Tại sao trẻ em Sa Pa nói tiếng Anh như gió?

01:18 29/10/2015

Đoạn clip ngắn ghi lại các bé gái và phụ nữ ở Sa Pa thể hiện khả năng giao tiếng tiếng Anh thuần thục khiến nhiều người trầm trồ, ngạc nhiên. Còn lãnh đạo giáo dục của địa phương này cho biết họ không bất ngờ vì điều này.
 
Một clip do Ethos-một tổ chức giúp người dân Sa Pa học tiếng Anh và trở thành hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu vẻ đẹp quê hương mình tới du khách nước ngoài khiến nhiều người ngạc nhiên về khả năng giao tiếp tiếng Anh thành thục, ngữ điệu và cách phát âm rất chuẩn.
 
Còn ông Bùi Xuân Tiệp Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT Lào Cai cùng Trưởng Phòng GD-ĐT Sa Pa Nguyễn Hữu Đức cho biết họ không bất ngờ trước điều này.
 
Ông Đức cho biết nhờ có những đổi mới trong giáo dục như dạy học theo mô hình trường tiểu học mới -VNEN hay công nghệ giáo dục đã phát huy được tính tự chủ, sáng tạo tối đa của học sinh. Các em được giao quyền, được chủ động sáng tạo để lĩnh hội kiến thức, trò được đóng vai, làm MC cho chính những kiến thức mình được học.
 
Từ đây không chỉ tiếng Anh mà các kiến thức văn hóa khác học trò cũng tiếp thu nhanh hơn, nhớ lâu và thích thú làm theo.
 
Những mô hình giáo dục hiện đại, gắn học tập với trải nghiệm đã được thực hiện ở Sa Pa hàng chục năm qua đã góp phần thay đổi diện mạo giáo dục nơi đây.
 
"Điều thuận lợi của chúng tôi là có sự tham gia giúp đỡ của khách du lịch nước ngoài. Họ đến đây để du lịch trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa. Nhờ biết kết hợp với hoạt động học tập của học sinh nên sự tự tin, khả năng nói tiếng Anh thuần thục của các em được nâng lên" - ông Đức cho biết.
 
Với người dân tộc, nhất là người H'Mông theo ông Đức "tiếng Anh rất gần gũi với họ vì cách phát âm, nhất là âm gió gần với tiếng dân tộc".
 
"Dạy tiếng Anh ở đây hiểu nôm na là ta dạy một ông không biết viết mà biết nói trước. Chúng tôi sẽ dạy theo kiểu dạng từ khóa và các hoạt động đi kèm. Ví dụ khi nói về "con mèo" thì đi kèm với đó là những hoạt động gì của loài vật này. Mỗi thầy cô, học sinh có thể góp một câu khiến bài học sinh động. Có thể ngữ pháp các em chưa nắm được ngay nhưng học sinh hiểu được khái niệm đó và mỗi lần nhắc đến là nhớ, diễn đạt trôi chảy" - ông Đức cho biết.
 
Còn theo ông Bùi Xuân Tiệp cho biết hiện tỉnh Lào Cai đã ban hành đề án dạy và học ngoại ngữ trong các trường học giai đoạn 2015-2020 với cách thức triển khai khoa học, bài bản.
 
Hiện tỉnh đang chọn, xây dựng 9 trường điển hình về dạy và học ngoại ngữ, sau đó sẽ nhân rộng dần, đi từ vùng có điều kiện thuận lợi đến vùng khó khăn. Trong đó, tỉnh chú trọng đến bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên cả về phương pháp và trình độ tiếng Anh. Ai chưa đủ điều kiện có thể phải điều chuyển đi nơi khác,...
 
Riêng với Sa Pa, theo ông Tiệp do nhanh nhạy và tận dụng được khách du lịch nước ngoài nên ngành giáo dục Lào Cai cũng chọn huyện này làm thí điểm đề án trước trình UBND tỉnh ký, ban hành. "Trẻ em ra ngoài ngõ đã gặp khách nước ngoài thì tự thân đã được rèn luyện vốn tiếng Anh rồi" - ông Tiệp chia sẻ.
 
"Có những trường như THCS Kim Đồng của Sa Pa học sinh mới lên lớp 6, lớp 7 nhưng tiếng Anh giao tiếp đã rất tốt. Chúng tôi cũng thường xuyên có các dự án, ví dụ như dự án với Hàn Quốc trong dạy văn hóa nghệ thuật bằng tiếng Anh hiệu quả. Giáo viên nước ngoài khi đến dạy họ thường ở đó từ 4-5 tháng nên học sinh có cơ hội tiếp xúc, sử dụng tiếng Anh tốt".
 
Theo Văn Chung/Vietnamnet


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông