09:54 10/04/2024 Theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh Cúm gia cầm (A/H5N1) đã xảy ra tại 7 tỉnh, thành phố khiến số gia cầm ốm, chết, buộc phải tiêu hủy là 12.424 con, tăng 29,36% so cùng kỳ năm 2023. Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, tháng 3/2024 đã có 1 trường hợp bệnh nhân tử vong có xét nghiệm dương tính với vi rút Cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Khánh Hòa (có tiếp xúc với chim hoang dã) và 1 bệnh nhân dương tính vi rút Cúm A/H9 tại Tiền Giang.
Tiềm ẩn nguy cơ dịch Cúm gia cầm xâm nhập, tái bùng phát
Tại Hải Phòng, đã hơn 2 năm bệnh Cúm gia cầm được khống chế. Tuy nhiên theo kết quả giám sát sự lưu hành vi rút Cúm gia cầm tại một số chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn thành phố năm 2023 của lực lượng chức năng đã phát hiện 2,07% mẫu dương tính vi rút Cúm gia cầm H5N1; 0,23% mẫu dương tính vi rút Cúm gia cầm H5N6. Đặc biệt trong 3 tháng đầu năm nay phát hiện 2,38% mẫu dương tính vi rút Cúm gia cầm H5N1.
Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi & Thú y, Sở NN&PTNT thành phố, tính đến ngày 9/4/2023, trên địa bàn thành phố có 67/217 xã, phường, thị trấn của 7/14 huyện, quận triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm đợt 1/2024 và số gia cầm tiêm được 460.800/4.619.000 con, đạt 9,98% so kế hoạch. Hiện đang trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn gia cầm. Thực trạng trên đang tiền ẩn nguy cơ cao khiến cho dịch Cúm gia cầm xâm nhập, tái bùng phát trên địa bàn thành phố.
Để chủ động phòng chống bệnh Cúm gia cầm xâm nhập, phát sinh trên địa bàn thành phố, Sở NN&PTNT vừa phát đi Công văn đề nghị UBND các huyện, quận chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các ban, ngành chức năng có liên quan tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm.
Quyết liệt các giải pháp phòng, chống
Theo đó, sở đề nghị UBND các huyện, quận tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm theo quy định. Khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm đảm bảo kế hoạch thành phố giao. Rà soát, đôn đốc các chủ trang trại chăn nuôi gia cầm thực hiện tiêm phòng bắt buộc vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác có trong Danh mục bệnh phải tiêm phòng bắt buộc; lập biên bản xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm theo quy định.
Mặt khác, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm tại địa phương, đặc biệt vùng ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh Cúm gia cầm theo quy định.
Rà soát, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định; hướng dẫn chủ cơ sở, hộ chăn nuôi gia cầm thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi & Thú y và phối hợp xử lý ổ dịch.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, nhập lậu theo quy định.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, Ban quản lý các chợ phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi&Thú y tiếp tục lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi rút Cúm gia cầm tại các chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn; tiếp tục triển khai ký cam kết đối với các hộ buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ về việc không vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gia cầm từ vùng có dịch; khai báo trung thực về nguồn gốc gia cầm; phối hợp Ban quản lý các chợ, cán bộ thú y trong quá trình triển khai lấy mẫu giám sát và xử lý kết quả mẫu dương tính theo quy định.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, khai báo với chính quyền địa phương khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường không rõ nguyên nhân; nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; không buôn bán, sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y; không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh và sản phẩm gia cầm chưa nấu chín …
Đối với các đơn vị trực thuộc, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi & Thú y tiếp tục triển khai giám sát sự lưu hành vi rút Cúm gia cầm, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh; chuẩn bị dụng cụ, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu bất thường, nghi mắc bệnh và hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm theo quy định. Đồng thời thực hiện công tác kiểm dịch vận chuyển gia cầm tại gốc theo quy định.
Thanh tra sở chịu trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, quận, xã, phường, thị trấn, lực lượng liên ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo quy định. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc cấp phát, sử dụng vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh, vướng mắc đề nghị phản ánh về sở qua Chi cục Chăn nuôi&Thú y để phối hợp giải quyết.
KC
14:30 23/11/2024
10:16 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão