20:29 06/11/2024 Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 6- 11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội nhận định, các vấn đề, nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong dự thảo Luật là các vấn đề đã chín, đã rõ, cần thiết, cần tháo gỡ ngay để giải phóng nguồn lực đầu tư công.
Tuy nhiên, cũng lưu ý, Chính phủ cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, lược bỏ các nội dung quy định thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, các địa phương.
Theo dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này, đã nâng tiêu chí vốn của dự án đầu tư công so với Luật hiện hành. Đại biểu cho rằng, quy mô dự án như hiện hành đã được thực hiện từ năm 2015, đến nay, việc điều chỉnh tăng mức vốn đầu tư cho dự án là cần thiết. Tuy nhiên, cần đánh giá cụ thể, đưa ra cơ sở cho việc nâng mức vốn đầu tư của dự án để đạt tiêu chí quan trọng quốc gia. Đồng thời, đánh giá tác động của chính sách đối với hệ thống các dự án đang triển khai và dựa vào sự phát triển của từng địa phương để xác định tiêu chí phù hợp.
Cho rằng việc nâng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia lên đến 30.000 tỷ đồng, nhưng các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C vẫn ở mức cũ, đại biểu đề nghị cần điều chỉnh lại cho phù hợp, nhất là điều chỉnh biên độ dự án nhóm B, nhóm C đang có biên độ rất cao (từ 240 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng). Việc điều chỉnh biên độ giữa tối thiểu và tối đa sẽ phù hợp với tính chất nhóm B và nhóm C hơn, từ đó áp dụng quy trình, thủ tục phù hợp, tránh trường hợp dự án nhỏ cũng phải bảo đảm quy trình, thủ tục phức tạp.
Các đại biểu cũng đánh giá, việc dự thảo Luật bổ sung một số quy định mới như: Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; sử dụng các nguồn vốn ngoài vốn đầu tư công cho công tác chuẩn bị đầu tư, phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công… sẽ góp phần rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án đầu tư công.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, quy định về quy trình, thủ tục thực hiện đầu tư dự án công cần được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án.
Cụ thể, dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan, tương tự như quy định ở Điều 36a bổ sung trong Luật Đầu tư quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt trình Quốc hội trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn với quy định tại Điều 18, dự thảo Luật về chuyển thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý từ HĐND cho UBND cùng cấp. Đồng thời nêu rõ, cùng với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tạo sự chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công, thì cũng cần bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Cụ thể, đại biểu cho rằng, phân cấp, phân quyền phải phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ, khả năng, điều kiện tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công. Việc chuyển thẩm quyền từ HĐND (cơ quan dân cử) sang UBND (cơ quan quản lý nhà nước) như quy định tại dự thảo Luật là thay đổi lớn, cần có sự nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện. Lý lẽ là bởi, HĐND là cơ quan quyết định về ngân sách, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và thực hiện quyền giám sát, nên việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư, sau đó Chủ tịch UBND quyết định đầu tư như quy định hiện hành là một quy trình chặt chẽ, một biện pháp để kiểm soát quyền lực.
Từ đó, các đại biểu đề nghị, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý vẫn nên để HĐND thực hiện.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần hết sức cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng, giải trình một cách thuyết phục khi sửa đổi một số chính sách. Đặc biệt, với chính sách thay đổi phân cấp, phân quyền thì cần lưu ý đến tính khả thi, năng lực tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị được phân cấp và phải tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan cũng như HĐND. Các quy định về phân công giám sát, kiểm soát quyền lực, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan phải bảo đảm quy định chặt chẽ, nhất là về chuyển thẩm quyền của HĐND sang UBND, giữa cơ quan dân cử sang cơ quan quản lý hành chính./.
Hồng Thanh
22:18 14/11/2024
19:33 14/11/2024
19:32 14/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp thành phố năm 2024 diễn ra thành công tốt đẹp
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2024)