Rạp chiếu phim tại Hải Phòng: Làm gì để cân bằng?

00:23 18/11/2014

 

 

Rạp chiếu bóng Lê Văn Tám
Rạp chiếu bóng Lê Văn Tám

Đầu tư thêm cụm rạp phim hiện đại, quy mô vừa và nhỏ 200-400 chỗ ngồi tại khu vực các đô thị - công nghiệp phát triển bằng nguồn vốn xã hội hóa; thành lập doanh nghiệp điện ảnh tư nhân; hình thành mạng lưới rạp chiếu phim tại 50% quận, huyện trong thời gian từ nay đến năm 2025… nhiều giải pháp đã được tính đến nhằm khắc phục nghịch lý thiếu - thừa các rạp chiếu phim tại Hải Phòng hiện nay.

Co cụm trong nội thành

Đó là một thực tế tồn tại từ nhiều năm nay khi nói đến sự phân bổ các rạp phim tại Hải Phòng. Trong một phạm vi không quá rộng ở khu vực trung tâm thành phố, có đến 4 rạp chiếu phim hoạt động: rạp Lê Văn Tám trên đường Mê Linh, rạp 1-5 trên đường Hoàng Văn Thụ, rạp Công nhân tại phố Cầu Đất và rạp CGV trên đường Lê Hồng Phong. Trong số 4 rạp chiếu phim này, doanh thu hoạt động của 3 rạp thuộc sự quản lý của nhà nước đang đối nghịch hoàn toàn với rạp tư nhân CGV. Như vậy, tính riêng trong khu vực nội thành đã thấy rõ nghịch lý thiếu -  thừa của các rạp phim.

Rạp CGV mà trước đây là rạp Megastar với hệ thống phòng chiếu hiện đại đã đánh bại các rạp chiếu cũ của Hải Phòng ngay từ khi mới đi vào hoạt động, khoảng năm 2006-2007. Cho đến nay, tập đoàn CJ-CGV của Hàn Quốc cũng giữ vị trí thống lĩnh trong cuộc đua các hệ thống rạp chiếu phim tại Việt Nam. Ngay sau khi mua lại Megastar, CJ - CGV nắm tới hơn 60% doanh thu phòng vé ở Việt Nam (khoảng 20 - 23 triệu USD/năm). CGV Hải Phòng là một trong 13 cụm rạp hiện có trên cả nước của CGV.

8 phòng chiếu của CGV Hải Phòng hoạt động liên tục, phục vụ đến 30 suất chiếu mỗi ngày. Chưa kể sự đầu tư mạnh mẽ về nguồn phim độc quyền và chất lượng dịch vụ đã kéo một lượng lớn khán giả đến rạp hàng ngày. Vào dịp cuối tuần hoặc ngày thứ 4, ngày chiếu phim với giá vé ưu đãi, rạp CGV luôn đông kín người đến xem phim.

Trái ngược hoàn toàn, 3 rạp nhà nước đã kể trên chỉ hoạt động đủ cầm chừng. Thuộc quản lý của Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Hải Phòng, trong giai đoạn từ năm 2006-2013, các rạp phim này đã được đầu tư nâng cấp sửa chữa nhiều, song vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với rạp CGV.

Cả 3 rạp Lê Văn Tám, 1-5 và Công nhân hiện nay đều chưa có trang thiết bị chiếu phim, âm thanh hiện đại theo tiêu chuẩn HD, 3D hay 4D. Thêm vào đó, không gian kiến trúc các rạp do xây dựng đã lâu nên không còn phù hợp về công năng sử dụng, không có chỗ để xe ô tô, nơi gửi xe chật hẹp, dịch vụ đi kèm không phong phú. Bởi thế, cả 3 rạp phim hiện nay đều khai thác thêm dịch vụ khác như cho thuê hội trường, cho các cửa hàng thuê một phần mặt bằng để kinh doanh.

Không sử dụng hết công năng, số lượng khán giả đến rạp có xu hướng ngày càng giảm, không chủ động được nguồn phim chiếu nhập khẩu và thời gian phát hành chiếu phim mới… cụm rạp nhà nước loay hoay giải bài toán doanh thu dịch vụ. Cũng vì thế, hầu hết các buổi chiếu của Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng hiện nay chỉ nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị và chiếu phim phục vụ khán giả nhỏ tuổi.

Im lìm tại ngoại thành

“Không đi xem vì rạp quá xa” là câu trả lời của phần đông sinh viên trường Đại học Hải Phòng ở tại khu vực quận Kiến An, khi được hỏi có thường xuyên đi xem phim tại rạp hay không. Thuộc lớp khán giả tiềm năng nhưng nhiều sinh viên cũng như những khán giả trẻ yêu thích điện ảnh khác ở khu vực xa trung tâm thành phố lại không có điều kiện được thưởng thức nghệ thuật thứ 7 tại các rạp chiếu phim. Bởi lẽ, các cụm rạp cách xa nhà đến cả mấy chục cây số như vậy. Muốn tập trung để xem phim màn ảnh rộng theo nhóm, khán giả ngoại thành chỉ có các buổi chiếu lưu động, cũng do Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng thực hiện.

Nhưng có một thực tế khác, những bộ phim chiếu lưu động thường là phim Việt Nam theo nhiệm vụ chính trị, không hấp dẫn với một bộ phận khán giả trẻ. Hàng năm, hai đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm thực hiện gần 200 suất chiếu lưu động miễn phí tại các nơi, duy trì một hình thức hưởng thụ văn hóa nghệ thuật đã có từ  lâu. Song, hình thức chiếu bóng lưu động có còn phù hợp trong sự phát triển nhanh chóng như hiện nay của nền công nghiệp điện ảnh?

Từ cách đây rất lâu, ở các huyện ngoại thành đã từng có các rạp chiếu bóng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân. Nhưng theo thời gian và không có sự đầu tư cải tạo, các rạp xuống cấp và dừng hoạt động. Một vài rạp còn lại trụ sở thì cũng đã chuyển đổi mục đích sử dụng. “Xóa sổ” các rạp chiếu phim tại ngoại thành đã làm rõ thêm nghịch lý thiếu - thừa của các cụm rạp. Trong khi đó, ở các huyện ngoại thành, chắc chắn vẫn có một lượng khán giả tiềm năng và yêu thích điện ảnh nhất định.

Bởi vậy, việc đón đầu nhu cầu giải trí của nhân dân sinh sống tại các đô thị, khu kinh tế công nghiệp, khu đại học đã được quy hoạch phát triển là một tiền đề cần thiết. Và đâu là giải pháp cấp thiết nhằm phát triển điện ảnh theo hướng hiện đại hóa, tạo ra sức hấp dẫn đối với mọi tầng lớp nhân dân, khắc phục được tình trạng nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu như hiện nay? Nên chăng cần có sự liên kết giữa các đơn vị nhà nước và các doanh nghiệp, từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động của các đội chiếu bóng công lập theo hướng xã hội hóa.

Huyền Trâm


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích