Tai nạn lao động nghiêm trọng tăng cao so với cùng kỳ 2019

17:30 09/04/2020

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố xảy ra 7 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 7 người chết, tăng 250% so với cùng kỳ năm 2019. Điều đáng nói là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì trong những tháng đầu năm 2020 nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã phải tạm ngừng và thu hẹp.

 

 

Qua phân tích nguyên nhân thì có tới 6/7 vụ tai nạn lao động là do công nhân lao động làm việc một mình và thực hiện công việc giản đơn như thay lọc dầu, thay dầu động cơ, đi lại trên sà lan, nhoài người đóng nắp ca pô máy xúc gạt, đấu nối dây điện, ổ điện… Người lao động đã thực hiện sai quy trình, làm bừa, làm ẩu dẫn đến chết người. Mặt khác, người sử dụng lao động cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Trước thực trạng trên, nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất an toàn, vệ sinh lao động, ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động, hôm nay ngày 9-4-2020 UBND thành phố ban hành văn bản số 2548 về việc tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế tai nạn lao động trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố phải tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Chương trình hành động, Chỉ thị của BTV Thành uỷ, Kế hoạch của UBND thành phố về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Trong đó, một mặt tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mặt khác Sở LĐTB và XH, các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Đặc biệt, tập trung các lĩnh vực có nguy cơ cao như xây dựng, khai thác khoáng sản, cơ khí, luyện kim, cảng biển, truyền tải và cung cấp điện… qua đó, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Chú trọng xử lý các hành vi như không xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; không bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và công tác y tế; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang bị; không nhận diện yếu tố nguy hiểm, nguy hại; không kiểm định máy móc, thiết bị; không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; gian dối trong hoạt động kiểm định và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, khẩn trương điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, xem xét kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án, truy tố người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tuân thủ nghiêm các quy chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; rà soát xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và công tác y tế; cấp phát đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát người lao động chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động khi làm việc; thực nhận diện yếu tố nguy hiểm, nguy hại, nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; kiểm định máy móc, thiết bị và tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động.

KO

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích