17:00 27/04/2023 Theo thống kê của Sở Công thương, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 - 2023 ước tăng 15,49% so với tháng 2 - 2023 và tăng 15,98% so với cùng kỳ. Quý I năm 2023, IIP ước tăng 13,12% so với cùng kỳ.
Riêng tháng 3–2023,trong 59 ngành phân ngành cấp 4, có 23 ngành có IIP tăng, 36 ngành có IIP giảm so với cùng kỳ. Những ngành có tốc độ tăng IIP cao trong tháng 3 - 2023 so với cùng kỳ có thể kể đến như: sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác (tăng 184,09%); sản xuất bột giấy, giấy và bìa (tăng 105,61%); sản xuất máy chuyên dụng khác (tăng 87,04%); sản xuất đồ điện dân dụng (tăng 81,58%); khai thác, xử lý và cung cấp nước (tăng 43,5%);…
Tính chungtrong quý I - 2023, có 27/59 ngành có IIP tăng, 32/59 ngành có IIP giảm so với cùng kỳ.
Những ngành có tốc độ tăng IIP cao như: sản xuất bột giấy, giấy và bìa (tăng 103,7%); sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính (tăng 95,26%); sản xuất thiết bị truyền thông (tăng 64,68%); sản xuất máy chuyên dụng khác (tăng 58,73%); sản xuất săm, lốp cao su; đắp và tái chế lốp cao su (tăng 51,54%); sản xuất đồ điện dân dụng (tăng 50,82%); sản xuất hàng may sẵn (tăng 25,08%); sản xuất xe có động cơ (tăng 18,42%); …
Tuy vậy, lại có một số ngành giảm như: sản xuất đồ gỗ xây dựng (giảm 63,81%); lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp (giảm 52,63%); sản xuất hoá chất cơ bản (giảm 38,54%); may trang phục (giảm 35,87%); sản xuất các sản phẩm khác từ giấy và bìa (giảm 35,65%);...
Theo đánh giá của Sở Công thương, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đã triển khai ngay hoạt động sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch góp phần vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. Sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và xuất khẩu duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu chưa bám sát kế hoạch đã đề ra. Trên thế giới, lạm phát còn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn chưa nới lỏng, xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử… lớn như Mỹ, EU đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam nói chung, trong đó có Hải Phòng. Các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Dự báo trong Quý II năm 2023, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đang là cơ hội cho Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.Các hiệp định FTA đang có với các đối tác thị trường châu Âu - châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của thành phố. Để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, trong thời gian tới Sở Công thương xác định tiếp tục nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các công trình, dự án lớn đi vào hoạt động nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới. Đồng thời, phối hợp với các ngành, địa phương bảo đảm điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Tiên Cường II, Đại Thắng (huyện Tiên Lãng), xây dựng hạ tầng kết nối với cụm công nghiệp mới được thành lập trên địa bàn.
LIÊM ĐOÀN