Quốc hội thông qua một số dự án Luật và Nghị quyết

10:15 23/06/2023

Ngày 22-6, Quốc hội làm viêc tại hội trường, tiếp tục chương trình xây dựng pháp luật.

     Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi);  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; thông qua Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia;  thông qua việc điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15; các Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024. Đồng thời, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

                  

Quốc hội biểu quyết thông qua một số Luật và nghị quyết

Góp ý vào dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng  cho rằng, việc xây dựng một môi trường pháp lý nói chung và sửa đổi Luật Viễn thông nói riêng tạo thuận lợi và giúp thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là rất quan trọng.

Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cần tiếp tục rà soát mức độ áp dụng các quy định quản lý đối với các loại hình dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT), dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây áp dụng trong Luật để bảo đảm vẫn thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động kinh doanh dịch vụ có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

                                       Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)

Trong dự thảo Luật có tới 22 lần nhắc đến thuật ngữ “cơ quan có thẩm quyền” trong việc quyết định, yêu cầu, cho phép, kiểm tra, kiểm soát, giám sát… Theo đại biểu, đây là một khái niệm khá rộng, khiến cho các đối tượng chịu tác động của Luật sẽ rất băn khoăn và có thể hiểu không thống nhất, lúng túng trong quá trình thực thi Luật, đặc biệt có thể phát sinh thêm rất nhiều thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp tham gia hoạt động viễn thông và cung cấp các dịch vụ viễn thông. Do đó, đề nghị cần cụ thể hoá ngay khái niệm này trong Luật (trong từng điều, khoản cụ thể vì có thể là các cơ quan khác nhau).

     Đại biểu Lã Thanh Tân cũng góp ý về một số quy định tại khoản4 Điều 6 về Đảm bảo bí mật thông tin; Khoản2 Điều 22 về quy định “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet theo hình thức không thu cước nhưng có số lượng người sử dụng dịch vụ hoặc phát sinh lưu lượng dịch vụ tại thị trường Việt Nam vượt mức ngưỡng phải có biện pháp bảo đảm sự hoạt động ổn định của dịch vụ”.

Bên cạnh đó, một số quy định trong dự thảo Luật đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới cũng cần được rà soát thêm, để không mâu thuẫn với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO hoặc khi tham gia ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như các cam kết quốc tế khác./.

                                                                                                                                                    Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích