Tại sao bé gái phải rửa bát, còn bé trai lại không?

16:42 08/07/2015

 

Qua diễn đàn người lớn hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng trẻ em
Qua diễn đàn người lớn hiểu hơn tâm tư, nguyện vọng trẻ em

Tại sao bé gái đi học về phải giúp bố mẹ những công việc gia đình như nấu cơm, rửa bát…, trong khi các bạn trai lại được nghỉ ngơi, cùng bạn tham gia vào các hoạt động giải trí khác, đây có phải là sự bất bình đẳng giới không? Đó chỉ là số ít những câu hỏi mà các trẻ gửi tới các khách mời trong diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” năm 2015 do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với quận Hải An tổ chức vừa qua với sự tham gia của 250 trẻ em trên địa bàn thành phố. 

Gửi gắm qua các tiểu phẩm

Mở đầu diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” năm 2015 thành phố Hải Phòng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Bách Phái mong muốn qua diễn đàn giúp nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, toàn xã hội và bản thân trẻ em về quyền tham gia của trẻ em, trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền tham gia của trẻ đối với những vấn đề liên quan đến trẻ em. “Chúng tôi hy vọng, những ý kiến đóng góp và phần giải đáp của cơ quan chức năng hôm nay sẽ giúp các em hiểu hơn về quyền và lợi ích của mình, yên tâm phát huy khả năng học tập, sinh hoạt và phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội”. 

Tại diễn đàn, các em được chia thành các nhóm và thông qua các tiểu phẩm nhằm gửi thông điệp tới các cấp chính quyền thành phố. Đến từ nhóm “Hoa hướng dương”, em Vũ Tuệ Nhi (thuộc Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng) cho biết: “Chúng cháu là những trẻ em thiệt thòi, có hoàn cảnh đặc biệt hiện đang sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội cho trẻ em. Chúng cháu mong muốn nói lên suy nghĩ, nguyện vọng, đóng góp ý kiến dù nhỏ bé vào dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, để trẻ em có cuộc sống tốt hơn”. Bản thân em cũng chia sẻ những khó khăn của trẻ em thiệt thòi khi hòa nhập cộng đồng như không thể tham gia đầy đủ các hoạt động của trường (lớp), bị bạn bè phân biệt đối xử, không thể vui chơi ở các khu giải trí công cộng...

Nhóm “Hoa anh đào” đến từ Trường THCS Đông Hải, quận Hải An, tham gia diễn đàn với câu chuyện ngụ ngôn “Cáo và cò” với thông điệp về bình đẳng giới giữa trẻ em gái và trẻ em trai trong xã hội hiện nay. Đại diện nhóm phát biểu, em Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh lớp 7C1, cho biết: “Qua câu chuyện này, mong muốn của em là gia đình, nhà trường và xã hội cần tạo điều kiện bình đẳng cho trẻ em trai và trẻ em gái phát huy khả năng, được chăm sóc bảo vệ; bình đẳng về quyền được học tập, quyền được nghỉ ngơi, được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi và bình đẳng trong việc thực hiện các công việc trong gia đình”.

Còn nhóm “Ước mơ hồng” mang đến diễn đàn vở kịch ngắn “Hãy lắng nghe” nói về vấn đề bạo lực gia đình ảnh hưởng đến tương lai trẻ em; nhóm “Vì trẻ em” thể hiện tiểu phẩm “Hãy yêu thương, chia sẻ với trẻ em” nói về bạo lực học đường và phương pháp giáo dục trẻ em trong nhà trường hiện nay...

Nhiều câu hỏi trực diện 

Kết thúc phần chia nhóm, thảo luận là phiên gặp mặt - đối thoại được các em chờ đợi nhất. Tại diễn đàn này, sẽ có 5 vấn đề lớn gồm: tai nạn thương tích ở trẻ em; bình đẳng giới giữa trẻ em gái và trẻ em trai; loại bỏ nguy cơ xâm hại, buôn bán trẻ em; phương pháp giáo dục trong nhà trường hiện nay và bạo lực học đường; các vấn đề trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội được các em trực tiếp đặt câu hỏi với các đại biểu là lãnh đạo các sở: Y tế, Giao thông vận tải, Lao động - thương binh và xã hội, Công an thành phố, Giáo dục và đào tạo và Sở Văn hóa - thể thao và du lịch.

Tại diễn đàn, một bé gái đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH về chủ đề bình đẳng giới khiến nhiều người phải suy nghĩ, tại sao bé gái đi học về phải giúp bố mẹ những công việc gia đình như: nấu cơm, rửa bát…, trong khi các bạn trai lại được nghỉ ngơi, cùng bạn tham gia vào các hoạt động giải trí khác, đây có phải là sự bất bình đẳng giới không? Hay ai sẽ là người bảo vệ chúng cháu khi chúng cháu bị bạo lực, bị xâm hai ở ngay trong gia đình mình?...

 Trước câu hỏi về phòng ngừa tai nạn thương tích ở trẻ em, Phó giám đốc Sở Y tế Phạm Quang Thắng cho biết: “Sở Y tế đã phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, xử lý, sơ cấp cứu ban đầu cho các loại tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ như: bỏng, đuối nước, chấn thương do ngã... Công tác tiếp nhận các ca tai nạn thương tích tại các bệnh viện trên địa bàn luôn có sự chuẩn bị chu đáo, kịp thời tìm ra phương án điều trị, tránh để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ”.  

TRUNG KIÊN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông