Quyết tâm tạo chuyển biến đột phá gỡ cảnh báo “Thẻ vàng’ của Ủy ban Châu Âu đối với hải sản khai thác của Việt Nam

16:33 04/09/2024

Sau gần 7 năm (kể từ ngày 23/10/2017) nỗ lực gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với hải sản khai thác của Việt Nam, bên cạnh những kết quả khả qua đạt được, công tác chống khai thác IUU của Việt Nam vẫn còn một số nhiệm vụ chuyển biến rất chậm cần được khẩn trương khắc phục, tạo sự chuyển biến đột phá mới đủ sức thuyết phục phía EC gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” cho hải sản khai thác của Việt Nam tại đợt thanh tra lần thứ 5…

Kết quả khả quan…

Hiện, song song với việc hoàn thiện khung pháp lý, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (VNFishbase), kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định các Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), Việt Nam đã thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp trong xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu.

Lực lượng kiểm ngư tăng cường thực thi pháp luật trên biển

Cả nước đã có 74 cảng cá, điểm lên cá trong cả nước thực hiện cho tàu cá xuất, nhập bến trên hệ thống. Thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 (tháng 10/2023) đến nay chưa phát hiện thêm các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu vi phạm IUU.

Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU đạt được một số kết quả quan trọng. Tính đến cuối tháng 8/2024, lực lượng chức năng cả nước đã khởi tố 11 vụ hình sự, đang điều tra 3 vụ có dấu hiệu vi phạm hình sự. Công tác điều tra, xác minh, xử lý hành vi vi phạm về ngắt kết nối VMS, khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã được tăng cường hơn trước.

Từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đến ngày 19/8/2024, cả nước đã xử phạt gần 2.880 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản với tổng số tiền trên 93 tỷ đồng; trong đó, xử phạt vi phạm liên quan đến VMS trên 32 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay xử phạt 2.154 trường hợp với tổng số tiền trên 61 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, EC đã đánh giá tốt kết quả thực hiện các quy định kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ tàu nước ngoài đảm bảo tuân thủ đầy đủ theo quy định của Hiệp định các Biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA)…

Gấp rút hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá

Bất cập, hạn chế cần gấp rút khắc phục triệt để

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chống khai thác IUU của Việt Nam vẫn đối mặt với một số tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục.

Trước hết, cần phải kể đến tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 55 tàu với gần 380 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; tăng 21 tàu và gần 140 ngư dân so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại một số tỉnh như: Kiên Giang, Bình Định, Khánh Hòa…

Ngoài ra, lực lượng chức năng trong nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 19 tàu vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài tại các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Thêm vào đó, công tác đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản vẫn chưa hoàn thành. Tính đến ngày 19/8/2024, đăng ký tàu cá được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia mới đạt khoảng 82,9% (70.910/85.495 tàu), cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn mới đạt khoảng 67% (47.516/70.910 tàu).

Cả nước vẫn còn 14.585 tàu “03 không”; tình trạng mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu cá không thực hiện thủ tục xóa đăng ký, đăng ký lại tàu cá trong tỉnh và giữa các tỉnh vẫn diễn ra thường xuyên.

Công tác theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá trên biển, xuất nhập bến, ra vào cảng tại nhiều địa phương còn chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định; sản lượng thủy sản khai thác được giám sát phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc chiếm tỷ lệ còn rất thấp. Hiện cả nước mới theo dõi, giám sát được khoảng 40% hoạt động của tàu cá ra vào cảng, khoảng 30% sản lượng thủy sản khai thác được giám sát qua cảng…

Đặc biệt, công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU còn rất thấp, chưa thống nhất, đồng đều giữa các địa phương. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng địa phương nào làm nghiêm thì tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU di chuyển sang địa phương khác, nơi thiếu sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng để cập cảng bốc dỡ thủy sản, ra vào cảng, xuất nhập bến để hoạt động khai thác thủy sản.

Hiện, các nước trong khu vực đang tiếp tục tăng cường các lực lượng thực thi pháp luật trên biển để khẳng định chủ quyền; bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam khi vi phạm. Do đó, nếu công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU của nước ta không tạo ra sự bứt phá với những kết quả, số liệu chứng minh cụ thể với EC, đặc biệt là trường hợp còn để xảy ra tình trạng tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài thì Việt Nam sẽ rất khó thuyết phục phía EC gỡ cảnh báo “Thẻ vàng’ cho hải sản khai thác tại đợt thanh tra lần thứ 5, thậm chí còn nguy cơ cao bị nâng cảnh báo lên “Thẻ đỏ”.

Gấp rút hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá

Trước thực trạng đó, để đảm bảo đạt được kết quả tốt nhất tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, quyết tâm thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, các ban, bộ, ngành, địa phương trên cả nước đang tập trung cao độ thực hiện quyết liệt, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách sau: Tập trung nguồn lực ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, nhất là tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định…

Riêng các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở (xã/phường/thị trấn) tại các địa bàn trọng điểm vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, vừa kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài; áp dụng nghiêm quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản, để xử lý nghiêm các hành vi liên quan khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài, ngắt, gửi, vận chuyển thiết bị VMS trái quy định của pháp luật.

Bộ Công an và các địa phương, tiếp tục rà soát, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân cố tình hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thường xuyên kiểm tra trách nhiệm địa phương trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách trong thực thi công vụ, xử phạt các hành vi khai thác IUU…

Cùng với đó, các địa phương đang gấp rút hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá; xử lý dứt điểm tàu cá “03 không”.

Kiểm soát chặt chẽ ngay từ trong bờ, kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, lực lượng chức năng có liên quan không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ; bao che, dung túng, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU, để tàu cá vi phạm khai thác IUU ra vào cảng, xuất nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản.

Mặt khác, quan tâm bố trí, đảm bảo nguồn lực (nhân lực, kinh phí, phương tiện, trang thiết bị…) cho các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU. Qua đó, góp phần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các khuyến nghị của EC, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hải sản khai thác tại đợt thanh tra lần thứ 5…

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông