Sau khi bị cắt khí đốt, Ba Lan tịch thu tài sản liên quan của Nga

20:24 03/05/2022

Ba Lan đã buộc công ty con ở Ba Lan của tập đoàn năng lượng Nga Novatek chuyển giao cơ sở hạ tầng khí đốt của mình cho các công ty nhà nước Ba Lan.

Theo đài RT, người phát ngôn Chính phủ Ba Lan Piotr Müller cho biết thông tin trên ngày 29/4. Công ty Novatek nằm trong danh sách trừng phạt của Ba Lan và ngày 28/4, công ty này đã ngừng cung cấp khí đốt cho một số vùng của Ba Lan.

 Ông Müller nói: “Hôm nay, Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã yêu cầu các công ty nhà nước PGNiG, PSG và Gaz-System ngay lập tức cung cấp khí đốt cho các mạng lưới của Novatek trên cơ sở luật quản lý khủng hoảng”.

Ông nói thêm rằng theo lệnh của Thủ tướng, công ty con Novatek Green Energy của Novatek có nghĩa vụ chuyển giao các mạng lưới cho các công ty trên, sau đó các công ty này sẽ cung cấp khí đốt cho các thành phố bị Nga cắt khí đốt.

Theo người phát ngôn, quá trình chuyển giao sẽ bắt đầu ngay lập tức. Ông Müller giải thích: “Tất nhiên, tất cả phụ thuộc vào việc liệu Novatek và các nhân viên có phản kháng hay không. Nếu có, theo quy định của pháp luật về quản lý chống khủng hoảng, chúng tôi có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế”.

Cơ sở khai thác khí đốt Bovanenkovo trên bán đảo Yamal, Bắc Cực.

Ngày 28/4, các nhà chức trách Ba Lan cho biết hàng chục thành phố đã không còn khí đốt hóa lỏng sau khi Novatek đình chỉ cung cấp. Ba Lan trước đó đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 50 pháp nhân và cá nhân của Nga, bao gồm cả các công ty năng lượng.

Trước đó, ngày 26/4, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt theo hợp đồng Yamal cho Ba Lan. Dòng khí đốt thực tế qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu từ Belarus đến Ba Lan đã về mức 0 kilowatt giờ (kWh) lúc 16h00 ngày 26/4.

Ba Lan đã nhiều lần tuyên bố sẽ không đồng ý trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble theo các quy tắc mới được Nga công bố vào tháng trước. Moskva đã cảnh báo châu Âu rằng họ có nguy cơ bị cắt nguồn cung khí đốt trừ khi thanh toán bằng đồng ruble. Ủy ban châu Âu (EC) nói rằng các doanh nghiệp cần tiếp tục thanh toán bằng đồng tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng của họ với Gazprom - 97% trong số đó bằng euro hoặc USD.

Trong khi đó, ngày 28/4, người phát ngôn của Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom Sergey Kuprianov cho hay Ba Lan vẫn tiếp tục mua khí đốt của Nga, bất chấp những tuyên bố chấm dứt nhập khẩu, song việc mua khí đốt này thông qua Đức. Khí đốt từ Đức được chuyển ngược lại Ba Lan qua đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu. Khối lượng khí đốt được chuyển ngược lại Ba Lan khoảng 30 triệu m3/ngày, tương đương với lượng khí đốt trong hợp đồng giữa Ba Lan và Gazprom trước đó.

Sau Ba Lan, Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria. Lý do chung được đưa ra cho quyết định này là Nga đã không nhận được khoản thanh toán bằng đồng ruble từ hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này cho các hợp đồng mua khí đốt.

Trong tuyên bố ngày 27/4, Gazprom cho biết đã thông báo tới hai cơ quan năng lượng Bulgargaz của Bulgaria và PGNiG của Ba Lan về quyết định ngừng cung cấp khí đốt, đồng thời nêu rõ quyết định sẽ có hiệu lực cho đến khi các khoản thanh toán được trả bằng đồng ruble theo đúng chủ trương của Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố hồi tháng trước.

Phản ứng trước quyết định của Gazprom, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Alexander Nikolov khẳng định nước này đã hoàn tất thanh toán cho lượng khí đốt vận chuyển trong tháng 4, do đó, quyết định này của Gazprom đã vi phạm hợp đồng mua bán giữa hai bên.

Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov cho rằng đây là quyết định không thể chấp nhận. Ông cho biết nước này đang xem xét lại các hợp đồng với Gazprom, bao gồm hợp đồng vận chuyển khí đốt sang Serbia and Hungary.

Bảo vệ quyết định của Gazprom, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin khẳng định đây là quyết định đúng đắn và Moskva cần có hành động tương tự đối với những nước "không thân thiện" khác.

Nga và các nước châu Âu đang tăng cường các biện pháp đáp trả lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt trong bối cảnh các nước phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt và tìm cách cô lập Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine. Để bảo vệ lợi ích quốc gia, Tổng thống Putin tuyên bố mọi hợp đồng mua bán dầu mỏ và khí đốt của Nga đều phải thanh toán bằng đồng ruble. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối từ phương Tây và khiến các nước tìm cách tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế để giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông