Taliban gặp khó trong vận hành hàng loạt máy bay Mỹ bỏ lại

00:30 29/08/2021

Giành quyền lãnh đạo tại Afghanistan, Taliban hiện nắm trong tay hàng chục máy bay do Mỹ cung cấp cho chính quyền cũ. Câu hỏi đặt ra là liệu Taliban có khả năng sử dụng, vận hành tác chiến số máy bay này?

Sau khi chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani sụp đổ nhanh chóng trước Taliban, hàng loạt vũ khí, thiết bị trị giá nhiều tỉ USD do Mỹ viện trợ cho Afghanistan cũng rơi vào tay lực lượng này. Nổi bật trong số này là máy bay chiến đấu. Vậy liệu Taliban có thể xây dựng lực lượng không quân cho riêng mình và sử dụng thành thạo số máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang của Mỹ để lại?

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Taliban đang nắm trong tay ít nhất 34 máy bay các loại thuộc nguồn do Mỹ cung ứng, trong số này có cả trực thăng Mi-17 được mua, trang bị cho quân đội Afghanistan từ một số nước Đông Âu. Ngoài ra, Taliban cũng sở hữu nhiều máy bay cường kích Embraer Super Tucano A-29 hạng nhẹ chuyên về tấn công mặt đất, cùng với một số máy bay Cessna 208.

Các tay súng Taliban chụp ảnh trước cường kích Embraer Super Tucano A-29 ở Mazar-i-Sharif hôm 15/8. Ảnh: Worldonalert

Tuy nhiên, vận hành và làm chủ kho vũ khí này là một câu chuyện khác. Máy bay quân sự đòi hỏi nguồn nhân lực và vật lực kĩ thuật cao, không chỉ là các phi công được đào tạo bài bản, mà còn lực lượng điều hành, thợ sửa chữa mặt đất có tay nghề cùng kho phụ tùng, thiết bị, vũ khí thay thế. Đây là điều mà Taliban đang thiếu.

Ngay cả Taliban có đọc được các bản hướng dẫn sử dụng, việc để các tay súng của lực lượng này lái máy bay sẽ tiềm ẩn mối nguy cơ lớn. Có rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành khi dịch sang tiếng Dari – ngôn ngữ chính thức tại Afghanistan, không tìm được nghĩa tương ứng sát nhất. Chuyển ngữ không chính xác tài liệu hướng dẫn sử dụng vì thế có thể sẽ gây ra hệ quả chết người trong sử dụng thực tế.

Các phi công quân sự dưới chế độ cũ đang là mục tiêu được Taliban nhắm tới. Số này có thể bị thủ tiêu vì những việc làm chống lại Taliban trong quá khứ. Họ cũng thuộc nhóm không có ý định ra quy hàng Taliban. Nhưng vì mục tiêu tạo dựng không quân, Taliban có thể bắt cóc, ép buộc số này phải hợp tác để sử dụng số máy bay thu giữ được.

Trong trường hợp đó, Taliban trông đợi nhiều nhất vào số lái máy bay Mi-17, loại máy bay quen thuộc với lực lượng không quân Afghanistan. Nếu Taliban có ý định gây dựng lực lượng không quân, Mi-17 sẽ là nòng cốt, do đây là loại dễ bảo hành, nguồn phụ tùng thay thế dồi dào…

Một tay súng Taliban đứng bên cạnh trực thăng UH-60 Mỹ để lại cho quân đội Afghanistan. Ảnh: ToI

Với máy bay của Mỹ để lại, mọi chuyện phức tạp hơn. Mỹ cung cấp viện trợ cho Afghanistan hai loại máy bay chủ chốt là vận tải cơ hạng trung C-130 và trực thăng tấn công UH-60, phù hợp với mô hình không quân thiên về không vận chống nổi dậy. Tuy nhiên, đây cũng là hai loại máy bay có cấu tạo phức tạp nhất trong vận hành, sử dụng. Các nước tiếp nhận thường phải phụ thuộc rất lớn vào hỗ trợ từ bên ngoài, cụ thể là từ Mỹ, trong khâu bảo dưỡng, duy trì hoạt động.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani, công tác duy tu, bảo dưỡng máy bay trong không quân Afghanistan chủ yếu do các nhà thầu quân sự Mỹ đảm trách. Ngay cả với số trực thăng Mi-17, phía Mỹ cũng đảm nhận khoảng 20% phần việc này. Với UH-60, C-130 hay cường kích Embraer Super Tucano A-29, trực thăng MD-530, tỉ lệ này còn lớn hơn nhiều.

Giới phân tích nhận định việc Taliban theo đuổi sức mạnh không quân đến đâu sẽ phụ thuộc vào yếu tố Afghanistan dưới thời Taliban có được các cường quốc khu vực, quốc gia láng giềng công nhận hay không. Trong những năm 1990, Taliban từng rất quan tâm đến việc tạo dựng lực lượng không quân khi lên nắm quyền. Nếu nhận thấy có mối nguy hiểm thực sự từ phong trào phản kháng, nổi dậy ở trong nội địa, Taliban sẽ có thể mở rộng xây dựng không quân, mua sắm từ nước ngoài, hoặc là đẩy nhanh nỗ lực làm chủ, khai thác số máy bay, trực thăng đang nắm giữ.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông