Tai nạn thương tích học đường: Cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa từ nhà trường

20:01 24/11/2017

Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua trên cả nước đã xuất hiện nhiều vụ tai nạn thương tích học đường nghiêm trọng, như: học sinh bị ngã từ tầng cao, bị cổng trường đổ đè gãy xương, bị điện giật chết, bị taxi đâm trong sân trường... đã khiến các phụ huynh có con đi học hết sức lo lắng. Nhìn lại việc đảm bảo an toàn, chống tai nạn thương tích đối với học sinh trong các nhà trường còn chưa được xem trọng...

Nơi xảy ra vụ học sinh tử vong do điện giật tại trường tiểu học Đại Bản (huyện An Dương). Ảnh: CTV

Tai nạn rình rập

So với các khu vui chơi, trường học luôn được xem là nơi an toàn cho học sinh. Thế nhưng, do học sinh đông, trường học chật hẹp, các dụng cụ phục vụ học tập, cơ sở vật chất của trường chưa được đảm bảo, xuống cấp… là nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc cho học sinh. Ngày 12-10, em Bùi Văn T., học sinh lớp 4D, trường tiểu học Đại Bản (huyện An Dương) tử vong tại trường do bị điện giật. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, sau khi học xong tiết 2, cháu T. đi chân đất ra phía cuối hành lang tầng 2 chơi và chạm vào song sắt lan can bị điện giật chết. Sau khi khám nghiệm, lực lượng chức năng phát hiện nơi học sinh tử vong có sợi cáp quang mạng internet quấn vào song sắt lan can kéo ra phía sau trường và quấn vào hệ thống dây điện của trường...

Lứa tuổi học sinh ưa hiếu động, do vậy sân chơi của các bé nếu không có các giải pháp phòng ngừa, cũng như dự kiến mọi tình huống đảm bảo an toàn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thương tích đáng tiếc. Vụ việc đau lòng xảy ra tại một trường mầm non ngoài công lập vào khoảng đầu năm 2017. Một bé gái lớp mầm, khi chơi đùa tại khuôn viên nhà trường, đu tay và bị trượt ngã xuống thảm. Bé kêu đau, tuy nhiên cô giáo không phát hiện ra cháu bị thương tích. Mãi đến chiều, khi tay của bé bầm tím và sưng lên thì cô giáo mới điện thoại báo gia đình và đưa cháu bé đi đến cơ sở y tế. Kết quả, tay của cháu bé đã bị gãy xương. Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, cơ quan quản lý giáo dục địa phương đã yêu cầu nhà trường báo cáo, làm rõ nguyên nhân. Hóa ra, sân chơi của các bé được trải một lớp thảm khá dày nhìn có vẻ khá an toàn, song phía dưới lớp thảm là một gốc cây bị chặt bỏ, gồ lên cộng với sức rơi của bé sau khi đu nên khi bé chống tay đỡ người đã bị gãy xương tay...

Thương tích do nguyên nhân khách quan đã đành, xong có một số vụ việc đáng tiếc lại xảy ra bởi nguyên nhân chủ quan. Một vụ việc khác,vào 12h50, ngày 19-10 (trước giờ vào lớp 25 phút), 8 học sinh lớp 5C trường tiểu học Nam Sơn (huyện An Dương) nô nghịch trêu đùa kỳ cục dẫn đến thương tích nguy hiểm cho một học sinh. Theo phản ánh của gia đình nạn nhân, trưa 19-10, khi đã gần vào lớp, em bị một nhóm 7-8 học sinh nam lừa lên tầng 3 đẩy vào một phòng học trống và chèn cửa không cho ra ngoài, đồng thời dọa trong phòng có án mạng, có xác chết. Trong lúc hoảng loạn và tìm cách thoát ra ngoài, em đã đẩy mạnh cửa nhiều lần nhưng không mở được cửa và đã đẩy tay vào kính cửa khiến kính vỡ xiên vào tay, gây thương tích nặng, vết rách dài từ cổ tay đến gần khuỷu...

Nhà trường cần nâng cao trách nhiệm

Khi xảy ra tai nạn thương tích đối với học sinh, những cán bộ, nhân viên của nhà trường phải là những người đầu tiên có ngay những động thái tích cực, đồng thời khẩn trương đưa nạn nhân đi cấp cứu, tránh để xảy ra những hậu quả xấu hơn. Song trên thực tế thì các nhân viên, thậm chí ngay cả giáo viên cũng chưa thực sự chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc xử lý tai nạn thương tích học sinh. Như tại trường hợp cháu bé mầm non bị gãy xương tay ở trên, nếu như các giáo viên, nhân viên nhà trường khi phát hiện ra cháu bé bị thương mà có những động thái tích cực hơn thì chuyện đã không phức tạp. Đáng tiếc là cô giáo thấy cháu bé đau tay lại xem nhẹ, không ngay lập tức đưa cháu đến cơ sở y tế khám, để thương tích của bé bị kéo dài. Chưa kể, khi tai nạn thương tích xảy ra, nhà trường cũng chưa chia sẻ thấu đáo được với nỗi đau của gia đình, dẫn đến bức xúc của gia đình bé. Những chuyện tưởng chừng nhỏ, nhưng lại rất cần phải hạn chế khi cấp cứu nạn nhân. Trong khi việc “cứu người như cứu hỏa” thì một số người lại tỏ thái độ bàng quan, hoặc né tránh; rồi đôi khi các nhân viên, lao động trong nhà trường nhìn thấy nạn nhân tai nạn thương tích lại “thêm dầu vào lửa”, mắng mỏ mấy câu vì việc hỏng tài sản của nhà trường càng khiến cho tình hình trở nên xấu đi.

Điều đáng bói hơn ở nhiều vụ tai nạn thương tích, tuy xảy ra ngay tại trường học song đa phần đều có điểm chung là nhà trường đùn đẩy trách nhiệm, chỉ có gia đình học sinh nhận lấy nỗi đau. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, khi vụ tai nạn xảy ra trong trường học thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng của trường, không thể đổ lỗi cho học sinh hay gia đình. Ngoài ra, ngành giáo dục cần có công văn yêu cầu các trường tổng kiểm tra, rà soát các hạng mục kém chất lượng, để học sinh được học tập trong môi trường an toàn.

Một hiệu trưởng cho rằng, học sinh hiếu động nên thường dễ bị tai nạn thương tích, do đó nhà trường có trách nhiệm rà soát các nguy cơ thường xuyên. Khi xảy ra sự việc, hiệu trưởng cũng là người đứng ra chịu trách nhiệm đầu tiên. Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ra văn bản chấn chỉnh các trường về đảm bảo an toàn trường học; trong đó yêu cầu các trường rà soát, kiểm tra việc bảo quản và sử dụng hóa chất, phòng thí nghiệm, các phương tiện cứu hỏa, căng tin…; đặc biệt khuyến khích các trường lắp camera để theo dõi, kiểm soát nguy cơ gây tai nạn cũng như các vụ xâm hại tình dục, trộm cướp.

HẢI HẬU

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích