Sôi động thị trường tiền lẻ

08:26 03/02/2018

Càng đến ngày tết, dịch vụ đổi tiền lẻ trên thị trường tự do lại càng sôi động bởi sau khẳng định của một đại diện Ngân hàng nhà nước về dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 này, ngành ngân hàng tiếp tục không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông khiến cho tiền lẻ lại càng khan hiếm…

Mấy ngày này, chị Nguyễn Thị Hằng, kế toán trưởng một công ty dịch vụ vận tải đang vận dụng các mối quan hệ để đổi một số mệnh giá tiền lẻ. Mấy năm trước, vào dịp tết, khi tiền mới mệnh giá nhỏ dồi dào nên ngoài đổi cho bản thân, chị còn đổi hộ cho cả người thân trong gia đình. Qua mối quan hệ làm ăn, trước tết khoảng nửa tháng, chị chỉ cần gọi điện báo cho bên ngân hàng nơi cơ quan vẫn thường giao dịch nhờ chuẩn bị sẵn cho chục triệu tiền lẻ với các mệnh giá khác nhau để mừng tuổi và đi lễ đầu năm. Tuy nhiên năm nay, chưa cần gọi điện nhờ vả thì “mối quen” bên ngân hàng đã thông báo “năm nay hạn chế lắm”.

Thấy tôi ngỏ ý nhờ đổi vài triệu tiền mệnh giá 500, 1.000, 2.000 đồng, chị Lê Thị Hoa, nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần A. cho biết, mọi năm tầm này tiền mới mệnh giá nhỏ đã về, ngoài “nội bộ” có tiêu chuẩn nhất định, ngân hàng thường ưu tiên đổi tiền cho các khách hàng VIP, khách hàng thân quen không thu phí. Tuy nhiên năm nay, do chính sách siết chặt “từ trên” nên đến giờ tiền vẫn chưa về, “phải đến từ 15 tháng Chạp trở ra mới có và mới biết chắc mỗi suất được đổi bao nhiêu. Chắc chỉ đủ cho nhà và họ hàng chứ không dồi dào để đổi hộ như trước đâu. Nếu muốn đổi nhiều thì chị phải hỏi người làm bên ngân hàng nhà nước hay kho bạc thì chắc hơn” – chị Hoa gợi ý.

Do làm ăn kinh doanh, năm nay lại là “năm tuổi” nên chị Trần Ngọc Anh, ở Tô Hiệu, có nhu cầu đổi một lượng lớn tiền lẻ để phục vụ cho việc đi lễ đầu năm. Tuy nhiên, mặc dù đã nhờ các mối quan hệ từ cách đây nửa tháng nhưng hiện giờ số tiền chị đổi vẫn không được nhiều do nguồn cung hạn chế. Bí thế, chị Ngọc Anh liền tìm đến nguồn từ thị trường tự do.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong khi tiền lẻ ở các ngân hàng chính thống có phần hạn chế thì ở thị trường tự do, nguồn tiền mới mệnh giá nhỏ tương đối dồi dào. Năm nay, do mạng xã hội ngày càng phát triển, việc đổi tiền lẻ không chỉ bó hẹp ở các đầu mối khu vực Hải Phòng mà người có nhu cầu có thể liên hệ tại nhiều tỉnh thành khác như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, thậm chí tận trong thành phố Hồ Chí Minh cũng được, miễn là khách hàng dám “đặt niềm tin” vào các đầu mối này.

Theo những lời quảng cáo được đăng đầy rẫy trên các trang web và mạng xã hội, các mệnh giá tiền lẻ đều là tiền mới nguyên cọc, nguyên seri với đủ loại với mức phí khác nhau. Tiền  1.000, 2.000, 5.000 đồng phí đổi 150.000/triệu; 10.000, 20.000 đồng phí 120.000/triệu; 50.000 đồng phí 300.000/triệu; 100.000 đồng phí 200.000/triệu... Nếu ở xa, ngoài phí đổi tiền còn tính thêm tiền ship từ 15.000-25.000 đồng tùy theo địa điểm xa gần khu vực giao tiền. Đó là mức đổi ở thời điểm này, hiện tại nhu cầu bao nhiêu đáp ứng bấy nhiêu. Tuy nhiên càng cận tết càng ít tiền mệnh giá thấp hoặc mức phí bị đẩy cao hơn nữa nên nếu có nhu cầu thì đổi ngay từ bây giờ đi – một “đại lý đổi tiền” qua facebook ráo với tôi như vậy.

Được biết, trước đây vào dịp tết, Ngân hàng nhà nước thường phát hành một lượng tiền mệnh giá nhỏ nhất định nhằm đáp ứng phong tục lì xì lấy may và đi lễ đầu năm của người dân trong dịp năm mới. Tuy nhiên vài năm gần đây nét văn hóa tốt đẹp này đang dần bị biến tướng chủ yếu phục vụ cho việc “rải tiền” lễ với hình ảnh phản cảm tại các khu vực di tích, lễ hội... những tờ tiền Việt Nam rải đầy các ban thờ, dắt vào các khe hở trên tượng Phật, cành cây hoặc rơi trên đất bị nhiều người giẫm lên. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh đồng tiền và nét đẹp văn hóa của Việt Nam từ bao đời nay. Ngoài ra việc này còn làm phát sinh thêm hoạt động kinh doanh dịch vụ đổi tiền với mức chênh lệch khá cao, làm rối thị trường tiền tệ. Vì vậy, từ năm 2013, Ngân hàng nhà nước có chủ trương hạn chế in tiền mới mệnh giá nhỏ nhằm chấn chỉnh tình trạng trên và siết chặt quản lý hoạt động này.

Ngày 27-12-2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 48/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Theo đó, Thủ tướng đã giao cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết, đảm bảo an ninh, an toàn kho quỹ. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại Điểm a Khoản 5 Điều 30 Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, thì hành vi đổi tiền không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng.

Sự siết chặt này làm cho thị trường tiền lẻ ngày càng khan hiếm. Nguồn cung kênh chính thức tại các ngân hàng bị hạn chế trong khi nhu cầu thực tế vẫn rất lớn nên mặc dù phải chịu mức phí rất cao, nhiều người vẫn chấp nhận đổi tiền trên thị trường chợ đen khiến cho hoạt động giao dịch tại đây vẫn diễn ra rất sôi nổi.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài “chợ đen”, nguồn tiền được cung theo hai luồng chính. Một là nhiều nhân viên ngân hàng khi được ưu tiên có suất đổi tiền lẻ nhưng không dùng tất cả để đổi tiền cho các khách hàng mà tuồn phần nào đó, hoặc chính những “suất” của họ ra ngoài thị trường chợ đen để ăn chênh lệch. Đây là nguồn tiền mới thực sự, nguyên se-ri, niêm phong. Nguồn thứ hai là tiền người dân đem cúng viếng chùa, đình, miếu… năm trước năm nay lại “có dịp” quay ngược ra thị trường. Nguồn tiền này độ mới chỉ được bảo đảm từ 90% trở lên.

Cơ quan chức năng đã siết chặt quản lý, pháp luật quy định việc đổi tiền lẻ có thu phí là vi phạm và có cả chế tài xử phạt nghiêm khắc nhưng trên thực tế hoạt động này vẫn diễn ra. Người có nhu cầu đổi tiền nếu không tìm được những đầu mối tin tưởng, nếu giao dịch qua mạng có thể đối mặt với nguy cơ bị lừa tiền giả, số lượng thiếu hay tiền cũ trà trộn dở khóc dở cười. Để ngăn chặn tình trạng trên, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để xử lý nghiêm những hành vi vi phạm thiết nghĩ cốt lõi vẫn là nhận thức của người dân.

Với tấm lòng của mình, khi đến các nơi thờ tự, cách văn hóa nhất là thả tiền vào hòm công đức, dù ít hay nhiều nhưng đã là tâm linh là do thành tâm, không nên so bì chuyện nhiều ít. Việc đổi tiền chẵn lấy tiền nhỏ nhằm mục đích rải khắp nơi không phải là cách thể hiện lòng thành, rải nhiều không có nghĩa lời cầu xin sẽ linh ứng hơn. Việc ứng xử văn hóa không chỉ trả lại không gian tôn nghiêm văn hóa cho những điểm đến tâm linh mà còn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí xã hội.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông