Quy định về giao bài tập về nhà: Phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học

18:07 14/10/2020

Bộ GD-ĐT đã có quy định nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh học 2 buổi/ngày từ nhiều năm nay. Đón đầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ năm học này, Bộ tiếp tục có văn bản yêu cầu không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh lớp 1. Song trên thực tế, không ít học sinh vẫn nhận được bài tập giao về nhà làm dù đã học 2 buổi trên lớp hàng ngày…

Để học sinh phải "học tối ngày" có nên không? (Ảnh minh họa)

Học 2 buổi/ngày, về nhà vẫn có bài tập

Anh Thanh Tùng, phụ huynh có con năm nay vào lớp 1, kể về “hành trình” đưa con đi học chữ. Tầm này năm ngoái, nghe mách nước, anh Tùng cho con đi luyện chữ. “Không luyện chữ trước, sợ con vào lớp 1 không theo kịp các bạn. Con mình vừa rời lớp mẫu giáo xong, vẫn còn lơ ngơ lắm…”. Sau gần 5 tháng cho con đi học chương trình tiền lớp 1, anh Tùng xin cho con vào một trường Tiểu học có bán trú. Nhà ở xa trường, sáng 6h30 là bé đã bắt đầu dậy để kịp đến trường. Buổi chiều, con tan học lúc 5h15, nhưng phải đến 6h mới về đến nhà. “Sau bữa cơm tối thì cũng đến 9h, con bắt đầu làm bài tập. Nhiều khi nhìn con đi học về, chưa hỏi han được mấy câu đã lại ngồi vào bàn học” - anh Tùng chia sẻ.

Không chỉ riêng anh Tùng, không ít phụ huynh có con bắt đầu đi học, đều cho biết các con được giao bài tập về nhà với mức độ giao khác nhau, cho dù đã học 2 buổi/ngày ở lớp. Không ít bài tập về nhà khá nặng, như đọc thuộc 1 bài thơ, làm bài tập Toán 1-2 trang vào buổi tối, khiến các em mất nhiều thời gian mới hoàn thành. Có một thực tế là dù đã học kín lịch trong tuần, song học sinh cũng chưa chắc đã có được ngày nghỉ vào thứ 7, Chủ nhật. Ngay trong buổi họp đầu năm của một lớp 1, có phụ huynh đề xuất giáo viên tổ chức dạy thêm cho các con vào ngày cuối tuần. Ở cuối lớp, nhiều phụ huynh khác không đồng tình nhưng khi đại diện hội cha mẹ học sinh đưa tờ danh sách đăng ký cho con học thêm cuối tuần, những phụ huynh xì xào lúc trước vẫn lẳng lặng ký tên vào tờ giấy…

Cấm nhưng vẫn giao bài tập

Tại Chỉ thị 5105/CT-BGDĐT ngày 3-11-2014 về chấn chỉnh tình trạng dạy, học thêm đối với giáo dục tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Giám đốc các sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, các trường tiểu học ở địa phương thực hiện các nội dung: Đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày, hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày, chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa. Với quy định nêu trên sẽ giúp các em học sinh tiểu học tránh được áp lực học tập, có thời gian vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi… Đồng thời, yêu cầu Giám đốc các sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các văn bản quy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, hiệu trưởng và giáo viên trong việc dạy thêm, học thêm và chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường, tổ chức, cá nhân vi phạm Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Nhưng có một thực tế là dù bị cấm nhưng học sinh vẫn được giao bài tập về nhà bởi nhiều lý do. Có hiệu trưởng cho rằng, học sinh cần làm bài tập đơn giản ở nhà nhằm hình thành tinh thần, trách nhiệm, rèn khả năng tự học; qua đó, giúp phụ huynh biết hôm nay trên lớp con học gì, đồng thời học sinh ôn lại kiến thức đã học. Một hiệu trưởng khác cho rằng, đa số phụ huynh đều đồng tình với việc giao thêm bài để con học tối...

Mới đây nhất, ngày 5-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học. Văn bản nêu rõ, năm học 2020-2021, chương trình, sách giáo khoa GDPT mới đã được triển khai thực hiện đối với lớp 1. Ngay sau khai giảng năm học mới, Bộ đã tiến hành kiểm tra, khảo sát ở một số địa phương và nhận thấy các nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp với điều kiện thực tiễn của trường; các giáo viên dạy lớp 1 đã bước đầu áp dụng được các phương pháp, kĩ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Nề nếp dạy học đã bước đầu ổn định, tạo được sự chủ động tự tin trong học tập cho học sinh lớp 1 đối với hầu hết các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình sách giáo khoa mới.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh, chương trình, sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học. Để tiếp tục hỗ trợ các nhà trường, giáo viên triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa GDPT mới, Bộ đề nghị các Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học; không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh; thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1…

HẢI HẬU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông