09:31 19/09/2017 Vài năm gần đây, thôn Sa Đống, xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng được biết đến như một làng nghề chuyên sản xuất bánh trung thu (bánh nướng, bánh dẻo). Nghề làm bánh đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để bánh trung thu Sa Đống thực sự trở thành thương hiệu, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, trên hết là ý thức chấp hành VSATTP của người sản xuất.
Sản xuất thời vụ
Trưởng phòng Y tế huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Lượng cho biết: Trên địa bàn huyện Tiên Lãng có 11 cơ sở sản xuất bánh ngọt và bánh trung thu, tập trung chủ yếu ở thôn Sa Đống, xã Tự Cường với 9 cơ sở sản xuất. Những cơ sở này phần lớn sản xuất mùa vụ.
Về Sa Đống những ngày tháng 9 này, trên những con đường làng tấp nập xe vào ra trở hàng đi khắp nơi. Những năm trước ở thôn có nhiều người đi làm thuê tại các hiệu bánh ở phố Cầu Đất. khi về quê, số người này đem kinh nghiệm học được tự mở các xưởng sản xuất bánh trong dịp Tết Trung thu.
Nguyên liệu đầu vào để bừa bãi mất vệ sinh dưới sân tại cơ sở Gia Khánh Tự Cường
Đến nay, các cơ sở ở thôn đã có gần 10 năm kinh nghiệm sản xuất. Ngoài các cơ sở sản xuất tại thôn, nhiều gia đình đã tới các tỉnh lân cận mở cơ sở sản xuất. Do giá thành cạnh tranh (trung bình có giá từ 8.000 đến 20.000 đồng/1 chiếc) nên thị trường tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở trong thôn ngày càng mở rộng và phát triển sang cả các tỉnh Hải Dương, Nam Định… Trung bình vào dịp cao điểm, các cơ sở trong thôn sản xuất từ 300 đến 3.000 bánh/1 ngày.
Chủ tịch UBND xã Tự Cường Trần Văn Định cho biết: Sản phẩm bánh Sa Đống đã dần chiếm lĩnh được thị trường nhờ giá cả cạnh tranh, chất lượng. Cùng với đó, các cơ sở đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định. Địa phương đang nghiên cứu hướng phát triển Sa Đống trở thành một làng nghề sản xuất bánh trong thời gian tới.
Nguy cơ mất an toàn VSTP
Bánh được chất chồng từng đống để dưới sân
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hoạt, Trạm trưởng trạm y tế xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng, được biết: Trước đây các cơ sở đều nướng bánh bằng lò than, nay chuyển sang máy nướng bằng điện. Mặc dù đã cải tiến nhưng quy trình sản xuất bánh còn chưa bảo đảm an toàn VSTP như: thau, chậu sử dụng đựng bột, nhân bẩn, khu sản xuất gần nhà vệ sinh.
Một số loại thực phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ như thịt lợn, phẩm màu. Đặc biệt, nhân công làm theo thời vụ, không khám sức khỏe định kỳ (có thể dẫn tới truyền nhiễm bệnh khi tham gia sản xuất). Qua nắm bắt, có tình trạng một số cơ sở khi lượng bánh bán ra tồn đã thu gom về tái chế thành các sản phẩm bánh khác.
Lá chanh thái để mất vệ sinh trên sân
Sáng 16-9, phóng viên Báo ANHP có mặt tại cơ sở sản xuất bánh Gia Khánh của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Chùy. Đây được xem là cơ sở sản xuất bánh lớn trong thôn với sản lượng 3.000 bánh/ ngày. Do đang vào chính vụ, cơ sở đã tuyển thêm lao động thời vụ để làm cho kịp các đơn đặt hàng.
Theo quan sát, bánh thành phẩm được công nhân bày la liệt trên sàn nhà, việc đóng gói công nhân không đeo găng tay bảo hộ. Phía ngoài sân, nguyên liệu đầu vào như lá chanh (phục vụ sản xuất bánh nướng) được đánh đống giữa sân, cùng một đống lá chanh thái bày dưới sân, gây mất VSATTP.
Bánh được đóng thùng để trên nền nhà
Lý giải tình trạng nêu trên, ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng phòng y tế huyện Tiên Lãng cho rằng: Nhiều năm về trước, huyện luôn chủ động trong việc thanh kiểm tra, giám sát nhắc nhở các cơ sở sản xuất.
Nhưng vài năm trở lại đây, do phân cấp lại nên việc thanh, kiểm tra bị chồng chéo. Đoàn kiểm tra liên ngành phần lớn đều có thông báo trước, như vậy khó có thể phát hiện ra những cơ sở sản xuất không an toàn.
Đóng gói không mang găng tay bảo hộ
Ngoài ra, ý thức các cơ sở sản xuất chưa cao trong việc chấp hành VSATTP. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm những cơ sở sản xuất bánh gây mất VSATTP.
TRUNG KIÊN