Quốc hội thông qua nhiều dự án Luật

16:26 27/11/2024

Ngày 27-11, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Đồng thời, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi); dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Phiên họp ngày 27-11 của Quốc hội thông qua nhiều dự án Luật; nghị quyết

Cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này, đặc biệt là tư tưởng đổi mới trong xây dựng pháp luật được thể hiện rõ nét trong bố cục cũng như nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) góp thêm một số ý kiến.

Cụ thể, về chính sách của Nhà nước về việc làm (Điều 5), đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, nội dung tại điều này đưa ra rất nhiều trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành các chính sách về việc làm. Trong đó, có những chính sách rất mới và khó như chính sách khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm xanh; chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số, chuyển đổi năng lượng công bằng; chính sách thúc đẩy việc làm công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế và theo hướng bền vững... Tuy nhiên, nội hàm các chính sách này thì chưa được cụ thể hóa tại dự thảo Luật Việc làm và cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết.

Do đó, đại biểu  đề nghị cân nhắc, rà soát theo hướng: nếu giữ lại thì cần phải cụ thể hóa nội dung chính sách hoặc giao trách nhiệm quy định chi tiết; nếu không cần thiết hoặc không làm rõ được nội hàm chính sách thì đề nghị bỏ.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận về Luật Việc làm

 Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu  bổ sung Điều 5 về chính sách hỗ trợ việc làm đối với người thuộc diện thu hồi đất, vì thực tế trong nhiều năm qua và những năm sắp tới, nước ta thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế và cần thu hồi đất nên ảnh hướng đến tình hình việc làm của người lao động.

Về quyền và trách nhiệm của người lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (khoản 4 Điều 38), đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung “được miễn thử việc” khi giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động trong trường hợp tuyển dụng, sử dụng lao động đúng với công việc họ đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi họ phải nộp tiền dịch vụ để đánh giá kỹ năng nghề nhưng khi ký hợp đồng lao động họ lại vẫn phải thử việc theo quy định của Bộ luật Lao động sẽ không khuyến khích được người lao động tham gia đánh giá kỹ năng nghề. Việc quy định như dự thảo không tạo được sự khác biệt giữa người lao động đã được cấp chứng chỉ nghề quốc gia và người chưa tham gia đánh giá kỹ năng.

Về tổ chức đánh giá kỹ năng nghề (Điều 39), đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cân nhắc bổ sung nội dung liên quan đến thẩm quyền của địa phương trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề. Theo đại biểu, việc không quy định thẩm quyền quản lý cho các địa phương sẽ gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương đối với lĩnh vực tổ chức đánh giá kỹ năng nghề do đây là một ngành nghề hoạt động kinh doanh có điều kiện./.

                                                                                                                                             Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông