Sức sống nghị quyết 35 của Quốc hội tại Hải Phòng và vai trò của các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương (Bài 2)

21:56 29/04/2023

Bài 2: Tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách phù hợp với các địa phương trọng điểm Nghị quyết 35 của Quốc hội dành cho Hải Phòng đã thể hiện được tính hiệu quả, rõ cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, thực tế thực hiện NQ 35 tại Hải Phòng cũng như các nghị quyết về cơ chế đặc thù dành cho các địa phương khác cũng đang đặt ra một số vấn đề mới cần quan tâm. Trong đó, vấn đề quan trọng là các địa phương trọng điểm; các vùng, miền cần được tiếp tục tháo gỡ khó khăn để phát huy tốt nhất các cơ chế chính sách đặc thù và được ban hành thêm các cơ chế chính sách khác nhằm khai thác các lợi thế, biến thành nguồn lực phát triển.

                                                                               Một số nội dung chưa triển khai

          Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long, đây là lần đầu tiên thành phố được  ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.  Nghị quyết đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trao thêm quyền chủ động cho thành phố trong các lĩnh vực rất quan trọng, cốt lõi  như tài chính - ngân sách; quản lý đất đai , quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức...,  tạo thêm động lực, nguồn lực để Hải Phòng phát triển nhanh, đột phá.

          Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa được triển khai. Cụ thể, NQ 35 phân cấp cho UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quyết định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.quy hoạch. Tuy nhiên, nội dung này còn phải phụ thuộc vào Điều chỉnh Quy hoạch chung phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-3-2023) nên thời gian tới mới triển khai quyết liệt và hiệu quả hơn.

                    

Thực hiện NQ 35 của Quốc hội, Hải Phòng được trao nhiều quyền chủ động trong công tác quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các khu công nghiệp. Ảnh: Khu công nghiệp nam Đình Vũ (ảnh: Thanh Hiệp)

        Cũng như vậy, việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí được phân cấp cho HĐND thành phố quyết định cũng chưa được triển khai do tác động của đại dịch COVID-19 nên cũng làm hạn chế một phần hiệu quả về huy động nguồn lực bởi nếu thực hiện được, ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí.  

      Ngoài ra, cơ chế thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp khi thực hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là đến nay thành phố cũng chưa phát hành trái phiếu chính quyền địa phương do lãi suất đang ở mức cao mặc dù đã xây dựng đề án.

        Trên thực tế, NQ 35 của Quốc hội có thời hạn thi hành trong 5 năm nên rất cần các nội dung của nghị quyết phải sớm được thực thi mới mang lại hiệu quả cao nhất. Do đó, đối với các nội dung chưa thực hiện cần được tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nhanh chóng chuyển hóa vào thực tế đời sống kinh tế xã hội.

          Điều mà thành phố băn khoăn, lo lắng là NQ 35 ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhưng cơ chế ấy không tự nhiên sinh ra nguồn lực, không phải là cơ chế xin-cho, được Trung ương cho tiền mà chính thành phố phải năng động, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo ra nguồn lực để được áp dụng cơ chế. Đơn cử, với chính sách thưởng vượt thu, nếu số thu thuế xuất nhập khẩu không tăng cao, không vượt thu so với dự toán thì Hải Phòng cũng không được hưởng chính sách này.

         

Cảng Hải Phòng

          Cũng như vậy, cơ chế chi bình quân thu nhập tăng thêm chỉ được thực hiện sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền. Khi đó,  HĐND thành phố mới được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.

          Do đó, có thể thấy, NQ 35 mở ra nhiều cơ hội nhưng đi kèm với đó là tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phải năng động, sáng tạo mới bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.

                              Tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp

     Tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hầu hết đều nhất trí cao với chủ trương Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương trọng điểm. Đại biểu  Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã từng ví: 63 tỉnh, thành trong cả nước chính là 63 người con với những năng lực, tiềm năng, lợi thế khác nhau. Trừ Luật Thủ đô với những cơ chế riêng cho Thủ đô Hà Nội thì 62 tỉnh, thành phố còn lại đều chung một nền tảng pháp lý. Nếu không tạo hành lang riêng cho mỗi địa phương thì khó có thể kích hoạt được lợi thế, tiềm năng của từng tỉnh, thành. Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, vì nền tảng pháp lý chưa có nên cần phải thí điểm mô hình để từ đó phân loại các địa phương và cá biệt hóa chính sách cho từng nhóm.

           Đến nay,  cùng với Hải Phòng, Quốc hội đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù dành cho nhiều địa phương trọng điểm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên- Huế; Khánh Hòa; thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc- Lắc); Cần Thơ… Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, những nhóm chính sách, cơ chế dành cho các  tỉnh, thành phố này là những chính sách bảo đảm được tính đặc thù dựa trên những đề xuất, phân tích, nghiên cứu kỹ của các địa phương. Đây là những cơ hội đột phá phát triển tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo sức lan tỏa, sức kéo trong từng khu vực.  

           Như vậy, về cơ bản, Quốc hội đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương tại các vùng kinh tế động lực, trọng điểm. Ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thí điểm như thế là đã gần đủ và đề xuất Quốc hội nghiên cứu ban hành Nghị quyết và cơ chế đặc thù của từng vùng. Ở khía cạnh khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: để các chính sách có hiệu quả rõ ràng hơn, Quốc hội cần có thêm quy định về trách nhiệm người đứng đầu. Việc trao cơ chế đặc thù không chỉ giúp khơi thông nguồn lực cho địa phương, mà còn là thách thức đối với những người đứng đầu có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

          Riêng đối với thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24-11-2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết có thời hạn 5 năm kể từ ngày 15-1-2018. Sau 5 năm, thành phố Hồ Chí Minh đạt được một số kết quả nhưng cũng còn nhiều việc dang dở, chưa thật sự phát huy được cơ chế đặc thù. Hơn nữa, một số chính sách được cho là đặc thù, được phân cấp cho thành phố nhưng khi thực hiện vẫn phải xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương hoặc vướng các quy định của pháp luật, thẩm quyền còn “lửng lơ” nên rất khó thực hiện.

        Vì vậy, trước yêu cầu thực tế, Quốc hội đồng ý kéo dài thực hiện NQ 54 thêm 1 năm. Đồng thời, Bộ Chính trị chỉ đạo, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về xây dựng nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp Quốc hội.

       Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu để địa phương này tiếp tục  là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

          Như vậy, từ các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương, sau một thời gian thực hiện đã có những đánh giá, rút kinh nghiệm, thậm chí ban hành một nghị quyết mới  như thành phố Hồ Chí Minh.

                      

Với lợi thế về biển và Cảng biển, Hải Phòng cần có thêm các cơ chế chính sách đặc thù phát huy tiềm năng này. Ảnh: Cảng nam Đình Vũ (ảnh: Thanh Hiệp)

           Nói về ban hành NQ 35 cho Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: việc Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố  Hải Phòng cùng với Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế tại kỳ họp họp thứ 2 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị vì mục tiêu phát triển không chỉ riêng các địa phương mà còn vì mục tiêu chung  phát triển vùng và của quốc gia. Kết quả thí điểm hiệu quả thì sẽ tổng kết, đánh giá và đưa trở thành cơ chế, chính sách chung cho cả nước và từ đó tiếp tục phát triển lên chuẩn cao hơn nữa.

       Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là: với những địa phương có tiềm năng, có khả năng phát triển trở thành đầu tàu, động lực thì có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển, đồng thời tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khác, cho cả nước.

       Thành phố Hải Phòng nằm trong tam giác phát triển của phía Bắc, một trong những cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, đã có những bứt phá mạnh mẽ trong thời gian gần đây cả về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới… Nhu cầu phát triển của Hải Phòng rất lớn. Tầm nhìn của Hải Phòng đến năm 2045 không chỉ là cực tăng trưởng nữa mà trở thành động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước; phấn đấu là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành thành phố tầm cỡ trong khu vực châu Á và thế giới. Do đó, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng là yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, không chỉ vì Hải Phòng mà vì cả vùng, cả nước.

          Trên thực tế, NQ 35 của Quốc hội đã và đang thể hiện rõ vai trò đối với sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, với đặc thù thành phố Cảng biển lớn nhất phía Bắc, với lợi thế về kinh tế biển, Hải Phòng cần có thêm các cơ chế, chính sách để khai thác tiềm năng đặc biệt này.

       Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để tạo điều kiện cho Hải Phòng,  Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục quan tâm đôn đốc, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương quan tâm phối hợp với thành phố Hải Phòng để triển khai thực hiện Nghị quyết 35, nhất là nghiên cứu, rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại của các địa phương được thí điểm thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) để quá trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tại Hải Phòng và các địa phương khác hiệu quả hơn, tốt hơn.

        Đồng thời tiếp tục quan tâm, yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Trung ương phối hợp với thành phố Hải Phòng sớm nghiên cứu, triển khai xây dựng Đề án thành lập Khu Thương mại tự do để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đây cũng chính là mong muốn, là cơ chế, chính sách đặc thù nhất, có thể đưa Hải Phòng phát triển nhanh và bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, xứng đáng với vai trò động lực phát triển của cả vùng và cả nước./.

                                                                                                                                                   Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông