11:47 05/08/2021
Công cuộc phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ luôn là “đề tài nóng” không chỉ với các cơ quan chức năng hay doanh nghiệp. Nhìn từ góc độ pháp lý, giải pháp nào là chủ yếu và căn cơ để công cuộc phòng chống hàng giả mang lại hiệu quả thiết thực, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay, Phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyên Minh (Đoàn luật sư Hải Phòng) xung quanh vấn đề này…
Luật sư Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyên Minh
- PV: Xin luật sư cho biết đôi nét quy định của pháp luật hiện hành xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay?
- Luật sư Nguyễn Mạnh Hà: Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ là hành vi vi phạm pháp luật, đã được quy định hết sức đầy đủ, chặt chẽ trong hệ thống pháp luật.
Trường hợp vi phạm ít nghiêm trọng, giá trị hàng hóa thấp thì bị xử phạt hành chính, theo quy định tại các Điều 9, 10, 11, 12, 13 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26-8-2020, “Quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Mức phạt áp dụng thấp nhất đối với các hành vi này là 1 triệu đồng, mức cao nhất là 140 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP còn quy định các biện pháp bổ sung như buộc tiêu hủy tang vật và buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được. Đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án mà vẫn vi phạm thì bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) theo các Điều 192, về tội sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc Điều 193 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Điều 194 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Hình phạt cao nhất áp dụng tại Điều 194 có thể đến mức tử hình.
-PV: Công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ hiện nay đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào là chủ yếu và giải pháp nào để khắc phục từ góc độ pháp lý, thưa luật sư?
- Luật sư Nguyễn Mạnh Hà: Tôi nghĩ hệ thống pháp luật hiện hành ở nước ta trong lĩnh vực phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ khá đầy đủ, chặt chẽ, với các mức xử lý hành chính, hình sự, tùy mức độ vi phạm. Riêng làm giả thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể xử phạt tử hình là hết sức nghiêm khắc.
Qua theo dõi, tư vấn và tham gia giải quyết nhiều vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả, tôi nhận thấy việc phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng ở nước ta hiện nay đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, cả về chủ quan lẫn khách quan.
Về khách quan, Việt Nam là quốc gia nằm liền kề biên giới hoặc nằm gần các “trung tâm sản xuất hàng giả” lớn của thế giới như Hồng Kông, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan… Nguồn hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới có cơ hội thẩm lậu qua biên giới tràn vào nước ta.
Mặt khác, trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin 4.0 như hiện nay, hiện tượng bán hàng online, “livestream” trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube rất phổ biến, mà trong khi đó, việc xác định nguồn gốc, chất lượng, giá cả của các mặt hàng “online” này chủ yếu chỉ dựa trên lòng tin của người mua với người bán. Cũng do bán hàng trên mạng nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện, xử lý kip thời nếu người bán tuồn ra những mặt hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ rất nghiêm trọng, nó đánh thẳng vào lợi ích của các doanh nghiệp, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời làm méo mó hoạt động bình thường của thị trường, khiến cho các doanh nghiệp sở hữu những sản phẩm, thương hiệu uy tín phải lao đao vì không cạnh tranh được về giá cả hay phạm vi, quy mô lưu thông sản phẩm.
Một khó khăn khác nữa là các cơ quan có chức năng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ hầu hết lực lượng rất mỏng, trong khi địa bàn hoạt động của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả rất rộng, với nhiều thủ đoạn che mắt tinh vi, nhiều chiêu thức “lách luật” gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý. Bên cạnh đó, công tác giám định hàng hóa, xác định đâu là hàng thật, đâu là hàng giả cũng không hề đơn giản do nhiều bất cập trong quy định chức năng, nhiệm vụ, do thiếu các điều kiện cần thiết như trình độ chuyên môn của cán bộ giám định, máy móc, phương tiện giám định, mẫu sản phẩm đối chiếu…
- PV: Một trong những đối tượng bị xâm hại nhiều nhất bởi nạn sản xuất, buôn bán hàng giả chính là các doanh nghiệp. Vậy luật sư có góp ý gì đối với các doanh nghiệp và giải pháp mấu chốt nhất của công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ hiện nay là gì?
Đội QLTT số 4 (Cục QLTT thành phố) tạm giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc
- Luật sư Nguyễn Mạnh Hà:
Từ kinh nghiệm theo dõi, tư vấn pháp luật trong chống hàng giả của các doanh nghiệp, tôi nhận thấy các doanh nghiệp lớn thường rất quan tâm, chú trọng đến việc chống làm giả sản phẩm thương hiệu của họ. Các doanh nghiệp này thường tổ chức đội ngũ nhân viên riêng, làm nhiệm vụ rà soát thị trường, phát hiện các cơ sở, tụ điểm làm giả sản phẩm, thu thập bằng chứng rồi thông báo đến các cơ quan chức năng như Cảnh sát kinh tế, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội biên phòng để phối hợp xử lý.
Theo tôi, chủ doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn về việc chống làm giả sản phẩm của doanh nghiệp mình, bên cạnh việc bố trí nhân viên chuyên trách như đã đề cập ở trên thì cần có đội ngũ chuyên gia, luật sư, tư vấn và đại diện tiến hành các thủ tục pháp lý với các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thông tin đại chúng để cùng phối hợp, tạo điều kiện trong việc phát hiện và xử lý các cơ sở, tụ điểm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu và sản phẩm “chính hãng” của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng cần phối hợp, liên kết với cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi về sản phẩm của doanh nghiệp, để qua đó các đối tác hay người tiêu dùng có thể nhận biết, lựa chọn sử dụng “hàng thật”; cùng với đó là lên án, vạch mặt các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, để các đối tượng không còn đất sống, không có cơ hội trục lợi.
Giải pháp chủ yếu, và căn cơ trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ theo tôi nằm ở chính doanh nghiệp và người tiêu dùng. Để bảo vệ quyền lợi thiết thân của mình thì doanh nghiệp cần có sự đầu tư chiến lược, dài hạn, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đội ngũ tư vấn, bảo vệ pháp luật để có thể đưa các đối tượng làm hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ ra ánh sáng của pháp luật. Theo dõi trên Chuyên đề An ninh Hải Phòng gần đây, tôi thấy có Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong làm rất tốt nội dung này.
Đi cùng với đó là người tiêu dùng cũng phải “thông thái” lựa chọn những sản phẩm uy tín, thương hiệu, chất lượng, không vì ham rẻ hay vì nguyên nhân khác mà mua “hàng fake”, tiếp tay cho các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ có “đất sống”…
- PV: Xin trân trọng cảm ơn luật sư!
THẾ KHOA