Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

17:36 15/01/2024

Chiều 15- 1, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

                                                                Nhiều nội dung được tiếp thu, sửa đổi

          Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, có trách nhiệm để tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của các ĐBQH, ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm yêu cầu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng theo chủ trương của Đảng, nghị quyết Quốc hội; bảo đảm nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có tính kế thừa; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng (TCTD); tăng khả năng chống chịu của hệ thống TCTD; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi

           Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6). Ngày 14/01/2024, UBTVQH đã có Báo cáo số 725/BC-UBTVQH15 về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gửi đến các vị ĐBQH.

Về tổ chức, quản trị điều hành của tổ chức tín dụng (Chương IV), có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “đủ điều kiện theo quy định của NHNN” trong đoạn “lựa chọn một tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện theo quy định của NHNN” tại khoản 1 Điều 59 của dự thảo Luật. Chính phủ đề xuất chỉnh lý Điều 47, 48 theo hướng tăng nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành và quyền đình chỉ, tạm đình chỉ của NHNN; đề xuất chỉnh lý khoản 2 Điều 51 theo hướng tăng số lượng thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại tối thiểu từ 3 thành viên lên 5 thành viên. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH xin thể hiện như quy định tại Điều 47, 48 và 51 của dự thảo Luật. 

Đối với khoản 1 Điều 59, UBTVQH xin chỉnh lý như sau: “Trước khi kết thúc năm tài chính, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập đáp ứng yêu cầu theo quy định của Thống đốc NHNN để kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán hoạt động kiểm soát nội bộ đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính trong năm tài chính tiếp theo”.

Về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý (Điều 113), tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH xin chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 113 và tương tự tại các điều tương ứng với từng loại hình TCTD như sau: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc NHNN”.

Đối với quy định về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136), tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình cụ thể tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). 

Tiếp thu ý kiến đối với quy định về dự phòng rủi ro (Điều 147), UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng Chính phủ quy định mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (khoản 3 Điều 147) do các nội dung này có liên quan đến các quy định về chế độ kế toán, thuế thu nhập doanh nghiệp... vì vậy cần có ý kiến tham gia của các bộ, ngành khác; đối với việc phân loại tài sản là nội dung chuyên môn của lĩnh vực ngân hàng thì thực hiện theo quy định của Thống đốc NHNN.

Về Can thiệp sớm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Chương IX), tiếp thu ý kiến của ĐBQH, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định giao NHNN xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp, trong đó có trường hợp “a) Số lỗ lũy kế của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu” tại khoản 1 Điều 156…

UBTVQH cũng giải trình, tiếp thu quy định về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng (Chương X), theo đó trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và đề xuất của Chính phủ, UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao thẩm quyền cho NHNN xem xét, quyết định đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc các trường hợp được quy định cụ thể trong dự thảo luật. Đồng thời, để có cơ sở xử lý các tình huống đặc biệt có thể phát sinh, kế thừa Luật Các TCTD hiện hành, dự thảo Luật quy định: “Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của NHNN và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Về chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng (Chương XIII), tiếp thu ý kiến của ĐBQH và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH xin tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định: “NHNN có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan” tại khoản 1 Điều 207. Đồng thời, UBTVQH đề nghị Chính phủ, NHNN, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Tài chính) tiếp tục có giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm các TCTD hoạt động lành mạnh, tăng tính hiệu lực, hiệu quả của Luật khi ban hành. 

Đối với quy định về Điều khoản thi hành (Chương XV), dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 quy định Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024. Tuy nhiên, UBTVQH thấy rằng dự thảo Luật có nhiều nội dung giao hướng dẫn, quy định chi tiết, cụ thể Chính phủ: 09 nội dung, Thủ tướng Chính phủ: 01 nội dung, NHNN: 28 nội dung. Đồng thời, để các TCTD có thời gian chuẩn bị các nội dung về quản trị, điều hành, hoạt động phù hợp với quy định của Luật này sau khi được ban hành và đồng bộ với hiệu lực thi hành của một số luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản (tại Điều 200, 210), UBTVQH xin chỉnh lý theo hướng hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 01/01/2025. Ngoài ra, UBTVQH cũng giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH liên quan đến xử lý trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt (Chương XI); xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (Chương XII);quy định chuyển tiếp đối với Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Điều 210)…

                                      Quy định can thiệp sớm phù hợp với thông lệ quốc tế

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết, theo dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, quy định can thiệp sớm là một cơ chế của Ngân hàng nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài khắc phục các tình trạng can thiệp sớm. Đại biểu  tán thành với các quy định này. Tuy nhiên, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này bổ sung thêm quy định Ngân hàng nhà nước phải có văn bản (quyết định) chấm dứt can thiệp sớm. Theo đại biểu, quy định này làm thay đổi bản chất can thiệp sớm, chuyển can thiệp sớm từ cơ chế can thiệp từ sớm, từ xa của cơ quan quản lý sang một trạng thái xử lý cụ thể.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng)

Với cơ chế can thiệp từ sớm, thì khi phát hiện các tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng thực hiện các yêu cầu, hạn chế để khắc phục các vấn đề trong hoạt động để tổ chức tín dụng đó quay trở lại hoạt động bình thường (đây không phải văn bản (quyết định) đặt tổ chức tín dụng vào can thiệp sớm). Trong văn bản của Ngân hàng nhà nước nêu rõ các yêu cầu, hạn chế cùng với thời hạn thực hiện các yêu cầu, hạn chế đó. Các yêu cầu, hạn chế của Ngân hàng nhà nước sẽ chấm dứt khi hết thời hạn thực hiện mà tổ chức tín dụng khắc phục được vấn đề của mình.

Với cách tiếp cận này, Ngân hàng nhà nước sẽ áp dụng yêu cầu, hạn chế hoặc không còn áp dụng yêu cầu, hạn chế đối với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm mà không có văn bản (quyết định) can thiệp sớm, nên cũng không cần có văn bản (quyết định) chấm dứt can thiệp sớm.

          Theo dự thảo, Ngân hàng nhà nước phải có văn bản (quyết định) can thiệp sớm và sau đó là văn bản (quyết định) khi chấm dứt can thiệp sớm. Đây sẽ là thông tin bất lợi của tổ chức tín dụng, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng tới tâm lý người gửi tiền, tạo ra rủi ro nguy cơ rút tiền hàng loạt đối với chính tổ chức tín dụng được can thiệp sớm nói riêng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung.

           Pháp luật các nước cũng không quy định can thiệp sớm là một giai đoạn xử lý, mà quy định theo hướng can thiệp sớm là các cơ chế cho phép cơ quan quản lý áp dụng đối với một tổ chức tín dụng gặp vấn đề. Đại biểu cho rằng, theo tài liệu Các nguyên tắc cốt lõi để giám sát ngân hàng hiệu quả, Uỷ ban Basel của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (gọi tắt là BIS) cho rằng giám sát thông qua can thiệp sớm có thể ngăn chặn sự yếu kém của một ngân hàng khỏi việc phát triển sự yếu kém đó thành một mối đe dọa tới sự an toàn và lành mạnh. Theo đó, khi một ngân hàng không tuân thủ với các yêu cầu của luật hoặc các quy định gây nguy hiểm đến hoạt động của ngân hàng, cơ quan giám sát có thẩm quyền can thiệp ở giai đoạn sớm, yêu cầu ngân hàng thực hiện hành động khắc phục một cách kịp thời để  xử lý các hoạt động không an toàn và lành mạnh. Như vậy, theo quan điểm của BIS, can thiệp sớm là một cơ chế cho phép cơ quan quản lý yêu cầu tổ chức tín dụng khắc phục.

Từ những lý do nêu trên, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định về can thiệp sớm như dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 hoặc bỏ quy định Ngân hàng nhà nước có văn bản (quyết định) chấm dứt can thiệp sớm tại Điều 161 dự thảo Luật. Điều này sẽ phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, tránh trường hợp thị trường có phản ứng tiêu cực khi Ngân hàng nhà nước thực hiện các biện pháp can thiệp sớm đối với một tổ chức tín dụng. 

                                                    Cân nhắc việc phân loại các tổ chức tín dụng

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho rằng, liên quan đến các quy định về giới hạn cấp tín dụng nhằm hạn chế thống nhất tình trạng sở hữu chéo, đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thì tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quý tín dụng, tổ chức tài chính vi mô có xu hướng giảm dần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng từng giai đoạn. 

Để hạn chế thấp nhất những biến động đối với kinh tế- xã hội, đại biểu hoàn toàn ủng hộ chủ trương giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng đối với các khách hàng tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khi giảm tỷ lệ này cần phải giải quyết cho được các khó khăn có thể gặp phải, chẳng hạn như môi trường tín dụng của Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn so với các quốc gia trong khu vực.

          Theo đại biểu, Ban soạn thảo có thể cân nhắc thêm phương án phân loại các tổ chức tín dụng theo tổng số vốn tự có với mỗi nhóm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng sẽ khác nhau. Bởi lẽ, quy mô vốn của các tổ chức tín dụng hiện nay liên tục gia tăng và có sự phân hóa giữa các ngân hàng thương mại. Do đó, không nên cào bằng, áp dụng tỷ lệ chung cho tất cả các ngân hàng thương mại.

                                  Băn khoăn viêc cho phép ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm

Đại biểu Dương Khắc Mai  (Đắk Nông) 

          Đại biểu Dương Khắc Mai  (Đắk Nông) cho rằng, mặc dù đã có các quy định liên quan trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản pháp luật khác, tuy nhiên để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng, cần nghiên cứu luật hóa để ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng như việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng như các phương tiện thông tin đã phản ánh thời gian qua. 

          Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho biết, tại hai kỳ họp trước đã phát biểu về việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ, cơ quan soạn thảo tiếp thu một phần những vẫn còn băn khoăn.

          Đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu rõ mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với 2 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp là 4% cho phí bảo hiểm năm đầu. Tại các ngân hàng thương mại có liên kết lại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2% đến 4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ. 

           Đại biểu bổ sung thêm thông tin, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại đã cho thấy tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Mà hủy năm đầu thì khách hàng mất không số phí đã nộp. Nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4 đến 8% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên đến 50 đến 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang)

          Đại biểu nêu rõ, chi phí trả trước của năm đầu tiên cho hợp đồng hợp tác độc quyền mà công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng thương mại được công khai khi ký kết chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập trước thuế của ngân hàng thương mại. Nêu số liệu của một số ngân hàng, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, giai đoạn từ 2018 đến 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng thương mại.

           Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113: Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì sẽ không có gì đảm bảo cho được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian gian vừa qua.

          Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung 1 điều giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

           Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với 2 ý kiến của đại biểu phát biểu về nội dung ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm, đặc biệt là đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang)…

           Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ ràng. Các ngân hàng vốn không có trụ sở bảo hiểm. Do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm là không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm…

                                                                                                                             Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích