Quyết liệt cuộc chiến chống hàng giả: Người tiêu dùng phải là “mắt xích” quan trọng

07:57 16/08/2021

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang len lỏi vào đời sống xã hội bằng nhiều con đường và ngày càng trở nên tinh vi. Điều này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn làm tổn hại đến uy tín, lợi nhuận của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính và có trách nhiệm với xã hội…

Từ  những bức xúc...

Hiện nay, việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với một thương hiệu không đơn giản, tuy nhiên, những nỗ lực này đã dễ dàng bị các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lợi dụng để trục lợi. Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng càng trở nên khó khăn hơn. Doanh nghiệp càng lớn, càng uy tín dễ trở thành đối tượng của hành vi phạm pháp này.

Lợi dụng tâm lý thích mua hàng giá rẻ của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm có kiểu dáng, thiết kế tương tự hàng thật nhưng với mức giá rẻ hơn. Đứng giữa thị trường “thật giả lẫn lộn”, sự sao chép tinh vi về bao bì, nhãn mác dễ khiến người tiêu dùng chọn nhầm.

Chị Nguyễn Thu Hiền, ở phường Nam Sơn, quận Kiến An tâm sự: Cách đây mấy ngày, khi đi mua một thỏi son để tặng đồng nghiệp nhưng mua về đã phát hiện ra son giả của một thương hiệu nổi tiếng nên cảm thấy rất bực mình. “Tiền mình bỏ ra mua hàng thật, vậy mà lại được nhận hàng giả. Bực mình hơn là khi tôi đến cửa hàng để nói chuyện thì chủ cửa hàng cãi bay và nói không phải sản phẩm của cửa hàng”, chị Hiền bức xúc.

Lực lượng QLTT kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc

Hay như chia sẻ của anh Phạm Văn Minh, ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng: Tháng 3 vừa qua anh có mua một chiếc đồng hồ hiệu Casino với giá hơn 3 triệu đồng từ người bán hàng online. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng chiếc đồng hồ gặp trục trặc, khi đi kiểm tra mới biết đó là hàng giả khiến anh có cảm giác thực sự khó chịu vì tâm lý bị lừa.

Không chỉ anh Minh hay chị Hiền là nạn nhân của tình trạng hàng giả, hàng nhái… rất nhiều người tiêu dùng đã từng gặp phải việc này do không thể phân biệt được sự khác biệt gi ữa hàng thật và hàng giả.

Ông Phạm Văn Trình, Chủ thầu xây dựng có địa chỉ tại Tổ Trữ 3, phường Quán Trữ, quận Kiến An cho biết: Hiện nay tình trạng hàng giả, hàng nhái đang tràn lan khiến người tiêu dùng mất niềm tin đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các thương hiệu, các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nhiều tổ chức, cá nhân đang bất chấp những điều này để sản xuất và kinh doanh phi pháp, tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoành hành như “con sâu làm rầu nồi canh” làm uy tín của các doanh nghiệp giảm sút và mất lòng tin người tiêu dùng. Ngay như việc chúng tôi tham gia nhiều công trình nhà ở, khi chủ nhà sử dụng ống nhựa kém chất lượng gặp thời tiết nắng nóng, ống nhựa bị vỡ, lúc đó việc khắc phục rất vất vả, tốn kém, ảnh hưởng kết cấu chung của công trình. Chúng tôi phải đục tường để thay ống mới của thương hiệu Nhựa Tiền Phong chính hãng để đảm bảo chất lượng công trình. Tuy nhiên, như tôi làm công trình nhiều năm được biết nhãn hiệu nổi tiếng của “Nhựa Tiền Phong” cũng đã bị làm giả, anh em xây dựng chúng tôi phải tìm đến  những cửa hàng uy tín để bảo nhau mua đúng chuẩn hàng Nhựa Tiền Phong mới yên tâm.

“Trong khi người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích mua sắm hàng giá rẻ mà quên mất việc xem xét kỹ chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng còn có tâm lý bất hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, tố giác các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Điều này đã góp phần cho hàng giả, hàng nhái có cơ hội hoành hành, cơ quan chức năng càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát hiện và xử lý vấn nạn này”, ông Trình bày tỏ.

Chị Trần Thị Thơm, ở xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên cho biết: Dù đã tìm hiểu rất kỹ về các sản phẩm sữa, bỉm, học hỏi phương pháp phân biệt hàng thật, hàng giả, tuy nhiên, đôi khi tôi vẫn mua phải hàng kém chất lượng. Điển hình như sản phẩm bỉm Moony mà tôi hay sử dụng cho bé, có lần mua về, tôi thấy họa tiết được in trên sản phẩm mờ nhạt; mặt tã sờ nhám tay, không mịn màng và có màu hơi ám vàng. Một lần khác, tôi mua phải một hộp sữa có gắn mác của một thương hiệu sữa bột nổi tiếng được nhập khẩu từ Đức, tuy nhiên, khi mở hộp, sữa bên trong bị vón cục và có mùi hôi. Vì nghi ngờ đây là hai sản phẩm giả, nếu sử dụng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nên tôi không dám dùng cho con mà đành chấp nhận “mất tiền oan” và coi đó như một bài học kinh nghiệm đáng nhớ”.

Theo ông Nguyễn Bình Minh - Chủ tịch Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố: Thời gian qua, Hội cũng đã tiếp nhận và thông báo đến cơ quan chức năng hàng chục đơn khiếu nại của người tiêu dùng về các sản phẩm mỹ phẩm, hàng gia dụng… có dấu hiệu vi phạm để cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền. Điển hình là Hội đã tiếp nhận đơn khiếu nại của người tiêu dùng về hai sản phẩm thực phẩm chức năng dinh dưỡng sử dụng cho người ăn kiêng có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật tại tỉnh Hòa Bình. Hội đã kiến nghị với Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương và các cơ quan chức năng, Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình xác minh, điều tra, xem xét rõ vi phạm và tiến hành thu hồi giấy phép hai sản phẩm nói trên.

...Để trở thành người tiêu dùng thông thái

Đại diện các cơ quan chức năng cho rằng, để công tác chống hàng giả có hiệu quả hơn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan. Các Bộ, ngành chức năng cần kiện toàn văn bản pháp luật, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, trường hợp nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, sự hợp tác và phối hợp của đông đảo người tiêu dùng là yếu tố vô cùng cần thiết trong việc đấu tranh, phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.Thêm vào đó, cần đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả đạt hiệu quả.

Bên cạnh những doanh nghiệp còn e ngại đụng chạm trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, nhiều doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội rất cao kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với hàng giả vì sự an toàn của người tiêu dùng, mục tiêu kinh doanh và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Đơn cử như Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã thành lập Bộ phận chống hàng giả, hàng nhái với đội ngũ cán bộ chuyên trách luôn tích cực, chủ động phát hiện, thu thập chứng cứ, cung cấp bằng chứng của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu “Tiền Phong” cho các cơ quan chức năng như: Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế… để phối hợp xử lý theo pháp luật.

Ông Chu Văn Phương - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho biết: “Chúng tôi quyết tâm đấu tranh chống nạn hàng giả, hàng nhái trước hết là vì quyền lợi của người tiêu dùng, để người tiêu dùng không bị rơi vào cảnh bỏ tiền thật ra mua hàng giả. Nhựa Tiền Phong quyết liệt chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng còn vì bảo vệ thương hiệu “Tiền Phong” của chúng tôi. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, thương hiệu của doanh nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng, là tài sản lớn mà doanh nghiệp phải bỏ công sức, tiền bạc, trí tuệ, xây dựng và tích lũy rất lâu mới có được. Việc chống hàng giả, hàng nhái cũng sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cùng lĩnh vực trên thị trường”.

Kiểm kê tang vật ống nhựa giả sản phẩm “Nhựa Tiền Phong” được Công an huyện Duy Tiên (Hà Nam) thu giữ tháng 9/2020

Để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả thị trường, ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, các cơ quan quản lý nhà nước cần đổi mới phương thức quản lý, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị để kiểm soát cả thị trường tiêu thụ và “đầu vào” của hàng hóa vi phạm. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, qua đó vừa góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, vừa thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, đồng thời tránh thất thu thuế cho Nhà nước.

Đại đa số người dân, những nạn nhân cuối cùng của nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đều cho rằng: hiện nay chế tài xử phạt vi phạm hành chính rõ ràng chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm, mức phạt còn rất thấp so với hậu quả mà họ đã gây ra cho xã hội. Nhưng cũng phải thừa nhận hiện còn phần đông người tiêu dùng chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng khi tham gia mua, bán những mặt hàng này. Không “tiếp tay” cho các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái,hàng kém chất lượng từ sự chủ quan, nhẹ dạ, dễ dãi khi mua sắm; lựa chọn và tìm đến những đại lý, cơ sở kinh doanh tin cậy của các nhãn hiệu uy tín; cảnh giác, kịp thời phát hiện, thông báo tới cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tẩy chay các nhãn hiệu rởm…đó phải được coi là bổn phận của người tiêu dùng trong cuộc chiến quyết liệt đấu tranh với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Và trên hết, người tiêu dùng phải thực sự là “mắt xích” trong cuộc chiến này, phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Điều đó không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa hiện nay.

Vũ Duyên

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông