Sức sống nghị quyết 35 của Quốc hội tại Hải Phòng và vai trò của các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương (Bài 1)

21:56 29/04/2023

Ngày 13-11-2021, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15 thông qua Nghị quyết số 35 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố Hải Phòng, là cơ sở để Hải Phòng tiếp tục bứt phá phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Hơn 1 năm qua, nghị quyết 35 của Quốc hội đã được chuyển hóa vào đời sống kinh tế xã hội của thành phố, đạt kết quả bước đầu, góp phần tháo gỡ một số điểm nghẽn, tăng tính chủ động giải quyết nhiều công việc cấp bách của địa phương.

Bài 1:

                                                     Hiện thực hóa nghị quyết

          Tuy là cơ chế chính sách đặc thù nhưng để nghị quyết 35 của Quốc hội đi vào cuộc sống không chỉ cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương mà còn đòi hỏi tính chủ động, dám nghĩ, dám làm và cả nguồn lực thực tế của Hải Phòng. Thật đáng mừng khi một số nội dung của nghị quyết đã được hiện thực hóa, thể hiện rõ tính hiệu lực, hiệu quả.

                                                  Tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển

           Năm 2021, tại  khu vực Hải Phòng, Cục Hải quan Hải Phòng thu thuế xuất nhập khẩu đạt  57.861 tỷ đồng, bằng 116,9% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (49.500 tỷ đồng), 110,2% so với chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao (50.800 tỷ đồng),  109,2% chỉ tiêu HĐND thành phố giao phấn đấu (53.000 tỷ đồng). Như vậy, tính riêng tại khu vực Hải Phòng, số tăng thu ngân sách lên tới  10.136 tỷ đồng (tương ứng 21,2%) so với năm 2020 (47.725 tỷ đồng), còn so với chỉ tiêu pháp lệnh thì tăng hơn 8000 tỷ đồng.

      Đây là con số rất ý nghĩa với Hải Phòng bởi theo cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù dành cho Hải Phòng đã được Quốc hội thông qua (nghị quyết 35), với mức vượt thu thuế xuất nhập khẩu, Hải Phòng sẽ được thưởng với tỷ lệ không quá 70%. Với kết quả này, Hải Phòng  được tăng thêm nguồn lực chi cho đầu tư phát triển.

          Như vậy, ngay trong năm đầu tiên nghị quyết 35 đi vào cuộc sống, Hải Phòng đã gặt hái được những trái ngọt. Nhờ xuất sắc thu vượt kế hoạch năm 2021 về thuế xuất nhập khẩu, năm 2022, Hải Phòng đã được Trung ương thưởng vượt thu 1785 tỷ đồng.  Đây là nguồn lực vô cùng quý giá và cũng là niềm tự hào của Hải Phòng Nhằm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn ý nghĩa này, kỳ họp thứ 8 chuyên đề HĐND thành phố khóa 16  đã ban hành nghị quyết phân bổ nguồn thưởng vượt thu này. Trong đó, thành phố ưu tiên dành phần lớn cho đầu tư phát triển và dành một phần để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi.

                           

Cục Hải quan Hải Phòng nỗ lực thu thuế xuất nhập khẩu, từ đó Hải Phòng được thưởng vượt thu hàng nghìn tỷ đồng theo tinh thần nghị quyết 35 của Quốc hội

          Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong số 1785 tỷ đồng có 285 tỷ đồng là thưởng vượt thu cho thành phố Hải Phòng. Còn lại 1500 tỷ đồng là đầu tư trở lại cho Hải Phòng. Từ đó, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đề xuất dành toàn bộ 285 tỷ đồng bổ sung có mục tiêu cho các địa phương. Lãnh đạo các quận, huyện cho biết, nguồn vốn này rất quý giá và được tập trung cho các dự án trọng điểm của địa phương để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng.  

      Cụ thể, huyện Vĩnh Bảo được bổ sung có mục tiêu trong giai đoạn 2021- 2025 là 135 tỷ đồng (trong đó bổ sung 100 tỷ đồng thực hiện dự án xây dựng cầu Lôi Đông, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo có tổng mức đầu tư 151 tỷ đồng; 35 tỷ đồng cho dự án lớp học, chức năng và các công trình phụ trợ trường THPT Vĩnh Bảo). Quận Hồng Bàng được bổ sung 105 tỷ đồng để thực hiện dự án trường THPT Hồng Bàng. Cùng với đó, thành phố cũng dành 10 tỷ đồng thưởng cho huyện Cát Hải là địa phương đầu tiên và duy nhất của thành phố hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đúng tiến độ.

                           

Từ nguồn thưởng vượt thu theo NQ 35, Hải Phòng dành phần lớn cho đầu tư phát triển. Ảnh: Trường THPT Hồng Bàng đang được đầu tư xây dựng khẩn trương từ nguồn lực này

        Ngoài ra, số vốn còn lại từ nguồn thưởng vượt thu được bổ sung vào tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn của thành phố để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Có thể kể tới một số dự án như bổ sung cho dự án thành phần xây dựng các công trình kỹ thuật phục vụ di chuyển các đơn vị Hải quân để đẩy nhanh tiến độ GPMB, hỗ trợ Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam chuẩn bị khởi công dự án xây dựng nhà ga T2 Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư tại các kỳ họp thứ 6 và thứ 7 HĐND thành phố khóa 16 thuộc các quận Đồ Sơn, Dương Kinh, Kiến An; các khu tái định cư tại huyện Tiên Lãng và quận Ngô Quyền; các dự án nâng cấp các trạm y tế; dự án nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025…

          Đáng chú ý, ngoài dành cho chi đầu tư phát triển, HĐND thành phố đã quyết định dành 43 tỷ đồng từ nguồn thưởng vượt thu để bổ sung nguồn vốn ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố để cho vay giải quyết việc làm theo nghị quyết số 11 ngày 30-1-2022 của Chính phủ.

         Như vậy, nguồn vốn 1785 tỷ đồng từ thưởng vượt thu đã được thành phố Hải Phòng phân bổ đúng mục đích, yêu cầu, góp phần quan trọng thực hiện các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn và bảo đảm an sinh xã hội; khích lệ, động viên các địa phương có mức tăng thu ngân sách hàng năm đạt mức cao. Nghị quyết 35 của Quốc hội cho cơ chế, thành phố nỗ lực, cố gắng thu ngân sách đã biến thành nguồn lực cụ thể, chuyển hóa vào các công trình dự án và cuộc sống người dân, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, khát vọng phát triển bứt phá của Hải Phòng.

                            

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực Hải Phòng

        Tin vui nữa là năm 2022, Cục Hải quan Hải Phòng thu thuế  xuất nhập khẩu tại địa bàn Hải Phòng đạt 68.300 tỷ đồng, vượt thu hơn 12.373 tỷ đồng, đạt hơn 122% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao(55.930 tỷ đồng). Đây là cơ sở quan trọng và chắc chắn năm nay, Hải Phòng tiếp tục được thưởng vượt thu hàng nghìn tỷ đồng nữa theo tinh thần nghị quyết 35 của Quốc hội, một nguồn lực quý giá để thành phố chi cho đầu tư phát triển và một số công việc cấp bách, cần thiết khác.

           Cũng từ nghị quyết 35, Hải Phòng đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc để huy động nguồn lực từ đất đai phục vụ phát triển. Cụ thể, theo nghị quyết 35, HĐND thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định (trước đây thuộc thẩm quyền của Chính phủ). Đây là cơ chế rất quan trọng, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương. Từ đây, nguồn lực đất đai được huy động kịp thời, nhiều dự án đã được rút ngắn các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

                                                           Niềm vui tăng thu nhập của CBCC, viên chức

        Đầu năm  2023, anh Nguyễn Hồng Long, viên chức thuộc khối Đảng, đoàn thể của thành phố được lĩnh hơn 16 triệu đồng từ khoản thu nhập tăng thêm năm 2022 theo nghị quyết 35 của Quốc hội. Đây là niềm vui lớn không chỉ với anh Long mà với toàn thể CBCC, viên chức thành phố, nhất là khi khoản thu nhập này được chuyển vào tài khoản ngay trước Tết Nguyên đán Quý Mão, góp phần giải quyết nhiều vấn đề chi tiêu trong gia đình.

           Có được niềm vui này là nhờ tại tại kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa 16 thông qua đề án và ban hành nghị quyết về “Mức chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý”. Đây là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 35 của Quốc hội. Nhưng quan trọng hơn, đây là yêu cầu tất yếu của Hải Phòng trong giai đoạn phát triển mới, được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC) đặc biệt quan tâm.

                            

Chi thu nhập bình quân tăng thêm tạo động lực để CBCC-VC Hải Phòng yên tâm thực hiện nhiệm vụ, nỗ lực phấn đấu, cống hiến vì sự phát triển của thành phố

          Theo Sở Nội vụ, hiện tổng số CBCC-VC trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể của thành phố là 40.098 người. Những năm qua, biên chế CC-VC giảm nhưng khối lượng và áp lực công việc lại tăng lên rất nhiều do tốc độ phát triển nhanh chóng của KTXH Hải Phòng. Trong khi đó, mức lương bình quân của CBCC-VC thành phố nhìn chung còn thấp do mức lương cơ bản được điều chỉnh tăng hàng năm chủ yếu chỉ để bù trượt giá, không đủ trang trải cho chi phí cuộc sống khá cao tại đô thị lớn thứ 3 cả nước.

          Hơn nữa, mức thu nhập hiện nay của CBCC-VC Hải Phòng được áp dụng chung trên cả nước theo quy định của Trung ương, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng của Hải Phòng nên chưa có tác dụng khuyến khích CBCC-VC, khó thu hút được nhân tài vào làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý.

           Theo thống kê sơ bộ, mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ của CBCC-VC khối Đảng, đoàn thể thành phố mới đạt khoảng 65,3 triệu đồng/người/năm; các khoản phụ cấp theo lương khoảng 44,9 triệu đồng/người/năm. Như vậy, tính bình quân mức thu nhập hàng tháng mới đạt hơn 9 triệu đồng. Đối với CBCC-VC khối chính quyền, cộng cả ương và phụ cấp mới đạt 83 triệu đồng/năm, bình quân tháng chỉ khoảng gần 7 triệu đồng.

          Bởi vậy, không phải bây giờ mà từ rất lâu, Hải Phòng đã mong muốn có được cơ chế chính sách phù hợp để chi thu nhập tăng thêm cho CBCC-VC nhằm khuyến khích, động viên người lao động, thôi thúc họ nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố và nghị quyết 35 thực sự là một cú hích quan trọng.

                       

Chi thu nhập bình quân tăng thêm tạo động lực để CBCC-VC Hải Phòng yên tâm thực hiện nhiệm vụ, nỗ lực phấn đấu, cống hiến vì sự phát triển của thành phố

          Trên cơ sở quy định của nghị quyết 35 và học tập kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng  thực hiện chi trả thu nhập bình quân tăng thêm cho CBCC-VC trên cơ sở đánh giá hiệu quả công việc nhằm động viên, khuyến khích, tạo động lực lao động.

          Theo đó, CBCC-VC nếu được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên sẽ được chi thu nhập tăng thêm. Ngược lại, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì không được nhận khoản thu nhập này. Cụ thể,  năm 2022, nhóm CBCC-VC hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên được hưởng 0,6 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ; hoàn thành nhiệm vụ là 0,4 lần. Năm 2023 mức chi tương ứng là 0,7 lần và 0,5 lần. Từ năm 2024-2026 là 0,8 lần và 0,6 lần.

          Theo đó, năm 2022, thành phố đã dành khoảng hơn 1000 tỷ đồng chi thu nhập bình quân tăng thêm cho CBCC-VC. Tại kỳ họp thứ 10 (chuyên đề) tổ chức ngày 18-4-2023, HĐND thành phố khóa 16 đã nhất trí thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 05 ngày 20-7-2022 của HĐND thành phố về mức chi thu nhập bình quân tăng thêm cho CBCC- VC làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền do thành phố quản lý. Theo đó, bổ sung thời hạn áp dụng từ ngày 1-1-2022 và mở rộng diện đối tượng được hưởng nghị quyết này, bảo đảm tính bao quát và tổng thể. Với quyết định này, dự kiến năm 2023, ngân sách sẽ dành khoảng hơn 1200 tỷ đồng; các năm tiếp theo khoảng 1400- 1500 tỷ đồng, tổng 5 năm là hơn 6700 tỷ đồng, một con số vô cùng ý nghĩa đối với đội ngũ CBCC-VC của thành phố./.

          (Còn tiếp)

                                                                                                                                                    Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông