21:00 07/01/2023 Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, sáng 7-1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tổng thể quốc gia).
Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải là phép cộng các quy hoạch
Việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia là việc chưa từng có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm nhưng nó cũng là cơ hội để đưa vào khát vọng, định hướng lớn phát triển đất nước, vì thế theo đại biểu Quốc hội, Quy hoạch tổng thể quốc gia không thể là "phép cộng" đơn giản các quy hoạch.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, việc xác định các nội dung của quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược, phải rõ cụ thể nhưng cũng không được mâu thuẫn thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác.
Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn để phát triển đất nước, không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà đã được Đại hội Đảng ban hành.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động.
Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào, Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý.
Đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho rằng những nội dung “quy hoạch cứng” như về giao thông, đất đai, năng lượng và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh thì có thể chốt ở trong Quy hoạch này. Đối với những nội dung khác, có thể xã hội hóa hoặc mang tính định tính như vấn đề giáo dục, y tế nên xác định là “quy hoạch mềm” để tránh đi vào quá chi tiết, xác định những chỉ tiêu quá cụ thể khiến bó khung có thể làm hạn chế việc phát triển.
Góp ý vào những nội dung cụ thể của Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu cho rằng, ngoài 4 vùng động lực hiện nay, cần bổ sung thêm vùng động lực Thanh Hoá - Nghệ An, bởi đây là 2 địa bàn phát triển thời gian qua.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao Bản quy hoạch đã định hướng đến việc phát triển kinh tế Việt Nam theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số...
Đại biểu Trần Anh Tuấn kiến nghị, cần chú trọng đến 4 vùng kinh tế trọng lực. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM cần quan tâm hơn đến đường sắt đô thị... Bởi hiện nay việc phát triển đường sắt đô thị ở hai thành phố trên đang có hướng phát triển, vì thế các đô thị của những vùng động lực này cũng phải tính toán tới sự phát triển của các đường sắt đô thị, kết nối với hạt nhân đang phát triển là Hà Nội và TP.HCM.
Ngoài ra, về hành lang kinh tế cần phải phát triển kinh tế theo trục Bắc - Nam, với hai hành lang quan trọng là Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh ở phía Bắc và ở phía Nam là TP.HCM, Bà Rịa- Vũng Tàu phải gắn với kinh tế cửa khẩu.Theo đó, phải tính toán thêm về kinh tế mậu biên và cửa khẩu. Vì kết nối kinh tế mậu biên và khu vực dọc biên giới, kinh tế biên giới cũng khá quan trọng, có sự giao thoa giữa giữa Việt Nam và các nước lân cận.
Theo đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình), Quy hoạch tổng thể quốc gia cần quy định những nguyên tắc cơ bản làm cơ sở để quy hoạch vùng, địa phương, đồng thời là kỷ cương trong việc tuân thủ quy hoạch một khi đã ban hành.
Đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, quy hoạch cần lấy phương châm ưu tiên phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có hơn là ưu tiên xây dựng, hình thành hành lang mới; nhất là quy hoạch các sân bay, cảng biển cần phải thận trọng, tránh lãng phí, không hiệu quả và cần làm rõ hơn những định hướng liên kết của sáu vùng theo Nghị quyết đã đề ra.
Làm rõ định hướng phát triển các khu kinh tế ven biển
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị cơ quan soạn thảo khi xây dựng quy hoạch tổng thể không để một số nội dung xa rời thực tiễn, cần nghiên cứu, bổ sung thêm những định hướng quan trọng tại các nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây. Đặc biệt là các nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của 6 vùng kinh tế trọng điểm và các nghị quyết phát triển các thành phố lớn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, Quy hoạch cần dự báo mức độ chính xác cao nhất để không gặp phải các hệ lụy về sau, bởi khi dự báo tương đối chính xác sẽ có những khung số liệu nền tảng, xây dựng các kịch bản tăng trưởng phù hợp tương ứng với các định hướng phát triển đi kèm với các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách, được đề xuất mang tính khả thi cao.
Một trong những yêu cầu quan trọng khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia được đại biểu Trần Quốc Tuấn đề cập là cần đề xuất chính sách liên kết vùng một cách thực chất.
Đại biểu cũng cho rằng hạn chế hiện nay là không gian phát triển đô thị bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng hạn chế, một số địa phương phát triển không dựa vào lợi thế của mình.
Việc này do thiếu cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển liên kết vùng; còn tình trạng cục bộ địa phương; cơ chế điều phối vùng chưa có thẩm quyền đủ mạnh. Trong khi liên kết vùng là một trong những định hướng quan trọng được các nghị quyết của Bộ Chính trị nhấn mạnh trọng thời gian gần đây, chúng ta đã xác định rõ hạn chế, yếu kém trong liên kết vùng thời gian gần đây.Trong quy hoạch cần nêu rõ hơn cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên kết vùng làm định hướng, căn cứ cho các quy hoạch khác, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững.
Đại biểu đề nghị làm rõ định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030, đối với 8 khu kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020, bao gồm Khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam); Đình Vũ (Hải Phòng); Nghi Sơn (Thanh Hóa); Phú Quốc (Kiên Giang); Vũng Áng (Hà Tĩnh); Nam Phú Yên (Phú Yên); Vân Đồn (Quảng Ninh) và Định An (Trà Vinh).
Thực tế hiện nay cho thấy việc triển khai các khu kinh tế này còn rất chậm, đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế; cơ chế cho các khu kinh tế chưa vượt trội, hiệu quả đầu tư chưa cao. Đặc biệt, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, cần nêu rõ định hướng phát triển đối với khu kinh tế ven biển; bổ sung cơ chế chính sách phát triển khu kinh tế ven biển nhanh, bền vững hơn.
Chú trọng quy hoạch du lịch
Theo đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình),vấn đề về du lịch cần được quy hoạch đậm nét và có chiều sâu để tạo được lợi thế trong tương lai. Theo đại biểu, Việt Nam đang có lợi thế lớn về mọi mặt của du lịch, dư địa còn nhiều, do đó cần phải tạo được sự khác biệt để thu hút nhiều hơn du khách quốc tế và trong nước.
Ngoài ra, dự thảo có nêu định hướng thiết lập hành lang liên kết du lịch vùng Đông Nam Á và quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm. Đại biểu Trần Quang Minh nêu rõ, việc phối hợp để tạo nên những tour, tuyến hấp dẫn, đa dạng, phong phú giữa các vùng là điều rất quan trọng. Vì vậy, cần phải có nguyên tắc cơ bản quy định cho liên kết các vùng du lịch trong nước làm cơ sở liên kết các vùng với các địa phương.
Đại biểu Trần Quang Minh cũng cho rằng cần xem xét các định hướng mang tính thực chất và khả thi hơn. Ví dụ như phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có đến 45 triệu đến 50 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ tiêu đưa ra trong 8 năm tới gấp 13 đến 15 lần hiện tại và gấp 3 lần so với thời điểm cao nhất.
Đại biểu khẳng định đây là vấn đề khó khi năm 2022, Việt Nam là nước mở cửa du lịch gần như sớm nhất, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân đạt rất cao nhưng chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách. Cùng với đó, định hướng không còn hộ nghèo là vấn đề phi thực tế bởi chuẩn nghèo theo từng giai đoạn sẽ được nâng lên khi kinh tế ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, thực tế có những hộ nghèo, bất khả kháng….
Do đó, đại biểu đề nghị tập trung định hướng xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội, đảm bảo cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và chủ động hỗ trợ tốt cho đời sống nhân dân khi có sự cố xảy ra.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia chưa xác định được sản phẩm du lịch chính, nổi trội của mỗi vùng.
Để phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Quy hoạch tổng thể cần khắc phục được hạn chế, yếu kém là rào cản cho sự phát triển. Tuy nhiên, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng. Trong 6 vùng không gian phát triển những sản phẩm du lịch chính được liệt kê gần như giống nhau.
Đại biểu cho rằng, đây là sự liệt kê, tổng hợp tất cả những sản phẩm du lịch hiện đang có của các vùng, chứ không phải là bản quy hoạch tổng thể và chưa xác định được đâu là sản phẩm du lịch chính nổi trội, đặc sắc của mỗi vùng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, khi xác định được sản phẩm du lịch chính mới có thể có phương hướng, kế hoạch tập trung để đầu tư phát triển, nếu cứ dàn trải sẽ rơi vào đầu tư manh mún, không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu hiệu quả.
Ngoài, ra đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các khái niệm về sản phẩm du lịch, vẫn còn sự lẫn lộn trong khái niệm những sản phẩm được liệt kê như nghỉ cuối tuần, thư giãn cuối tuần, du lịch cuối tuần… không thực sự là khái niệm sản phẩm du lịch, không cùng loại với các sản phẩm du lịch khác như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm./.
Hồng Thanh
19:33 12/12/2024
17:10 12/12/2024
Công an quận Kiến An tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Ngọc Vinh về tội Gây rối trật tự công cộng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: 7 đối tượng được trang bị vũ khí thể thao
Cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh, video clip “nhạy cảm” để tống tiền
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 5 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Phối hợp ra quân kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm về ma túy, nồng độ cồn tại bến xe Vĩnh Niệm
Công an quận Ngô Quyền đẩy mạnh công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông