Tiếp tục lộ trình thay sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới

    16:45 07/09/2020

    Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ thẩm định lựa chọn những bộ sách đủ tiêu chuẩn để trình lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.

    Hải Phòng đã triển khai thay sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021

    Theo lộ trình, sẽ thực hiện thay sách giáo khoa Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, năm học 2020-2021, đối với lớp 1; năm học 2021-2022, với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023, đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024, đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

    Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; Những năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Những năng lực đặc thù được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học và hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất.

    Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực chung và năng lực đặc thù, chương trình giáo dục phổ thông còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng những năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.

    Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

    Sáng 7-9, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD-ĐT tổ chức khai mạc Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tham dự chương trình có lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT); 128 thành viên của 12 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 6 các môn học và hoạt động giáo dục, gồm: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân, tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Thành phần Hội đồng gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Trong đó, ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

    Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD-ĐT đã tiến hành xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình từng môn học. Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; Định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

    Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; Có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Trên tinh thần này, nhiều tổ chức cá nhân đã tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Đối với lớp 1, đã có 5 bộ sách giáo khoa; lớp 2 Bộ GD-ĐT đang tổ chức thẩm định với 4 bản mẫu của môn Toán, 8 bản mẫu môn tự chọn tiếng Anh, các môn còn lại mỗi môn có 3 bản mẫu.

    Đối với sách giáo khoa lớp 6, sau thời gian thông báo về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa và tiếp nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT đã nhận được 43 bản mẫu sách giáo khoa của đầy đủ 11 môn học/hoạt động giáo dục giáo dục bắt buộc và bản mẫu sách giáo khoa môn tự chọn tiếng Anh. Trong đó, trừ môn Tin học có 4 đầu sách giáo khoa, tiếng Anh có 9 đầu sách, các môn còn lại mỗi môn có 3 đầu sách.

    Theo Nghị quyết 88, Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh; thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt.

    Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc. Chương trình giáo dục tổng thể không quy định rõ tiết nào, bài gì, dạy mấy tiết và dạy như thế nào… cả nước không “đồng phục” trong các tiết dạy học. Do vậy các nhà trường sẽ chủ động dạy - học phù hợp với điều kiện thực tiễn.

    Với tinh thần mở như vậy, Hội đồng thẩm định cần làm việc kỹ lưỡng, trách nhiệm và trân trọng sự đổi mới, sáng tạo của các tác giả. Sách đã “mở”, nên giáo viên cũng cần linh hoạt và dạy học theo hướng “mở” để phù hợp với từng đối tượng học sinh.

    HẢI HẬU tổng hợp

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông