18:21 02/11/2023 Sáng 2-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương).
Thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực
Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 và các quan điểm phân bổ vốn đầu tư công trung hạn.
Với những kết quả đạt được, các đại biểu đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, tăng cường công tác quản lý, siết chặt kỷ luật kỷ cương giúp cho hoạt động đầu tư công đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Theo đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa), thời gian qua, đầu tư công theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội và Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Nhiều dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của đất nước được triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực từ các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật về đầu tư công, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới phát sinh.
Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, đại biểu Lê Hữu Trí cũng chỉ rõ, công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện từ xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực, giải phóng mặt bằng đến triển khai thi công và giải ngân vốn đầu tư...
Đại biểu cũng cho rằng, trình tự, thủ tục trong đầu tư công cũng như các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, đấu thầu, chi ngân sách... vẫn còn nhiều vướng mắc, trong nhiều trường hợp là điểm nghẽn, làm chậm công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công và giải ngân các dự án, công trình.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh), một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án đầu tư công, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ đầu tư các dự án là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.
Đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo tiến độ triển khai Đề án trên, đồng thời đánh giá hiệu quả khi triển khai thực hiện trong nửa cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế để giá bồi thường sớm tiệm cận giá thực tế thị trường, có các cơ chế hỗ trợ thêm cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, hướng đến đem lại cuộc sống mới tốt hơn cho người dân.
Bảo đảm nguồn cho đầu tư công năm 2024
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc thực hiện vốn đầu tư công còn bộc lộ nhiều hạn chế, như công tác lập kế hoạch chưa sát; một số cơ quan, địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn nên tình trạng đề xuất trả lại vốn vẫn còn; nhiều dự án do lập, thẩm định, phê duyệt kéo dài, chưa sát thực tiễn nên phải điều chỉnh nhiều lần.
Còn 6,5% kế hoạch vốn chưa được phân bổ, tương đương 45.639 tỷ đồng đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch vốn và tiến độ giải ngân; tiến độ thi công nhiều dự án chưa bảo đảm, một số dự án, chương trình giải ngân đạt tỉ lệ còn thấp (dưới 50%).
Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần phải có biện pháp cụ thể và nỗ lực quyết tâm hơn nữa. Về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024, tổng vốn đầu tư công theo nhu cầu lớn, nhưng dự kiến kế hoạch đáp ứng được trên 88% nhu cầu tổng vốn đầu tư công năm 2024, thấp hơn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 khoảng 34.336 tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách tăng.
Do vậy, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, cân nhắc bảo đảm vốn đầu tư công năm 2024 tăng hoặc bằng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 nhằm tăng vốn đầu tư công, hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công và các luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Quan tâm hơn tới phát triển hệ thống đường sắt
Một số đại biểu cũng nêu rõ, bên cạnh các chỉ tiêu về tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước, tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân ở giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 29/2021/QH15 còn đề cập đến chỉ tiêu số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn. Qua đó đề nghị, Chính phủ cần rà soát, đánh giá tiến độ, khả năng thực hiện của các dự án trong giai đoạn 2021 – 2025 một cách cụ thể và xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện chi tiết, kịp thời tháo gỡ khó khăn để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Đối với nguồn vốn đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh) chỉ rõ, các dự án từ nguồn vốn đầu tư ODA có tiến độ giải ngân chậm nhất do còn vướng nhiều thủ tục. Đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu một số dự án quy mô lớn, chuyển từ vay ODA sang phát hành trái phiếu trong nước, giúp tăng lưu thông dòng tiền.
Hiện nay, Chính phủ cũng như các địa phương đang cố gắng kêu gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công theo hình thức đối tác công tư (PPP), đặc biệt là với lĩnh vực hạ tầng giao thông, đường bộ và đường sắt.
Nhấn mạnh nếu thực hiện được điều này sẽ là động lực để phát triển các ngành kinh tế khác, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị, ngoài hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, Chính phủ cần sớm tập trung quy hoạch, đề xuất với Quốc hội giải pháp hoàn thiện hệ thống đường sắt quốc gia, hướng đến hệ thống đường sắt vươn tới các tỉnh thành trong cả nước.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu rõ, Chính phủ đang tập trung nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư lớn cho giao thông đường sắt, dự kiến sẽ được thực hiện sau năm 2025. Tuy nhiên ngay trong thời điểm này, đại biểu nhận thấy có một hệ thống đường sắt có nhiều tiềm năng nhưng chưa được tập trung khai thác, cụ thể là 2 tuyến đường sắt Yên Viên – Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lưu Xá (Thái Nguyên) – Kép - Cái Lân (Quảng Ninh) giao nhau tại ga Kép (Bắc Giang).
Theo đại biểu, đây là hai tuyến có khổ 1 mét 43 duy nhất của cả nước được kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt của Trung Quốc cách đầu mối trung tâm vận tải của Trung Quốc là thành phố Trùng Khánh chưa đến 1.200 km. Đồng thời, ở phía Việt Nam tuyến được kết nối trực tiếp ra biển là cảng nước sâu Cái Lân có năng lực đón tàu container lên đến 70.000 tấn. Tuyến đường này có tiềm năng rất lớn về vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu và vận tải hành khách.
Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu và đề ra các biện pháp, trong đó có bổ sung dự án nâng cao năng lực vận tải của hai tuyến đường sắt trên và cảng nước sâu Cái Lân vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để nhanh chóng khai thác tiềm năng to lớn về tuyến vận tải đã có sẵn này.
Quan tâm chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức cơ sở
Thảo luận về việc thực hiện ngân sách Nhà nước, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể nguồn lực cải cách tiền lương giai đoạn 2024 - 2026, dự báo đến năm 2030, trong đó đặc biệt quan tâm đến chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ, công chức cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu bố trí ngân sách đảm bảo ổn định chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở.
Về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2004, đại biểu nhất trí cao với chủ trương tăng bổ sung cân đối ngân sách địa phương; chủ trương này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn ở địa phương. Trong giai đoạn ngân sách 2022-2025, một số chính sách do trung ương ban hành chưa kịp bố trí trong sách địa phương ngay trong đầu giai đoạn ổn định ngân sách, dẫn đến việc ngay sau khi chính sách có hiệu lực thi hành, các địa phương phải sử dụng nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ khác để kịp thời chi trả chế độ cho đối tượng phù hợp.
Đến nay, một số chính sách, chế độ mới do Trung ương ban hành và thực hiện làm tăng chi ngân sách địa phương rất lớn.
Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng bổ sung cân đối cho các địa phương 2% so với dự đoán năm 2023, để giảm bớt khó khăn cho các địa phương đang nhận cân đối từ ngân sách Trung ương.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026 và dự báo đến năm 2030. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm chính sách tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ công chức cấp cơ sở, cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn, thôn, bản.
Đại biểu đề nghị cần tiếp tục quản lý chặt chẽ ngân sách, chỉ ban hành chính sách tăng chi ngân sách Nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo, hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán ngân sách Nhà nước, khắc phục tình trạng chuyển nguồn có xu hướng tăng cao.
Chính sách thuế còn nhiều bất cập
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) bày tỏ băn khoăn, trăn trở về thu ngân sách, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh.Ví dụ như thuế thu nhập cá nhân hiện hành với quy định mức khởi điểm mức chịu thuế, phân chia bậc luỹ tiến, mức giảm trừ gia cảnh không được cập nhật theo mức lương tối thiểu khi người lao động có mức lương tối thiểu thấp, giá cả, lạm phát. Có nội dung đã lạc hậu cả chục năm.
Hay thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng có một số bất cập như: số thu lớn, số hoàn cũng lớn. Năm 2022, số thu VAT đạt 390.000 thì hoàn 150.000 tỷ đồng (khoảng 38%). Năm 2023, ước thu 365.000 tỷ đồng thì hoàn 160.000 tỷ đồng (gần 44%), năm 2024, dự kiến thu hơn 390.000 tỷ đồng thì hoàn khoảng 171.000 đồng (43,8%). Quy trình hoàn thu phức tạp, tốn kém, diễn ra ở rất nhiều khâu trung gian, thu - khấu trừ, thu rồi lại hoàn, chi phí cho thu rồi lại chi phí cho hoàn. Kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu, quá trình này gia tăng nguy cơ rủi ro gian lận, thất thu ngân sách. Đây là vấn đề cần được xem xét giải quyết căn cơ.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cũng cho rằng, cần khơi thông những ách tắc, tồn đọng trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Thời gian qua, nổi lên vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng, khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu. Những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số nhóm ngành hàng xuất khẩu (đặc biệt là 3 nhóm ngành hàng: tinh bột sắn; gỗ, dăm gỗ, sản phẩm gỗ và cao su) thời gian qua có nguyên nhân chính xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng Cục thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi và thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Đại biểu cho rằng, những quy định bất cập của ngành thuế đã khiến các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do đứt gãy dòng tiền hoàn thuế VAT. Theo báo cáo tổng hợp đến ngày 7/6/2023 của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, số tiền thuế VAT của DN chế biến, xuất khẩu gỗ chưa được hoàn đến nay là 6.100 tỷ đồng. Trong đó các DN xuất khẩu dăm gỗ khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Riêng 11 DN xuất khẩu dăm lớn trên địa bàn Quảng Ninh chưa được hoàn 1.105 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo của ngành thuế, đối với lĩnh vực gỗ và các sản phẩm gỗ, số hồ sơ tồn, chưa giải quyết hoàn của năm 2022 và nửa đầu năm 2023 là 149 hồ sơ, xấp xỉ 9% tổng số hồ sơ đề nghị. Nhưng trên thực tế, với các doanh nghiệp thì vốn đọng vào tiền hoàn thuế VAT còn cao hơn rất nhiều bởi có nhiều doanh nghiệp vì nộp sơ hoàn thuế lần đầu vướng mắc nên chưa nộp hồ sơ tiếp theo.
Để giải quyết dứt điểm và hiệu quả tình trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo khẩn trương, rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính.
Bộ Tài chính cần chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, khẩn trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hoàn trước, kiểm sau với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, có chất lượng, chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp khẳng định có phải xác định nguồn gốc sản phẩm hay không, hồ sơ thủ tục hướng dẫn như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng nhận định, doanh nghiệp có nỗi khổ khi bị giam tiền hoàn thuế giá trị gia tăng gây thiệt hại lớn nhưng chẳng biết kêu ai. Việc hoàn thuế có trường hợp rất chậm. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính xuất phát từ các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ. Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của đánh giá, tính thủ công về nghiệp vụ, sự phức tạp, chồng chéo của các văn bản cùng việc thiếu tiêu chí về phân loại rủi ro hồ sơ hoàn thuế đã gây ách tắc lớn cho doanh nghiệp./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024