09:50 29/05/2022 Ngày 27-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thi đua khen thưởng và Luật Kinh doanh Bảo hiểm
Nên có thêm hình thức “thư khen” của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ
So với dự thảo Luật Thi đua khen thưởng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này sửa đổi bổ sung các nội dung lớn như: danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; Huy hiệu và kỷ niệm chương cấp tỉnh; xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung có liên quan đến các điều khoản quy định về đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; mục tiêu và nguyên tắc thi đua, khen thưởng; tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua; về hình thức khen thưởng; về đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng huân chương, Danh hiệu vinh dự Nhà nước; về thẩm quyền đề nghị khen thưởng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi đua, khen thưởng...
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) bày tỏ đồng tình với nội dung tại khoản 2, Điều 29 dự thảo Luật giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh, mục tiêu, kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương là khác nhau nên tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu cần sát với thực tiễn nhằm bảo đảm khen thưởng kịp thời, khích lệ, thúc đẩy phong trào thi đua tại địa phương. Quy định như trong dự thảo Luật còn góp phần tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chịu trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị, để tránh việc tiêu chuẩn quy định quá khác nhau giữa các tỉnh, thành phố; số lượng tiêu chí chênh lệch lớn trong Nghị định hướng dẫn của Chính phủ thì nên có khung tiêu chuẩn, định mức tối thiểu để các địa phương căn cứ, xây dựng tiêu chuẩn của tỉnh mình.
Qua rà soát, một số đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật có 96 điều, trong đó có khoảng 30/96 điều khoản giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết. Để tránh tình trạng luật có hiệu lực lại phải chờ nghị định, nghị định lại phải chờ thông tư, các đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang)… đề nghị tiếp tục rà soát và cân nhắc những nội dung nào có thể quy định rõ ngay trong dự thảo Luật để khi luật có hiệu lực là thực thi được ngay.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh phát biểu)
Tham khảo kinh nghiệm một số nước, khi các em học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập cũng được lãnh đạo, Tổng thống hay Thủ tướng gửi thư khen kịp thời và động viên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, ở nước ta cũng rất cần hình thức này. “Nếu như bản thân tôi hay là con cháu của tôi nhận được thư khen của Chủ tịch Nước, của Thủ tướng Chính phủ thì quả thật rất tuyệt vời, vì các cháu sẽ phấn đấu và làm tốt hơn và không cần phải làm những hồ sơ thi đua, khen thưởng”. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt câu hỏi, tại sao lần này chúng ta không làm luôn? Vì hình thức khen thưởng, động viên này rất phù hợp, kịp thời và không tốn kém gì cả.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu
Đồng tình với đề nghị này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, hình thức khen thưởng là thư khen của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là hết sức cao quý, có ý nghĩa động viên rất lớn. Đại biểu bày tỏ mong muốn hình thức khen thưởng này sẽ được xem xét đưa vào trong dự thảo Luật lần này.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan tiếp thu thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của Luật Kinh doanh Bảo hiểm
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, đây là dự thảo Luật có chuyên môn sâu vào phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng. Vì vậy đã được sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận trong Kỳ họp thứ 2 cũng như tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận
Để có cơ sở tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến 7 vấn đề đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu như: kết cấu của dự thảo Luật; hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bảo hiểm vi mô...
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) nêu: Điều 8 dự thảo luật quy định Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội. Trên cơ sở đó quy định 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc gồm Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo đại biểu, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra rất phức tạp. Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, có 1350 làng nghề thì đã có 45% làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hơn 30% làng nghề cũng trong tình trạng ô nhiễm. Đại biểu cho rằng, bảo hiểm bắt buộc về môi trường là vấn đề nóng, cấp thiết, liên quan trực tiếp tới lợi ích công cộng, môi trường, an toàn xã hội và đề nghị, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này cần phải bổ sung ngay quy định bảo hiểm bắt buộc đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cơ bản thống nhất với nhiều nội dung tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và ghi nhận việc các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 đã được tổng hợp, giải trình, tiếp thu tương đối đầy đủ, nhiều ý kiến giải trình tương đối thuyết phục.
Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của một số quy định trong dự thảo Luật, đại biểu đã góp ý về một số nội dung cụ thể trong dự thảo Luật.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận về Luật Kinh doanh bảo hiểm
Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Điều 5 dự thảo Luật đã quy định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Đại biểu Lã Thanh Tân cho biết quy định này chưa có giải pháp cụ thể. Do đó, đề nghị bổ sung quy định và biện pháp đối với: Chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, để tăng mức độ thâm nhập thị trường, tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm…; chính sách khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.
Đại biểu cũng đề nghị rà soát để quy định về loại hình doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm tương đồng với quy định tại Luật Doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng Báo cáo giải trình, tiếp thu chưa thể hiện rõ đặc thù riêng của doanh nghiệp bảo hiểm và tại sao không có loại hình công ty hợp danh, không cho phép tổ chức theo mô hình Chủ tịch công ty.
Về chứng chỉ môi giới bảo hiểm, đại biểu đề nghị làm rõ chứng chỉ môi giới bảo hiểm do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp có được sử dụng tại Việt Nam hay không? Các cá nhân đang trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm có tiếp tục được sử dụng chứng chỉ bảo hiểm hiện hành hay phải chuyển đổi/thi, cấp lại thành chứng chỉ môi giới bảo hiểm và quy định rõ điều kiện chuyển tiếp tại dự thảo Luật đối với nội dung này.
Đề nghị làm rõ việc cá nhân, cá nhân thuộc tổ chức có văn bằng, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp thì có đáp ứng điều kiện để thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam hay không? Đại biểu cho rằng, việc dự thảo Luật quy định chỉ cho phép sử dụng chứng chỉ (môi giới, phụ trợ) do Bộ Tài chính quy định về nội dung đào tạo, thi, cấp chứng chỉ là không phù hợp.
Đề nghị cần tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến quy định về đại lý, môi giới bảo hiểm để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi, như quy định khái niệm về “tư vấn”, “hoạt động đại lý”, quy định về hoạt động thuê ngoài… đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh, cần rà soát thật kỹ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là tính thống nhất trong nội tại các quy định của dự thảo Luật, quy định đưa ra phải thực sự khả thi.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Nhà nước cần phải có chính sách bảo vệ người mua bảo hiểm chứ không chỉ quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, vì như vậy rất chung chung. Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật cần phải có luôn quy định về trách nhiệm của Nhà nước có chính sách bảo vệ đối với người mua bảo hiểm nhân thọ trong quan hệ với các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là một luật có tính chuyên môn cao, khó, phức tạp cả về khái niệm, phạm vi tác động đến nhiều đối tượng, dễ có cách hiểu khác nhau. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan chuyên môn tổng hợp đầy đủ các vị đại biểu Quốc hội và tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo, đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua trong chương trình kỳ họp.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão