Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng

21:16 09/11/2014

 

 

Một nhà hảo tâm trao quà tặng anh chị
Một nhà hảo tâm trao quà tặng anh chị

Con người từ khi sinh ra cho đến khi trở về với cát bụi chỉ mong được mạnh khỏe, hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng có những con người, niềm vui ấy “ngắn chẳng tày gang”. Cuộc đời của họ như ngọn đèn leo lét trước gió, muốn buông tay để ra đi nhưng “gánh nặng” con cái cứ trĩu nặng đôi vai gầy. Mỗi ngày trôi qua là một ngày chiến đấu sinh tử với bệnh tật mà họ không thể buông tay.

Gia đình mang “án tử”

Căn phòng nhỏ hơn chục mét vuông trên gác 3 khu tập thể cũ kĩ (310C/108 Lê Thánh Tông, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền) vừa là chỗ ngủã, vừa là nhà bếp nên rất ngột ngạt. Nhất là trong căn phòng đó có hai người mang “án tử” là chị Nguyễn Thị Mai Lan bị ung thư vú và chồng - anh Nguyễn Việt Tùng suy thận giai đoạn cuối. Không khí trong nhà như càng trở nên nặng nề, ngột ngạt hơn. Năm 2010, bỗng nhiên anh Tùng đổ bệnh. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, trụ cột chính của gia đình thì nay, anh nằm bẹp một chỗ, không ăn nổi cơm, gia đình phải đưa đi cấp cứu liên tục.

Vượt qua nỗi đau ấy, chị Lan xác định mình sẽ là chỗ dựa của chồng, của con thì không ngờ, một năm sau, chị phát hiện mình bị ung thư. Năm 2012, chị Lan đã đi mổ và cắt khối u nhưng do không có điều kiện thuốc men thường xuyên, khi thấy đau dữ dội chị mới đi khám lại thì được biết khối u đã di căn vào xương. Hiện giờ, hàng tuần anh chị thay phiên nhau vào viện: kẻ chạy thận, người truyền hóa chất và xạ trị.

Đến với nhau chỉ có hai bàn tay trắng và nay hai người cũng vẫn trắng tay. Số vốn ít ỏi tích cóp bao nhiêu năm qua đều lần lượt “đội nón” ra đi theo những lần anh chị đi chữa bệnh. Anh Tùng làm nghề tự do còn chị Lan làm công nhân, không có chế độ trợ cấp gì, vì vậy khi đổ bệnh, vợ chồng anh chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của gia đình hai bên nội ngoại. Hiện giờ, cả gia đình 3 người lớn bé sống nhờ chủ yếu vào lương hưu của bố mẹ chị Lan.

Khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi của anh Tùng chị Lan
Khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi của anh Tùng chị Lan

Chị tâm sự: “Ban đầu khi mới phát bệnh, anh Tùng yếu lắm, mắt không nhìn thấy gì, cũng không ăn nổi cơm, chỉ nằm bẹp một chỗ. Mỗi lần đi viện, người nhà phải cõng xuống cầu thang, ngồi xe phải buộc vào người chỉ để không bị ngã. Con gái nhỏ dại phải gửi nhờ nhà bác. Thương chồng, xót con nhưng cũng chẳng thể làm gì hơn vì lúc này mình đang điều trị ở Hà Nội. Khổ nhất là bố mình, cụ già yếu gần 80 tuổi mà vẫn phải “tay xách nách mang” lên Hà Nội chăm con hàng năm trời. Nhiều lúc đau đớn không chịu được, chỉ muốn “chết quách cho xong” nhưng nghĩ đến chồng con, mình lại cắn răng chịu đựng, cố gắng được ngày nào hay ngày ấy”.

Tình yêu đẹp của đôi vợ chồng mắc bệnh nan y

Vừa tiếp chuyện chúng tôi, chị Lan vừa chờ chồng đi chạy thận về để cùng ăn cơm tối. Mặc dù bệnh tật dày vò thể xác hàng ngày nhưng tình cảm họ dành cho nhau thì không bao giờ “nhạt”. Khi kể về chuyện tình yêu của hai người, ánh mắt chị Lan ánh lên niềm hạnh phúc, sự thỏa nguyện.

Tình cờ quen nhau trong một lần giúp chị Lan sửa xe đạp bị hỏng trên đường đi làm, anh chị yêu nhau lúc nào không hay. Ban đầu, tình cảm của hai người bị gia đình chị cấm đoán vì tuổi tác chênh lệch: anh Tùng hơn chị Lan 15 tuổi, nhưng sự kiên trì, bền bỉ đã giúp họ đến với nhau. Anh Tùng chờ chị học xong đại học, năm 1994, hai người chính thức về ở chung một nhà. Căn hộ tập thể nhỏ luôn tràn ngập tình yêu thương và tiếng cười hạnh phúc. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Cuối năm 2010, anh Tùng đổ bệnh và sau đó đến chị đã khiến cuộc sống của họ đảo lộn hoàn toàn.

Chị Lan hồi mới phát hiện bị ung thư
Chị Lan hồi mới phát hiện bị ung thư

Anh chị sốc khi biết mình mang “án tử”. Cô con gái vì chuyện của bố mẹ cũng bị ảnh hưởng tâm lí, học hành sa sút một thời gian dài. Chị không dám nói với chồng về tình trạng bệnh tật của mình vì sợ anh lo lắng, bệnh lại nặng thêm, chỉ biết khóc thầm. Hồi tưởng lại lúc đầu đó, mắt chị rưng rưng: “Đã có lúc hai vợ chồng định dắt tay nhau ra cầu Bính nhưng nghĩ đến con lại chùn bước. Thực sự, mình không nghĩ rằng còn kéo dài được đến ngày hôm nay, nhưng đã sống đến đây rồi thì mình phải gắng gượng được ngày nào hay ngày đó, vì muốn được tận mắt chứng kiến con gái khôn lớn thành người”.

Những ngày anh chị mỗi người điều trị một nơi, chính những cuộc gọi, tin nhắn họ dành cho nhau và lời hỏi thăm, động viên của mọi người là liều “dopping tinh thần” quý nhất để cả hai vượt qua nỗi đau bệnh tật. Có những lần họ đã phải bò lê dưới nền nhà, gặm bánh mì qua bữa vì đau quá không thể đi chợ mua thức ăn… Tình yêu thương của đôi vợ chồng ấy khiến người ta cảm phục.

Những tấm lòng nhân ái

4 năm chiến đấu với bệnh tật là từng ấy năm anh chị nhận được nhiều tấm lòng hảo tâm cưu mang, giúp đỡ. Cho tới nay, gia đình anh Tùng chị Lan vẫn thường nhận được sự hảo tâm của mọi người. Có người trích khoản lương nho nhỏ ra giúp anh chị, người khác thì là chút tiền tiết kiệm hay đơn giản chỉ là những thứ vật dụng  thiết yếu không cần dùng đến cũng đem tặng lại gia đình cho căn hộ ấy bớt trống trải…

Một mạnh thường quân tốt bụng (chị không muốn nhắc đến tên mình) đã kết nối với mọi người để họ biết đến hoàn cảnh gia đình anh Tùng chị Lan. Chị coi gia đình chị Lan như những người thân của mình, giúp đỡ mà không hề kể công hay đòi sự biết ơn, ân huệ. Chính chị là người chủ động tìm đến mảnh đời bất hạnh ấy, lo cho anh Tùng từ BHYT, giấy chứng nhận hộ nghèo… cho tới kêu gọi, gom góp từng chút tiền nhỏ mọi người ủng hộ. Mỗi lần nhận được tiền ủng hộ từ bạn bè, người thân, chị đều nhanh chóng chuyển đến cho gia đình chị Lan.

Chị từng tâm sự với tôi: Phật đã dạy "Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa", nhưng giúp người không phải để nhận “phúc” mà hãy đến với họ bằng cả tấm lòng và nỗi thương cảm, mong xã hội vơi bớt đi những mảnh đời bất hạnh. Gia đình chị Lan, anh Tùng hiện đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Hãy cứ mang yêu thương, trao hi vọng, biết đâu điều kì tích sẽ xảy ra!

Minh Hương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông