15:00 06/01/2020 Đã qua rồi thời kỳ kiếm tiền từ du lịch theo kiểu “ăn sẵn”, bào mòn từ “vốn tự có” của thiên nhiên. Giờ đây, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch đang hướng tới phát triển du lịch bền vững, lấy “thiên nhiên” làm gốc, tái tạo và bảo vệ môi trường thiên nhiên để từ đó tăng hiệu quả cho du lịch.
Câu chuyện của những khu rừng được hồi sinh nhờ du lịch
Từng là điểm nóng về chặt phá rừng với quy mô lớn, song trong thời gian gần đây, công tác bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn đã có những chuyển biến tích cực mà một phần là nhờ vào việc phát triển du lịch sinh thái. Với diện tích trên 10 nghìn ha trong đó có gần 8 nghìn ha là rừng với nhiều loại gỗ quý hiếm, Vườn quốc gia Ba Bể từng là mục tiêu của lâm tặc cũng như việc chặt phá rừng trái phép của những cư dân nghèo vùng lõi. Tuy nhiên, khi chính quyền giao khoán bảo vệ rừng, giúp người dân nâng cao mức sống qua việc làm du lịch thì tình trạng chặt phá rừng trái phép ở đây đã hạn chế rất nhiều. Người dân thay vì chặt gỗ đem bán đã dần thay đổi nhận thức, cố gắng giữ gìn cảnh quan hoang sơ, thơ mộng của rừng để phục vụ du lịch.
Cũng nhờ dự án phát triển du lịch cộng đồng mà vài năm trở lại đây bản Hang, xã Phú Lệ đã trở thành điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch sinh thái Việt Nam. Một trong những đóng góp quan trọng nhất của việc phát triển du lịch tại đây chính là việc bà con đã chú trọng hơn trong công tác bảo vệ rừng. Trước đây, tình trạng người dân vào rừng săn bắn, đốt than và chặt cây diễn ra thường xuyên nhưng đến nay đã không còn tình trạng này nữa, bởi giờ đây rừng chính là “cần câu cơm” của tất cả người dân trong bản. Hiện tại, độ che phủ rừng ở bản Hang lên đến 95% - một con số đáng tự hào.
Đó mới chỉ là những tín hiệu đáng mừng từ những hoạt động du lịch mang tính tự phát, chưa có quy hoạch và quản lý cụ thể. Còn với những khu du lịch được quy hoạch bài bản và quản lý chuyên nghiệp như Sun World Ba Na Hills hay Sun World Fansipan Legend của tập đoàn Sun Group thì phát triển du lịch bền vững có thể được xem như một lời giải mới cho bài toán bảo vệ rừng.
Bảo tồn thiên nhiên bằng phát triển du lịch bền vững
Theo công bố của Đà Nẵng về chất lượng rừng khu bảo tồn Bà Nà - Núi Chúa, diện tích rừng giàu ngày càng tăng lên, từ hơn 8.000 ha năm 2008 lên hơn 17.000 ha năm 2017. Kể từ khi Sun World Ba Na Hills đi vào hoạt động, vấn nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép hay xử lý cháy rừng cũng được giải quyết đáng kể.
Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Lào Cai - một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng, được các nhà khoa học đánh giá là là một trong những trung tâm đa dạng sinh vật vào bậc nhất của Việt Nam. Không chỉ bảo tồn nguyên vẹn 21.000 ha rừng đặc dụng thuộc địa bàn Sa Pa, Lào Cai, việc khu du lịch Sun World Fansipan Legend đi vào hoạt động đã góp phần đáng kể trong việc bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng cũng như phát hiện và xử lý vấn nạn khai thác rừng trái phép tại nơi sở hữu thiên nhiên hùng vĩ bậc nhất Việt Nam này.
Lướt đi trên cáp treo Fansipan giữa mây ngàn, gió núi để ngắm nhìn một Hoàng Liên Sơn đẹp mê mải, ít ai biết rằng, 5 trụ cáp treo của tuyến cáp ba dây đạt 2 kỷ lục thế giới này cũng đồng thời là những “chòi canh lửa”. Từ đó, những dấu hiệu cháy rừng được khu du lịch phát hiện và phối hợp với Vườn quốc gia xử lý kịp thời nhất, giữ bình yên cho những cánh rừng Hoàng Liên xanh ngút ngàn.
Không chỉ là sản phẩm du lịch độc đáo của Sa Pa, tuyến cáp treo chính là phương tiện di chuyển đắc lực cho việc ứng phó, xử lý các tình huống chữa cháy rừng trên địa bàn rừng Vườn quốc gia Hoàng Liên. Khu du lịch cũng thành lập tổ xung kích bảo vệ rừng và phối hợp cùng ban quản lý Vườn quốc gia tổ chức diễn tập PCCC rừng, nâng cao ý thức về công tác PCCC rừng, tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống một cách hiệu quả, kịp thời, đảm bảo an toàn cho rừng.
Và câu chuyện của những chàng “tarzan” đu dây nhặt rác trên những triền núi Hoàng Liên đã trở thành “đặc sản” mà du khách và người dân trìu mến nhắc tới khi đến Sa Pa. Đã nhiều năm nay, đội kỹ sư bảo trì cáp treo Fansipan cần mẫn làm “nhiệm vụ đặc biệt” là thu gom rác thải tại rừng Hoàng Liên. Chỉ với sợi dây bảo hiểm, các chàng “tarzan” tinh nhuệ đu mình theo vách đá, lần theo từng bụi cây để nhặt nhạnh, thu gom từng vỏ lon, chai nhựa, áo mưa, rác vương trên các ngọn cây, trả lại môi trường trong sạch cho đỉnh Fansipan.
Việc phát triển du lịch bền vững không chỉ đem đến cơ hội phát triển mới cho địa phương như ông Nguyễn Hữu Hạnh - giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên chia sẻ:“các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn huyện Sa Pa nói chung và Sun Group nói riêng đã tạo hàng nghìn việc làm cho người dân bản địa, tăng thu nhập và ổn định đời sống các gia đình dân tộc thiểu số” mà còn “góp phần quan trọng giảm áp lực của người dân đối với rừng”, và đó là lời giải thuyết phục cho việc phát triển song hành với bảo tồn tài nguyên.
Hơn ai hết, những người làm du lịch đang hiểu rất rõ điều này và ngày càng nhiều doanh nghiệp như Sun Group đang tiên phong trong xu hướng phát triển du lịch bền vững, kinh doanh du lịch có trách nhiệm qua việc gìn giữ, bảo vệ và cải tạo môi trường thiên nhiên. Đó là lối đi đúng đắn, để khai mở những tiềm năng du lịch ở những miền đất, cải thiện đời sống người dân, và trên hết, biến những vùng đất trù phú tài nguyên trở thành những ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch thế giới trong tương lai không xa.
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão