Lân la làm quen với đám sinh viên đang trọ tại một số phường trên địa bàn TP có lượng sinh viên trọ học khá đông, tôi không chỉ được nghe kể mà còn được “mục sở thị” cuộc sống sinh hoạt, học tập theo kiểu “vợ chồng” của nhiều cặp sinh viên. “Siêu - yêu - liều” là khẩu hiệu của nhiều sinh viên khi bước vào “chiến dịch” yêu. Tiếp đến là chuyện ăn chung nhà, ngủ chung phòng, khiến giới trẻ chấp nhận việc “sống thử” ngày càng phổ biến.
| |
Méo mặt vì... sống thử
Sau một thời gian làm quen, tình yêu nảy nở và bước vào giai đoạn ấm áp, mặn nồng, cảm thấy không thể sống thiếu nhau, Hoa và Tùng, cùng quê ở Hải Dương, hiện đang là sinh viên năm thứ 2, Trường đại học Hải Phòng (tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi) quyết định thuê phòng trọ và sống chung như vợ chồng tại khu Khúc Trì, phường Ngọc Sơn, Kiến An. Cũng do đời sống sinh viên và những sinh hoạt gia đình khó dung hòa, mối lo “cơm, áo, gạo, tiền” và chuyện ghen tuông vặt vãnh, giữa Hoa và Tùng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến đánh chửi nhau. Cũng vì thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, chỉ sau thời gian ngắn sống chung, Hoa đã 3 lần có thai ngoài ý muốn và phải đến bệnh viện để “giải quyết”, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng học tập.
Hạnh, quê Thái Bình, hiện đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường đại học Hải Phòng. Nhờ ngoại hình khá mắt bắt nên Hạnh được nhiều chàng sinh viên để mắt đến. Rồi Hạnh đã yêu Quang, chàng sinh viên cùng quê, đang học năm cuối Trường đại học dân lập Hải Phòng. Khi vấn đề yêu đương không thể chia sẻ hết, chàng và nàng đã chuyển từ ký túc xá ra ngoài, thuê phòng trọ để ở chung cho… tiện quan tâm đến nhau. Hậu quả của việc sống thử khiến Hạnh bị “vỡ kế hoạch” bởi cái thai trong bụng đã 6 tháng… Mặc dù chưa muốn làm bố nhưng ở cái tình thế khó xử đó, buộc Quang phải điện về thông báo gấp cho gia đình chuẩn bị làm đám cưới.
Khi nghe tin con đang học mà đòi cưới vợ, bà Hồng (mẹ Quang) phải bỏ việc đồng áng ở quê, ra Hải Phòng để xem thực hư câu chuyện. Khi bài báo này lên trang thì đôi sinh viên Quang, Hạnh đã về quê làm đám cưới và sinh con gái đầu lòng. Hạnh phải bảo lưu 1 năm học để nuôi con. Nhìn bạn bè đến giảng đường mà Hạnh thấy nuối tiếc. Nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” cho gia đình nhỏ, khiến Quang phải vừa học vừa làm, kiếm tiền trang trải việc học tập và giúp vợ lo cho đứa con nhỏ. Cuộc sống gia đình cặp sinh viên Hạnh và Quang sẽ gặp nhiều khó khăn bởi chuyện học hành vẫn còn dang dở, cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập ổn định khi ra trường vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Có nên sống thử?
Theo nhận xét của một bác sỹ thuộc Bệnh viện phụ sản Hải Phòng, tỷ lệ thanh niên quan hệ tình dục trước hôn nhân tăng nhanh trong khi kiến thức về các biện pháp tình dục an toàn, lành mạnh lại rất hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sinh viên đến các cơ sở y tế để nạo phá thai ngày càng tăng.
Tuy nhiên, khi đặt các câu hỏi về việc có nên sống thử hay không, thì chúng tôi nhận được nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau từ các bạn sinh viên. Cũng có nhiều ý kiến phản đối gay gắt và cũng không ít ý kiến ủng hộ kiểu sống thử của giới trẻ thời…@. Em Phạm Thị Hồng, sinh viên năm thứ 2 khoa Nông học, Đại học Hải Phòng cho hay: “Em không thể chấp nhận việc sinh viên sống thử, bởi mục đích của sinh viên là học tập tốt để khi ra trường có cơ hội kiếm việc làm - đó là điều quan trọng nhất. Sống thử sẽ ảnh hưởng đến danh dự của bản thân, bạn bè nhìn vào sẽ coi thường”. Hồng cũng kể ra nhiều trường hợp là sinh viên trong khu trọ đã để xảy ra hậu quả ngoài ý muốn, đáng buồn…
Còn đối với bạn Thắng, sinh viên Đại học Y Hải Phòng thì sống thử không ảnh hưởng gì nhiều đến vấn đề học tập. Trong quá trình sống thử, nếu không thấy hợp thì giải quyết rất đơn giản là chia tay, bởi cả hai chưa bị ràng buộc nhau về kinh tế cũng như con cái…
Theo thống kê mới đây của Khoa xã hội học, Trường đại học KHXH & Nhân văn Hà Nội, thì tỷ lệ những cặp sinh viên quan hệ tình dục và sống thử khi ra trường tiến đến hôn nhân rất khiêm tốn. Đa phần sinh viên đã yêu là phải “cháy” hết mình để khẳng định tình yêu bền chặt. Sống độc lập, xa gia đình, ở trong các khu trọ không có người quản lý, các quy chế quy định về việc cư trú của sinh viên chưa được các trường cao đẳng, đại học quan tâm triệt để… đó là những điều kiện thuận lợi để sinh viên sống thử. Vẫn biết rằng chuyện sống thử sẽ chẳng đi đến đâu, thế nhưng, hiện tượng này vẫn diễn ra khá phổ biến trong giới sinh viên ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.
Trên thực tế, không ít sinh viên chọn việc sống thử, chấp nhận phiêu lưu vì tình yêu, mà hậu quả chủ yếu do các bạn nữ gánh chịu như: có thai và phá thai, rồi nhiều cặp sinh viên đành phải ngậm ngùi chia tay khi nhận ra mình khó hòa hợp với nhau. Không ít nữ sinh phải bỏ học để lên xe hoa. Theo các chuyên gia tâm lý, thì sống thử trước hôn nhân, đặc biệt là ở sinh viên, đa phần thường dẫn đến tan vỡ, bởi các em chưa có khả năng tự quyết định cuộc sống của mình, chưa có công ăn việc làm ổn định.
Tình yêu và hôn nhân là hai khái niệm khác nhau. Tình yêu là thiên đường, hôn nhân không phải là màu hồng trước những lo toan đời thường, rất dễ xảy ra những va chạm và xung đột, khiến “đường ai nấy đi” là điều khó tránh khỏi… Điều quan trong người viết muốn chia sẻ với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn gái phải biết giữ mình, lựa chọn lối sống lành mạnh để học tập, đừng lấy mình ra để làm phép thử cho tình yêu, tránh những kết cục buồn như: mang thai ngoài ý muốn, bỏ học giữa chừng.
HỒNG HẢI |