏ, mong muốn của cử tri, của nhân dân là Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống “tham nhũng vặt”, chống tiêu cực trong xã hội. Đại biểu cho rằng, việc phòng chống "tham nhũng vặt" chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của quần chúng nhân dân. Vì vậy cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn cho nhân dân, để nhân dân hiểu, tham gia tự tin hơn, hiệu quả hơn... Chỉ khi nhân dân vào cuộc, nói ra, phát hiện ra thì mới thấy được nhiều, khi đó phòng chống tham nhũng vặt mới hiệu quả.

     Đặc biệt, theo đại biểu, cần xem việc chống tham nhũng vặt là việc quan trọng, cần rà soát thường xuyên hơn để phát hiện, ngăn chặn tham nhũng vặt.

   

 Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa)

    Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp. Bởi theo đại biểu, cũng giống như các hành vi phạm tội thông thường, dưới góc độ kinh tế, việc sử dụng đất trái pháp luật có thể hiểu là những hành vi kinh tế dựa trên quyết định về chi phí và lợi ích của những người vi phạm pháp luật, đạt được những lợi ích bất hợp pháp và những giá trị nhất định thông qua những hành động vi phạm pháp luật của họ, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và các thành viên khác trong xã hội.

                                                                                           Lo ngại về các loại tội phạm mới

    Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu rõ, những kết quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của cơ quan công an là rất đáng trân trọng, mang lại nhiều niềm tin của người dân đối với ngành, đặc biệt là công tác phòng chống tội phạm tham nhũng, hối lộ.

     Tuy nhiên, theo đại  biểu, có loại tội phạm phát sinh mới như giết người do ghen tuông, tình ái, án mạng trong gia đình, băng nhóm xã hội đen có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là mua bán người, cho vay nặng lãi, sử dụng mạng viễn thông hoạt động phi pháp gây bức xúc trong nhân dân. 

      Ngoài ra còn có một số tội phạm tuy giảm nhưng hoạt động rất tinh vi hơn trước, tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội như ma túy, cướp tài sản, cá độ trên không gian mạng, hiếp dâm, xâm hại trẻ em. Tai nạn giao thông có giảm về số vụ nhưng số người chết, bị thương tăng rất cao, cá biệt xảy ra các vụ cháy, nổ, số người chết tăng đáng kể. Tội phạm buôn lậu xuất nhập khẩu xăng dầu diễn biến rất phức tạp ở các tuyến biên giới….

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

      Từ những phân tích trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ;  xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt trong thực thi công vụ. 

    Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp nhân dân, truyền thông, báo chí trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực. 

     Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trong việc tham gia phòng chống tội phạm, ý thức thượng tôn pháp luật, nhất là giáo dục nhận thức về pháp luật cho giới trẻ trong nhà trường và ngoài xã hội.

        Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), thời gian qua, có những hành vi, vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán gây thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật còn có bất cập, sơ hở; sự tinh vi, liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn của kẻ phạm tội, sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan có thẩm quyền.

       Theo đại biểu, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến việc xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật nổi cộm liên quan đến thị trường chứng khoán và đề nghị, cần sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cá nhân, pháp nhân thương mại trực tiếp có liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp. Các cơ quan tư pháp cần kịp thời thông tin tới các cơ quan có thẩm quyền về phương thức, thủ đoạn phạm tội để tăng cường tính cảnh báo, phòng ngừa.

        Đề cập đến tình trạng tội phạm về công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội, đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) nêu rõ, việc điều tra, khám phá loại tội phạm này chiếm tỷ lệ thấp và thường kéo dài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song nguyên nhân chủ yếu và căn bản là việc quản lý, sử dụng các tài khoản của các cá nhân, tổ chức tín dụng chưa được chặt chẽ.

       Vì vậy, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc phát hành các tài khoản; cần có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp mua, bán tài khoản, làm giả giấy tờ để mở các tài khoản tại ngân hàng. Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý các tổ chức tín dụng đối với các tài khoản đã phát hành, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc mở các tài khoản của các tổ chức tín dụng.

                                                            Tệ nạn ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp

     Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) lo ngại về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch COVID-19, phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia, đường hàng không chuyển phát nhanh từ một số nước châu Âu. Số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp.

       Thời gian qua, xuất hiện hai dạng ma túy núp bóng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, điện tử, thảo mộc. Đại biểu nêu một số ví dụ về các vụ ngộ độc do sử dụng các loại ma túy như tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; vụ bán nước xoài có chứa chất ma túy tạiTP.HCM; bên cạnh đó, nhiều loại ma túy núp bóng khác như nước biển, nước xoài, nước nho, trà chanh, hoặc một số dạng khác là ma túy núp bóng thảo mộc…

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn)

     Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nhận định, ma túy hiện diện khắp nơi, nhiều dạng khác nhau  bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng thuận tiện trong giao dịch mua bán. Về nội dung này, đại biểu cho rằng cần được thể hiện trong báo cáo, cần có đánh giá cụ thể, phân tích kỹ nguyên nhân để từ đó có giải pháp, có giải pháp quyết liệt, triệt để, đảm bảo phù hợp với tình hình tội phạm ma túy hiện nay, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

    Còn theo đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum), tội phạm ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau đại dịch, nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép xuất hiện, công tác quản lý người nghiện còn bất cập, hạn chế. 

       Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng buôn người qua biên giới, gây nên nhiều vụ việc xôn xao dư luận thời gian qua. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các tỉnh, thành phố cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu quả đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài.

     Cùng với đó, đại biểu cho rằng cần chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ hơn về công tác cai nghiện ma túy và biện pháp quản lý người nghiện ma túy ở địa phương, nhất là người nghiện ma túy ở ngoài cộng đồng, thực hiện hiệu quả chặt chẽ công tác theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm do người nghiện ma túy gây ra.

                                                                        Nhiều chiêu trò trong đấu thầu

      Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu rõ 5 chiêu trò lách luật trong đấu thầu gồm: lợi dụng các quy định về chia tách, gộp gói thầu để chia nhỏ gói thầu nhằm chỉ định thầu; cài cắm các điều khoản hướng thầu để “cài thầu quen, chèn thầu lạ”; thiết lập liên minh “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, vây thầu; tình trạng móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu và tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu.

                                                 

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) 

        Cho rằng hoạt động đấu thầu nếu không được quy định và quản lý chặt chẽ sẽ trở thành “mảnh đất” màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu rõ, thực tế thời gian qua đã có liên tiếp các vụ việc sai phạm trong đấu thầu bị khởi tố. Do đó, các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cần "hướng hoạt động vào mảng đấu thầu", nhất là đối với những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

      Đồng thời, cần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Đây được xem là "giải pháp của mọi giải pháp, rất hữu hiệu để khắc phục tình trạng “đi đêm” trong đấu thầu.

                                            Nguồn lực cho công tác thi hành án chưa đáp ứng yêu cầu

          Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đánh giá cao kết quả công tác thi hành án dân sự, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, công tác thi hành án dân sự đã đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

        Công tác hoàn thiện thể chế được Chính phủ quan tâm thực hiện. Chính phủ đã kịp thời trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung của 9 luật, trong đó có Luật Thi hành án dân sự để triển khai thực hiện Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế, qua đó đã giải quyết một số vướng mắc, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản thi hành án, nhất là thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tại phiên thảo luận

       Công tác thi hành án dân sự năm 2022 đạt được kết quả đáng ghi nhận, đóng góp rất quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tổng số phải thi hành đạt 82,5%, tăng 6,67% so với năm 2021. Tổng số tiền phải thi hành đạt 45,42%, tăng 14,21% so với năm 2021; so với năm 2016 là tăng 259%, đạt giá trị thi hành cao nhất từ trước đến nay.

      Đại biểu Lã Thanh Tân cũng đồng tình với một số khó khăn của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đó là nguồn lực đảm bảo cho công tác thi hành án dân sự, như kinh phí hoạt động, trụ sở, kho, vật chứng của một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương… chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ chấp hành viên bị quá tải rất nhiều trong công việc.

      Qua báo cáo cho thấy, từ năm 2016 đến nay biên chế công chức thi hành án dân sự liên tục cắt giảm, giảm 1.016 biên chế, tức là giảm 10,16% so với biên chế được giao năm 2015. Trong khi đó, khối lượng công việc trung bình qua các năm theo xu hướng tăng cả về việc và về tiền. So với năm 2016 số việc phải thi hành năm 2022 tăng 5% nhưng giá trị phải thi hành tăng đến 259%. Tính chất công việc càng ngày càng phức tạp, giá trị phải thi hành ngày càng lớn, nhưng biên chế liên tục bị cắt giảm.

     Đại biểu lấy ví dụ khối lượng công việc, số tiền phải thu hồi qua các vụ án về kinh tế, tham nhũng hay các vụ việc thi hành án liên quan đến hoạt động của các công ty đa cấp, Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, các vụ việc này có hàng nhìn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đại biểu nhận định, thực tế này là nguy cơ dẫn đến hoạt động thi hành án dân sự trở thành điểm nghẽn trong chuỗi hoạt động tố tụng, vì các cơ quan này luôn trong tình trạng không có đủ nguồn lực để thực hiện.

     Hiện nay bình quân mỗi chấp hành viên phải thi hành 227 việc/1 năm và tiền 88,7 tỷ đồng/1 năm, tại một số địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai trung bình mỗi chấp hành viên có số lượng việc phải đi hành lên đến gần 400 việc/1 năm và trên 100 tỷ đồng/1 năm. Cá biệt như thành phố Hồ Chí Minh là trên 400 tỷ đồng/1 năm cho 1 chấp hành viên... Đây thực sự là một áp lực rất lớn đối với đội ngũ chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự cần được quan tâm một cách đúng mức.

 Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng)

      Đại biểu Lã Thanh Tân cho biết, theo Quyết định số 1259 ngày 18/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biên chế công chức cơ quan hành chính nhà nước, đến năm 2026 biên chế các cơ quan thuộc Bộ Tư pháp, trong đó có biên chế của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giảm 5%. Đại biểu cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân các cấp, khối lượng công việc cơ quan thi hành án dân sự cũng tăng theo khối lượng công việc của ngành tòa án, việc tiếp tục cắt giảm 5% biên chế thi hành án như khối cán bộ, công chức các cơ quan hành chính sẽ là một khó khăn, thách thức lớn cho các cơ quan thi hành án.

     Trong khi đó, đối với ngành tòa án nhân dân, ngành kiểm sát nhân dân, trên cơ sở xem xét khối lượng công việc tăng, tính chất công việc ngày càng phức tạp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 609 và 610 ngày 28/9/2022 về biên chế ngành tòa án nhân dân, ngành kiểm sát nhân dân giai đoạn 2022-2026 ở mức tương đương mức giao thời điểm năm 2015.

     Vì vậy, để hệ thống cơ quan thi hành án dân sự có điều kiện, nguồn lực hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan thi hành án dân sự các cấp. Về nguồn nhân lực, đề nghị cân nhắc xem xét, tách riêng số biên chế cơ quan thi hành án dân sự và điều chỉnh cơ chế phân bổ biên chế của các cơ quan thi hành án dân sự theo nguyên tắc tương tự ngành tòa án nhân dân và ngành kiểm sát nhân dân giai đoạn 2022-2026, tiệm cận mức biên chế giao năm 2015./.

                                                                                                                                                     Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông