Tác động kép làm khó thị trường hàng hóa

08:59 05/09/2020

Không biết tự bao giờ, tháng Bảy âm lịch bị cho là thường xẩy ra những điều không may mắn, nên nhiều người kiêng mua sắm các đồ gia dụng. Có lẽ bởi sự tích hợp những yếu tố tâm linh theo quan niệm truyền thống, nhất là “hoạt động tự do của những cô hồn”, cùng ám thị về sự biệt ly Ngưu Lang – Chức Nữ. Năm nay lại thêm tác động của dịch bệnh Covid-19, nên xem ra thị trường hàng hóa đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Khách đến mua sắm tại các siêu thị  giảm đáng kể

          Điện máy “đối đầu” với tháng Ngâu

          Sau một thời gian dài chìm sâu trong ảm đạm, hàng điện máy gia dụng bị coi là nhóm giảm phát mạnh nhất, một phần bởi ảnh hưởng của nền kinh tế suy thoái, một phần do nhóm hàng này là sản phẩm công nghệ cao nên nhanh bị “lão hóa”. Tuy nhiên, trong khi các địa phương khác phải chứng kiến sự ra đi của hàng loạt siêu thị điện máy, thì Hải Phòng lại trở thành miền đất hứa của các nhà đầu tư.

Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, rất nhiều thương hiệu lớn tầm cỡ quốc gia đã chọn Hải Phòng là điểm đến. Đáng kể nhất lượt sự xuất hiện tính theo thời gian là Thegioididong, MediaMart, HC, Trần Anh, Pico… Riêng Thegioididong trong đã phát triển thêm hàng chục cửa hàng trải khắp cả nội lẫn ngoại thành, tách phần điện máy gia dụng thành thương hiệu Điện Máy Xanh.

 Cũng là sản phẩm điện máy, nhưng nhóm hàng ô tô lại thuộc diện cao cấp, không phải nhu cầu thường xuyên của người tiêu dùng, nên lâu nay phân khúc này hoạt động trên một mảng riêng, và phụ thuộc nhiều hơn vào các chính sách vĩ mô. Mặc dù vậy, trước nỗi lo từ thói quen “kiêng kỵ” của người tiêu dùng đối với tháng “cô hồn”, nhóm hàng hóa này cũng buộc phải tung ra nhiều động thái phản ứng, trong đó mạnh nhất là giảm giá.

Còn với thị trường xe máy, nhóm hàng được tiêu thụ với số lượng nhiều hơn thì áp lực do mùa chúng sinh tạo ra rõ nét hơn nhiều. Chẳng hạn như các dòng xe máy của hãng Honda, vốn dĩ nổi tiếng vì sự làm giá, nghĩa là giá bán lẻ luôn cao hơn rất nhiều giá do nhà sản xuất đưa ra. Nhưng tại thời điểm này, tại một số đại lý của Hải Phòng, xe máy Honda được rao bán bằng, thậm chí thấp hơn giá đề xuất.    

          Điều đáng nói là, trong tổng thể các nhóm hàng điện máy, gia dụng, về hình thức không có chương trình khuyến mại nào thể hiện vì nguyên nhân của tháng “cô hồn’, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, đó lại chính là nguyên nhân sâu xa nhất. Bởi lẽ đây là tập tục, khi ít có người tiêu dùng Việt Nam nào bỏ ra khoản tiền lớn để mua sắm tài sản riêng cho mình trong dịp này. Giờ thì tháng Ngâu – tháng chúng sinh thả cửa - tháng "cô hồn" đã hiển hiện, xem ra dù khuyến mại thì phân khúc thị trường này cũng khó bề thay đổi cục diện.

Quảng cáo khuyến mại ngập tràn ở các siêu thị điện máy

          Mức tiêu thụ cũng phân thứ bậc

Đã qua Rằm tháng Bảy, xem như mùa “vu lan” đã qua, năm nay vì nhuận 2 tháng Sáu nên sang tháng Bảy Hải Phòng cũng bớt đi những đợt mưa tầm tã, nghĩa là so với truyền thống, năm nay Ngâu đến sớm, và thị trường cũng vì thế mà chìm sâu trong sự ảm đạm sớm hơn.

Công bằng mà nói, trong nửa tháng đầu tháng Bảy âm lịch, thị trường khá nhộn nhịp, nhưng chỉ ở phân khúc những nhóm hàng liên quan đến việc cúng bái.

Ở phân khúc khác, theo chia sẻ của nhiều người làm nghề liên quan đến xây dựng, thì tháng Ngâu đúng là thảm họa, vì sự kiêng kỵ gây nhiều phiền toái. “Công trình không thể thi công thì người làm dịch vụ cũng thất nghiệp mà kẻ buôn vật liệu cũng nghỉ dài...”, ông V. - một chủ thầu xây dựng ở quận Ngô Quyền than.

Theo ông V., mấy năm nay nghề thợ xây chủ yếu trông vào các công trình dân sinh, mà đã là công trình dân sinh thì lệ thuộc rất nhiều vào kiêng kỵ, hầu như chẳng gia chủ nào  động thổ hay cất nóc, khánh thành nhà vào tháng Ngâu. Nghề xây bê trễ khiến việc tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng khổ theo, nhiều cửa hàng chỉ mở cửa lấy lệ.

          Trong khi đó, việc mua sắm các vật dụng trong gia đình cũng nhiều người kiêng. Chị N. ở ngõ Nam Pháp (Ngô Quyền) dè dặt nói: “Định mua cho cháu chiếc xe đạp điện nhưng phải đợi qua tháng Ngâu này đã…”. Chị N. kể rằng, năm trước đúng tháng Ngâu chồng chị đi sắm bếp gas, nhưng chỉ dùng vài ngày thì bị rò gas bùng lửa tí nữa thì thiêu trụi cả nhà, rồi sau đó đến lượt nồi cơm điện cũng hỏng… Khổ thế, rủi ro có thể là ngẫu nhiên, nhưng gặp điều gì tổn hại người ta cũng đổ cho tháng Ngâu như vậy đấy.

          Tại thời điểm này, các siêu thị bán đồ gia dụng vẫn tiếp tục mở các đợt khuyến mại mạnh mẽ, hy vọng dùng tác động này để phá vỡ lệ tục cũ, thậm chí có cửa hàng điện thoại còn treo biển “mưa rơi- vẫn chơi” để kích cầu, nhưng  lượng khách đến cũng không được cải thiện.         

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích