08:31 07/08/2019 Mới đây, TAND huyện An Dương mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự đối với các bị cáo: Phạm Văn Khải, sinh 1974, ở xã Đặng Cương, huyện An Dương; Trịnh Thị Dung, sinh 1985, ở thôn Trang Quan, xã An Đồng, huyện An Dương và Nguyễn Thu Huyền, sinh 1985, ở thôn Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương.
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, vào tháng 4-2018, Cơ quan CSĐT - Công an huyện An Dương nhận được đơn tố cáo của quần chúng nhân dân về việc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Khánh (viết tắt là công ty Hoàng Khánh), trụ sở đặt tại thôn Mỹ Khanh, xã Nam Sơn, huyện An Dương, có hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.
Thông qua việc xác minh đơn tố cáo, Cơ quan CSĐT Công an huyện An Dương đã xác định được Công ty Hoàng Khánh mua hóa đơn từ Công ty TNHH đầu tư và thương mại xây dựng Trường Minh và công ty TNHH xây dựng và thương mại Trang Khanh do Phạm Văn Khải điều hành.
Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan điều tra đã triệu tập Phạm Văn Khải đến làm việc. Tại đây, Phạm Văn Khải khai nhận: từ cuối năm 2014, Khải đã thuê Nguyễn Thị Ngọc Ánh, sinh 1988, ở xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền làm thủ tục thành lập lần lượt 8 “công ty ma” do Khải là trực tiếp điều hành. Thực tế, 8 công ty này không kinh doanh bất kỳ loại hàng hóa dịch vụ gì mà chỉ thực hiện việc mua bán hóa đơn giá trị gia tăng.
Để thực hiện việc bán hóa đơn, Khải thông qua Nguyễn Thu Huyền thuê Trịnh Thị Dung làm kế toán cho các công ty trên với mức lương khởi điểm là 3 triệu đồng/tháng, sau đó sẽ tăng dần theo thời gian. Tính đến thời điểm bị bắt, tổng số tiền Dung được trả lương là 145 triệu đồng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là với năng lực chuyên môn của mình, Dung nhận thức rõ hoạt động của 8 công ty trên là vi phạm pháp luật nhưng vẫn tiếp tay cho Khải.
Về phương thức hoạt động của các công ty thì Khải là người trực tiếp giao dịch, thống nhất về giá cả, số tiền và mặt hàng viết trên hóa đơn với khách hàng.
Sau đó, khách hàng liên lạc với Dung để viết hóa đơn theo nội dung đã được thống nhất từ trước. Dung ký vào mục “Người bán hàng” và mục “Thủ trưởng đơn vị”, sau đó đóng dấu tròn công ty , dấu chức danh giám đốc. Nhiệm vụ của Dung tại các công ty là viết hóa đơn giao dịch ngân hàng, soạn thảo hợp đồng, khai báo thuế.
Khải khai nhận từ khi thành lập các công ty đến nay, Khải đã bán khống 3.319 hóa đơn, thu được số tiền trên 5 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT Công an huyện An Dương đã thu giữ các hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo Phạm Văn Khải, Thịnh Thị Dung và Nguyễn Thu Huyền đều thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình.
Căn cứ vào các tình tiết và lý lẽ nêu trên, HĐXX thấy các bị cáo Phạm Văn Khải, Trịnh Thị Dung và Nguyễn Thu Huyền đều có nhân thân tốt, các bị cáo đều chưa có tiền án, tiền sự; có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Mặt khác, hành vi vi phạm của các bị cáo thuộc loại tội phạm vi phạm trật tự quản lý kinh tế, mục đích phạm tội của các bị cáo là hướng tới kinh tế, là lợi nhuận nên việc thu hồi cho ngân sách nhà nước những thiệt hại tổn thất về kinh tế do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra là yếu tố cần thiết nhất đối với loại tội phạm này.
Trong vụ án này, các bị cáo đã kịp thời khắc phục thiệt hại. Các bị cáo Trịnh Thị Dung và Nguyễn Thu Huyền đã nộp lại đầy đủ số tiền thu lợi bất chính; bị cáo Phạm Văn Khải đã nộp phần lớn số tiền thu lợi bất chính nên có thể áp dụng hình phạt tiền đối với các bị cáo mà không cần thiết phải cách ly các bị cáo khỏi đời sống xã hội cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm.
Do đó HĐXX xử phạt: tuyên phạt Phạm Văn Khải 400 triệu đồng về tội Mua bán trái phép hóa đơn; Trịnh Thị Dung 250 triệu đồng về tội Mua bán trái phép hóa đơn và Nguyễn Thu Hiền 200 triệu đồng về tội Mua bán trái phép hóa đơn để sung công quỹ Nhà nước.
TB
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão