23:15 03/02/2021 Những bát, đĩa, lọ, hộp, âu, liễn… thuộc các dòng gốm men trắng, men nâu, hoa nâu, hoa lam độc đáo. Những đồ sứ, đồ đồng quý hiếm, có từ bao đời nay nhưng thân thuộc, gần gũi đến lạ kỳ. Bởi ở đó, có dáng hình quê hương, đất nước, là kết tinh trí tuệ, sáng tạo của ông cha. Đó là những gì mà người thưởng lãm cảm nhận được về bộ Sưu tập cổ vật An Biên.
Sưu tập cổ vật An Biên là một bộ sưu tập lớn, đầy đủ, phong phú loại hình, đa dạng chất liệu
Sưu tập cổ vật An Biên thuộc sở hữu của Nhà sưu tập Trần Đình Thăng đã được ban chuyên môn của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam giám định với đủ loại hình, chất liệu, niên đại mang đậm phong cách dấu ấn đặc trưng mỗi giai tầng xã hội sử dụng trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, kiến trúc, xây dựng.
Trong Bộ sưu tập cổ vật An Biên của còn có nhiều đồ quý hiếm
Bộ sưu tập có 370 hiện vật. Trong đó có 234 hiện vật có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, là đồ gốm men, sành và đồ đồng, có niên đại được xác định từ thế kỷ 1-3 sau Công nguyên đến thế kỷ 9-10.
Nhóm này gồm những đồ đồng như trống chậu, lư, đỉnh, bát, đĩa…có hoa văn Đông Sơn; đồ gốm, đất nung như mô hình nhà, bình trang trí văn cánh sen…
Đồ gốm men thời Lý, Trần, Lê, Mạc với nhiều loại hình bát, đĩa, lọ, hộp, âu, liễn… thuộc các dòng men trắng, men nâu, hoa nâu, hoa lam độc đáo. Nhiều hiện vật thuộc dòng gốm hoa lam, có nguồn gốc tìm được từ tàu cổ Cù Lao Chàm.
Đặc biệt, trong đó có lư hương, chân đèn gốm men lam xám có minh văn cho biết tác giả tạo tác là Đặng Huyền Thông ở xã Hùng Thắng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Trên cơ sở nhóm hiện vật này có thể thấy đặc trưng đại diện cho lịch sử gốm cổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ sưu tập Cổ vật An Biên có 134 hiện vật có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc, gồm các loại chất liệu gốm sứ và đồng có niên đại của nhiều thời kỳ từ thời Chiến quốc-Đông Hán cho đến Tống-Nguyên-Minh-Thanh.
Trong nhóm hiện vật này đáng chú ý các loại hình bát đĩa, lọ, hộp… gốm sứ men ngọc (Celadon), men trắng, hoa lam, men nhiều màu. Đặc biệt có loại bát sứ hoa lam vẽ hoa dây về đề tài liên-áp, đặc trưng thời Nguyên, rất hiếm quý. Hay chiếc bình men lam sẫm vẽ trang trí vàng kim thời Minh.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân chia sẻ: Qua bộ Sưu tập cổ vật An Biên, ông cảm nhận được sự đam mê cháy bỏng của Trần Đình Thăng đối với cổ vật với sự dày công trong nhiều năm trời. Từ những đồ đồng, đồ gốm, đồ sứ… của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam và Trung Hoa với đủ các loại hình, từ bát, đĩa, âu, ang, ấm, liễn… là những vật dụng thường ngày, đến những chân đèn, lư hương, cốc trầm thuộc đồ dùng tôn giáo tín ngưỡng, đều được anh trân trọng, lưu giữ như những báu vật của tiền nhân. Ở đó, anh nghe được từng hơi thở của người xưa, anh nhìn thấy từng dấu ấn của người thợ thủ công lưu lại, với bao nỗi niềm khắc khoải, hồi tưởng về một thời dĩ vãng, được biết qua sử sách, nay biểu hiện trước mắt. Anh yêu gốm thời Lê đến cuồng nhiệt vì thấy ở đó sự kết tinh trí tuệ, sáng tạo của cha ông, là hình ảnh quê hương, đất nước, là chân dung những con người cách ngày nay nửa thiên niên kỷ… Qua đó, tạo nên sắc thái riêng, không thể trộn lẫn với bất cứ một quốc gia gốm sứ đương thời nào.
Trong Bộ sưu tập cổ vật An Biên của Trần Đình Thăng còn có những đồ quý hiếm. Đó là 10 bức tượng Phật cổ có trên 500 năm, đến nay vẫn còn mùi thơm của gỗ hoàng đàn.
Đó là đôi liễn trắng, vai đắp nổi cành sen, thân bổ núi, niên đại thời Lý. Ở đó còn có những chiếc bát men trắng văn in, vốn được các nhà nghiên cứu coi là gốm “lò quan” thời Lê sơ, là đồ dùng Hoàng gia, thuộc đẳng cấp thứ hai trong bốn thứ hạng của gốm trắng văn in đương thời phục vụ cho Cung đình, Hoàng tộc.
Trong bộ sưu tập còn có chiếc lư hương hoa lam có niên đại thời Mạc, thế kỷ 16, được làm hai thớt, hoa văn chủ đạo là hình rồng. Đó là chiếc lư hương cao to nhất được biết tới nay trong phả hệ gốm Việt Nam mọi thời đại.
Đó cũng là chiếc lư hương có dáng hình đặc biệt, kỹ thuật chế tác đặc biệt, hoa văn trang trí rồng, chứng tỏ là đồ thờ trong một quốc tự hay quốc từ, quốc miếu của triều đại này.
Theo Chủ tịch Hội Cổ vật Hải Phòng, Nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Nguyễn Bá Thanh Long đánh giá: Sưu tập cổ vật An Biên là một bộ sưu tập lớn, phong phú loại hình, đa dạng chất liệu thuộc nhiều nền văn hóa. Ông mong muốn, kỳ vọng qua đánh giá của các nhà chuyên môn sẽ có những hiện vật quý, tiêu biểu của bộ sưu tập được lựa chọn, đăng ký bảo vật quốc gia, làm động lực, nguồn hứng khởi để chủ nhân bổ sung thêm nhiều hiện vật có giá trị cao về lịch sử văn hóa, kinh tế, nghệ thuật, cũng là niềm tự hào cho những người yêu và giữ gìn di sản cổ vật trên đất Cảng.
Còn theo TS Lê Thị Minh Lý-Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: Bộ sưu tập này là một di sản lớn, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Điều này thể hiện ở số lượng hiện vật, loại hình đa dạng, hình thức độc đáo và yếu tố nguyên gốc, toàn vẹn của nó. Bộ sưu tập được gìn giữ, bảo quản một cách chu đáo, cẩn thận nhiều thập kỷ qua, đã đến lúc cần được giới thiệu, tiếp cận với công chúng và được nghiên cứu bảo vệ trong khuôn khổ của Luật di sản văn hóa vì đó là tài sản văn hóa kết tinh từ trí tuệ tài năng của dân tộc ta. Không những thế bộ sưu tập này cần được phát huy giá trị để tiếp tục sáng tạo, tạo ra những giá trị mới của hôm nay và mai sau.
Các nhà khoa học, khảo cổ học qua nghiên cứu đã khẳng định giá trị di sản của Sưu tập cổ vật An Biên là tinh hoa hồn cốt văn hóa dân tộc, là cứ liệu lịch sử trung thực, khách quan nhất phản ánh đời sống, nhân sinh quan xã hội của mỗi thời kỳ, từng triều đại.
Qua đó, góp phần gìn giữ quảng bá giá trị di sản theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Luật Di sản văn hóa.
Bộ Sưu tập cổ vật An Biên góp phần khẳng định Hải Phòng là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, với những người con biết trân quý giá trị căn cốt, tinh túy của tổ tiên, ông cha để lại, cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Xuân Hạ
14:29 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão