Siết chặt quản lý chất lượng an toàn thực phẩm

07:17 20/10/2020

Hơn 4 năm (2016-2020), triển khai Chỉ thị 13/CT-TTg, ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), lực lượng Công an các cấp mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát Môi trường đã phát hiện, xử lý, phối hợp xử lý trên 47 nghìn vụ, đối với hơn 5 nghìn tổ chức, gần 24,5 nghìn cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP; khởi tố 75 vụ đối với 122 bị can... Đây là những con số biết nói, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP diễn biến hết sức phức tạp.
Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng ATTP tại siêu thị Big C

Vi phạm pháp luật về ATTP khó kiểm soát…

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 4 năm Kế hoạch 152/KH-BCA-C41, ngày 30-5-2016, của Bộ Công an triển khai Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, vừa được Bộ Công an tổ chức; đại diện Cục C05 - Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương và đại diện một số lực lượng chắc năng như: Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý dược, Bộ NN&PTNT, Cục Quản lý thị trường... đã chỉ rõ tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này nổi lên một số hành vi chủ yếu sau: Tình trạng sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục được phép sử dụng, chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; buôn bán hàng hoá là thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm trên các tuyến biên giới; vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không có hoá đơn, chứng từ trên các tuyến đường bộ: Quảng Ninh - Hà Nội, Lạng Sơn - Hà Nội, Hải Phòng - Hà Nội, Tây Ninh - Hồ Chí Minh... diễn ra phổ biến, hết sức phức tạp, chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để. Cá biệt là tình trạng sử dụng hàm the trong sản xuất giò chả, sử dụng phẩm màu trong chế biến nông sản, hoá chất trong tẩy trắng măng tươi, mực, nội tạng động vật, bơm tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng... diễn biến hết sức phức tạp, khó kiểm soát.

Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng ATTP tại siêu thị Big C

Thêm vào đó là tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn âm thầm được các cơ sở sản xuất, kinh doanh bất chất các quy định của pháp luật cũng như sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng tìm mọi cách trà trộn vào thị thường. Nhất là một số mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, như: bột ngọt, nước mắm, rượu bia, xúc xích... tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP, ngộ độc thực phẩm cao. Tình trạng sản xuất thực phẩm chức năng giả, không đảm bảo chất lượng, công dụng diễn biến khó lường. Cá biệt là vụ việc sử dụng than tre để sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư được cơ quan chức năng phanh phui năm 2018 trên địa bàn quận Kiến An đến nay người dân Hải Phòng cũng như cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng và phẫn nộ.

Đáng chú ý, năm 2019 dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, khó lường đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi cả nước. Lợi dụng việc khan hiếm thịt lợn, trên địa bàn cả nước tình trạng vận chuyên, kinh doanh gia súc, gia cầm (GSGC), thịt GSGC, không qua kiểm dịch thú y, không được bảo quản đúng quy chuẩn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP cao diễn ra khá phổ biến. Nguy hiểm hơn, ở một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng vận chuyển, kinh doanh thịt, nội tạng lợn nhiễm bệnh đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của đàn lợn nuôi, là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến khó lường.

Cùng với đó là thực trạng mất ATTP tại các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, nguy cơ mất ATTP cao của loại hình kinh doanh thức ăn đường phố... rất khó kiểm soát do hàng loạt các nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.

Lực lượng chức năng làm việc với đại diện doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm trên địa bàn thành phố

Kịp thời đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Trước thực trạng đó, nghiêm túc quán triệt, triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Bộ Công an; Công an các đơn vị, địa phương đã đồng loạt mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm vào các dịp lễ, tết, Tháng hành động vì ATTP. Chủ động nắm tình hình, triển khai nghiêm các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh theo chuyên đề, tập trung phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các vấn đề phức tạp, gây bức xúc về ATTP. Công tác phối hợp với các cấp, ngành trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm về ATTP được lực lượng Công an triển khai hiệu quả hơn.

Tại một số địa phương đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, lồng ghép nội dung tuyên truyền về ATTP trong các hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, xây dựng các mô hình tự quản, an toàn về ANTT, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật liên quan trực tiếp đến sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; vận động quần chúng tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

Đáng chú ý, nhờ làm tốt công tác nắm tình hình, Bộ Công an đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ, trao đổi với các bộ, ngành, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP, phòng ngừa tác động của dịch bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam. Đơn cử như vụ thịt gà Mỹ nhiễm khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn, táo Mỹ nhiễm khuẩn Listeriosis Monocytogenes và nguy cơ cảnh báo đối với Việt Nam; luật pháp, chính sách, biện pháp quản lý ATTP trên thế giới và kiến nghị của Việt Nam…

Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm trên địa bàn thành phố

Nhờ triển khai linh hoạt, đồng bộ các giải pháp trên, hơn 4 năm qua, lực lượng Công an các cấp đã phát hiện, xử lý, phối hợp xử lý trên 47 nghìn vụ việc đối với 5.017 tổ chức, 24.455 cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP; xử phạt hành chính và tịch thu hàng hoá vi phạm trị giá trên 330 tỷ đồng. Trong đó, lực lượng CAND đã trực tiếp phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 17.789 vụ, đối với 3.066 tổ chức, 12.434 cá nhân. Tổng tiền phạt vi phạm hành chính đạt gần 124 tỷ đồng, tịch thu hàng hoá vi phạm trị giá trên 30,1 tỷ đồng. Ra quyết định khởi tố 75 vụ đối với 122 bị can về các tội danh: vi phạm quy định về ATTP; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…

Ngoài ra, để đảm bảo ATTP trong CAND, ngành Công an đã triển khai các hoạt động nâng cao năng lực quản lý ATTP. Thường xuyên kiểm tra, giám sát ATTP tại các bếp ăn tập thể; đảm bảo ATTP cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế tại các sự kiện chính trị, KT-XH. Đồng thời đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cấp dưỡng, đảm bảo ATTP cho các bếp ăn tập thể.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP còn bộc lộ những hạn chế, bấp cập nhất định. Số vụ việc được phát hiện còn thấp chưa phản ánh được bức tranh toàn diện về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Số vụ bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự thấp (đạt 0,42%) nên chưa tạo được tính răn đe, phòng ngừa chung.

Để siết chặt công tác quản lý nhà nước về ATTP, ngày 13-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Công an cũng ban hành Kế hoạch số 298/KH-BCA-C05, ngày 15-7-2020.

Theo đó, Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 17; tăng cường hiệu quả công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các vụ việc, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng về ATTP theo quy định của pháp luật. Thực hiện hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình, tập trung vào các tuyến, địa bàn, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm để xác định rõ các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm. Qua đó, kịp thời đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp về ANTT. Tiếp tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP, các kế hoặch đấu tranh chuyên đề. Tăng cường phối hợp với các ngành, các lực lượng chức năng làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, Đảng, chính quyền các cấp các kế hoạch, biện pháp quản lý nhà nước về ATTP; phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân, Toà án Nhân dân các cấp khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án điểm để tạo sức răn đe, phòng ngừa…

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích