20:15 03/10/2017 1, 2h đêm còn rong ruồi trên xa lộ, gặp ông khách sau chầu nhậu “tưng tưng” chân tay muốn “ngọ nguậy”, xe đang chạy ngon lành bỗng lăn đùng “cáo ốm không muốn hoạt động”… là muôn ngàn những vất vả mà cánh tài xế taxi gặp phải. Đặc biệt với tài nữ thì nỗi khó nhọc của chị em càng thêm vất vả bội phần…
7h tối, phố thị đồng loạt lên đèn, dọn mâm cơm lên gia đình vừa quây quần thì nhận được điện thoại: “Chị ơi, em xin lỗi hôm qua nhỡ hẹn vì phải đưa con đi bệnh viện. Giờ em đang rảnh, chị qua luôn nhé”.
Hẹn hò với cô nàng mấy hôm đều nhận được câu trả lời: em đang chạy tuyến này, tuyến kia. Hôm nay nhận được cái gật đầu thì phải tức tốc lên đường thôi. Đón tôi với nụ cười tươi tắn, Bùi Thị Hằng, ở 258 Đà Nẵng, tài xế của hãng taxi Hoàng Anh phân trần: “Mấy lần lỡ hẹn với chị ngại quá, mong chị thông cảm. Giờ đang rảnh chị em mình tranh thủ gặp nhau không lát nữa lại có điều động. 9h tối em mới hết ca làm cơ”.
Dáng người đậm, cặp mắt sắc và nụ cười cởi mở, ấn tượng ban đầu Hằng tạo cho tôi là vẻ cá tính và có gì đó hơi góc cạnh, không dễ “bắt nạt”. Trong câu chuyện, Hằng cho biết: “Em theo nghề từ năm 18, 19 tuổi cơ.
Tính ra đến nay cũng được trên 10 năm rồi. Tính em thích đi du lịch nên ban đầu chỉ nghĩ đơn giản lái xe chở khách đi đây đó thì mình cũng được trải nghiệm luôn. Thế rồi thành cái nghiệp lúc nào không biết. Hãng của em có gần 300 tài, hồi cao điểm có khoảng chục người nhưng hiện chỉ có 4 chị em theo đuổi nghề này cho đến tận bây giờ”.
Để theo đuổi nghề, nhiều chị em đã phải nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn
Khi được hỏi gia đình nghĩ thế nào khi vừa tốt nghiệp cấp ba đã học lái xe để theo cái nghề “không giống ai”, Hằng cười vui vẻ: Gia đình em không muốn cho em theo nghề này đâu nên phản đối dữ dội lắm. Nhất là bố em, ông làm găng lắm vì biết nghề này đối với con gái có nhiều nguy hiểm.
Để theo nghề, ban đầu em tỉ tê với mẹ rồi vận động mẹ thuyết phục bố. Mưa dầm thấm đất, mãi rồi ông bà cũng phải xuôi. Thời gian đầu 8,9h tối chưa thấy con về là “hai cụ” sốt ruột đứng ngồi không yên gọi điện liên tục. Giờ thì ổn rồi vì ông bà cũng quen dần” – Hằng tâm sự.
Cũng giống như Hằng, chị Vũ Thị Kim Oanh, ở đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, tài xế taxi Mai Linh, người đã theo nghiệp lái suốt 15 năm cũng phải vượt qua không ít cản trở khi theo đuổi nghề này. Tranh thủ gặp khi chị vừa chở khách từ sân bay Cát Bi về nhà, vừa gặp tôi chị đã nói: “Em lên xe đi, mình nói chuyện thế này cho tiện, giờ ngồi uống nước mất thời gian lắm. Chị chỉ tranh thủ được 15 phút thôi, em thông cảm”.
Tiếp xúc với Hằng và giờ là chị Oanh, tôi nhận ra một điều, hầu như những người phụ nữ làm nghề này đều là những người rất cá tính qua từng dáng đi, cử chi lẫn lời nói. Trước khi đến với nghề cầm tài, chị Oanh đã từng làm rất nhiều khác nhau. Từ nhân viên bán hàng đến quản lý nhà hàng, nhưng dường như niềm đam mê với những chiếc vô lăng mới gắn chị với nghiệp được lâu nhất.
“Năm 2003, chị bắt đầu chuyển sang nghề lái taxi. Khi đó gia đình chị rất lo lắng bởi suy nghĩ phụ nữ làm nghề lái xe sẽ vất vả bởi phải đi đêm về hôm. Rồi những lúc gặp “ca khó”, một mình thân gái không biết phải chống đỡ ra sao. Trước những ngăn cản của gia đình, chị vẫn quyết tâm đến cùng. Đam mê theo nghề nên trong công việc chị cũng dần tìm thấy niềm vui cùng nhiều điều thú vị”.
Chị Oanh là một trong số ít nữ tài xế taxi trụ được lâu trong nghề
Đang cười sảng khoải đó nhưng chợt chị trầm ngâm: “Nghề nào cũng có cái khó. Nghề lái taxi là nghề phục vụ, khi người ta được đi chơi thì chị phải đi làm. Đôi lúc đang trên những cung đường chở khách cùng gia đình đi chơi, nghe tiếng bi bô cùng tràng cười giòn tan của con trẻ, cũng chợt thấy chạnh lòng… Nhưng tính chất công việc là như thế, không thể làm khác được”.
Qua trao đổi với họ chúng tôi được biết, tài xế taxi là một nghề không dễ dàng, nhất là ở bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của ngành vận tải công cộng hiện thời. Công việc khá căng thẳng, đối mặt với nhiều rủi ro nhưng thu nhập chỉ ở mức trung bình. Hiện có 3 hình thức làm việc là đăng ký làm tại một hãng taxi rồi đặt cọc một khoản tiền và làm việc để được hưởng lương tháng.
Theo hình thức này tài xế không cần bỏ ra một số tiền lớn để mua xe nhưng thu nhập khá thấp. Tùy theo chính sách mà tỉ lệ phân chia doanh thu giữa doanh nghiệp và tài xế có thể là 6:4 (doanh nghiệp nhận 6 phần, tài xế nhận 4 phần) hoặc 5:5…
Các tài xế sẽ phải tự bỏ tiền túi để trang trải nhiều chi phí từ tiền nhiên liệu, chi phí vệ sinh xe, đóng phạt và còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy cơ hỏng hóc khác. Đó là chưa kể đến áp lực khi bị bắt chạy đua doanh số tháng để không bị phạt. Hay phải chịu giờ làm việc khắc nghiệt từ sáng sớm đến đêm khuya, thậm chí phải chạy suốt 24 tiếng trong ngày để đủ chỉ tiêu.
Thứ hai là mua xe riêng và góp vào một doanh nghiệp taxi, sau đó hàng tháng trả cho công ty một số tiền thuê thương hiệu. Cách thứ ba là mua lại xe taxi của công ty để lái theo giá thỏa thuận, giá mua lại xe này thường chênh hơn giá xe thị trường nhiều vì bao gồm “tiền thương hiệu” đi cùng.
Hình thức thứ hai và thứ ba còn có tên gọi là mua thương quyền từ các doanh nghiệp taxi. So với hình thức thứ nhất, tài xế tham gia hai hình thức này có cơ hội thu nhập cao hơn một chút do không phải phân chia doanh thu. Tuy nhiên, tài xế cũng phải chịu những gánh nặng đè trên vai, là các khoản chi phí như tiền lốt ban đầu có thể lên đến cả trăm triệu, thương hiệu hàng tháng, tiền trả nợ cho công ty, tiền đàm, phí bảo hiểm, tiền công đoàn, đồng phục…
Gọi các tài nữ là những “bóng hồng hiếm hoi” cũng đúng vì Hải Phòng hiện có gần chục hãng taxi có tên tuổi với mỗi hãng vài trăm đầu xe. Thế nhưng không phải hãng nào cũng có chị em cầm tài. Số hãng có chị em đầu quân không nhiều và số lượng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Áp lực công việc, của dư luận, sự cố hỏng hóc trên đường, những rắc rối gặp phải trong quá trình chở khách cũng như mức thu nhập không cao là vô vàn lý do khiến tài nữ rơi rụng dần và ngày càng trở nên hiếm hoi của một nghề khá đặc biệt.
(còn nữa)
Bùi Hạnh – Ngân Phạm