Sắc màu hội tụ tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2021

16:45 25/11/2021

Ngay sau thành công Liên hoan Kịch nói toàn quốc, từ ngày 18 đến 27-11, tại Hải Phòng tiếp tục diễn ra Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc-2021 (đợt 1). Sự ảnh hưởng của dịch bệnh không làm giảm đi sự đam mê, sáng tạo, lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ, ca sĩ. Chính sự khổ luyện và đam mê ấy đang góp phần mang đến liên hoan một vườn hoa lung linh sắc màu âm nhạc từ bản sắc, phong cách riêng của mỗi đơn vị.
Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang biểu diễn tại Liên hoan

Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2021 (đợt 1) có 19 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tham gia, gồm:Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc; Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa; Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang;Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình; Nhà hát Vũ Kịch Việt Nam; Giàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc; Nhà hát Ca  Múa Nhạc tỉnh Sơn La; Nhà hát Tuổi trẻ; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh; Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai; Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái; Nhà hát Ca múa Nhạc Thăng Long; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lai Châu; Nhà hất Ca Múa Nhạc Biển Xanh Bình Thuận; Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình; Đoàn Ca múa Hải Phòng.

Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa biểu diễn tại Liên hoan

Theo các thành viên Hội đồng nghệ thuật, đây là liên hoan diễn ra 3 năm/lần, nhằm tạo điều kiện cho các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn thuộc các đơn vị Ca, Múa, Nhạc trong và ngoài công lập được giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; tăng cường tính chuyên nghiệp, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng hướng đi phù hợp với cuộc sống đương đại đồng thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.

Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình biểu diễn tại Liên hoan

Tại cuộc làm việc với ban tổ chức và các đơn vị nghệ thuật sáng 18-11, nhạc sĩ Đinh Công Thuận, Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, một trong số đơn vị phối hợp tổ chức liên hoan đợt này đánh giá, chưa có kỳ liên hoan ca, múa, nhạc nào, các loại hình nghệ thuật phong phú như lần này. Điểm mới, năm nay có dàn nhạc giao hưởng, nhạc kịch kinh điển của thế giới và nhiều thể loại âm nhạc thanh xướng kịch, sử thi ngoài các tiết mục ca, múa, nhạc mới… Mỗi chương trình nghệ thuật thể hiện tinh hoa riêng, bản sắc văn hóa của mỗi địa phương, vùng, miền.

Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc biểu diễn tại Liên hoan

Trưởng Đoàn Ca Múa Hải Phòng Chu Tâm Huy cho biết: đơn vị sẽ ra mắt Hội đồng Nghệ thuật, các đồng nghiệp và công chúng thành phố tác phẩm thanh xướng kịch về Nữ tướng Lê Chân, đặc trưng văn hóa miền cửa Biển. Đây là tác phẩm được đánh giá thành công từ chương trình Sân khấu truyền hình Hải Phòng thực hiện trong tháng 9-2021.

Bên cạnh sắc màu âm nhạc của các vùng, miền, các đơn vị nghệ thuật trung ương cũng khẳng định nét đặc trưng, thông qua phong cách biểu diễn. Tác phẩm quy mô và được đánh giá sẽ là đối thủ “nặng ký” tại liên hoan lần này là vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết, đơn vị dàn dựng vở nhạc kịch cả năm qua. Tác phẩm là sự kết hợp của tinh hoa văn học thế giới với nghệ thuật âm nhạc, sân khấu và vũ đạo với 120 nghệ sĩ. Dựa theo tác phẩm cùng tên của đại văn hào Victor Hugo, phần sân khấu được dàn dựng và biên đạo bởi ê kíp trẻ, tài năng của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Nhà hát Tuổi trẻ biểu diễn tại Liên hoan

 Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết: Do dịch bệnh, công tác tổ chức Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc-2021 gấp rút và các đơn vị nghệ thuật phải vượt khó để dàn dựng các tác phẩm chất lượng mang đến dự thi. Là Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc-2021 (đợt 1), trước đó, liên hoan dự định tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên. Song do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên chỉ thời gian ngắn, Ban tổ chức quyết định chuyển liên hoan về thành phố Hải Phòng. Bởi Hải Phòng hội tụ đầy đủ các điều kiện để tổ chức chương trình mang tầm cỡ quốc gia, nhất là sau thành công của Liên hoan Kịch nói toàn quốc-2021. Sự phối hợp tích cực, chủ động của thành phố và ngành Văn hóa Hải Phòng thể hiện sự quan tâm lớn đến phát triển văn hóa, nghệ thuật.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai cho biết: Để chuẩn bị chu đáo sự kiện văn hóa, nghệ thuật quy mô và tầm cỡ toàn quốc, ngành phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, các cơ quan chức năng từ văn hóa, nghệ thuật tới an ninh, y tế và tài chính. Ban tổ chức liên hoan xác định, thông qua liên hoan nhằm tôn vinh và làm cho nghệ thuật được thăng hoa, nghệ sĩ được tỏa sáng. Song ưu tiên hàng đầu phải làm tốt công tác kiểm soát dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho các văn nghệ sĩ.

Về phía các đơn vị nghệ thuật, NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long (ở Hà Nội) cho biết, đơn vị dựng chương trình “Thanh âm” gấp rút trong 1 tháng do các nghệ sĩ phải giãn cách, không thể tập trung. Dịp liên hoan, đối với riêng ca sĩ Tấn Minh rất vui khi về Hải Phòng, được gặp gỡ, trao đổi nghề với các nghệ sĩ. Nhất là công chúng Hải Phòng rất yêu mến nghệ thuật như tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ cống hiến chương trình nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích