16:57 07/04/2014
Năm 2008, Ủy ban ATGT quốc gia đã ký quyết định phê duyệt Dự án tăng cường ATGT trên các tuyến quốc lộ phía bắc Việt Nam, vốn vay JICA (Nhật Bản). Dự án gồm 4 hợp phần: kỹ thuật, cưỡng chế, giáo dục và nâng cao nhận thức. Trong đó, hợp phần giáo dục của dự án được triển khai thực hiện tại gần 380 trường THCS và THPT, 40 phòng GD&ĐT, 10 sở GD&ĐT. Hải Phòng là một trong 10 tỉnh/thành phố thuộc phạm vi dự án, có trường học nằm cách quốc lộ (5 và 10) 2km. Nói về thực trạng công tác giáo dục ATGT tại các trường học thuộc phạm vi dự án trước khi dự án được triển khai, ban quản lý dự án đã chỉ ra rằng: Đa số các trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy ATGT; thiếu tài liệu, tranh, ảnh, sa bàn nút giao thông, đèn tín hiệu, các thiết bị trình chiếu, máy tính… để phục vụ công tác giảng dạy; đặc biệt là các trường nông thôn. Giáo viên giảng dạy ATGT đều là dạy kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản, không có kiến thức chuyên ngành về ATGT, không thường xuyên được đào tạo tập huấn nâng cao chuyên môn. Từ đó, dự án tăng cường ATGT trên các tuyến quốc lộ phía bắc Việt Nam đã hỗ trợ Bộ GD-ĐT cung cấp các trang thiết bị tài liệu giáo dục ATGT đến các nhà trường, hướng dẫn và hỗ trợ triển khai giáo dục ATGT ngoại khóa. Các phòng GD-ĐT cùng 37 trường THCS và 13 trường THPT tại Hải Phòng đã được hỗ trợ các thiết bị nghe nhìn từ dự án: 5 đĩa DVD về giáo dục ATGT, bộ pano tuyên truyền về ATGT, bộ biển báo hiệu đường bộ thông dụng, xây dựng các góc dự án tại trường. Thêm vào đó là các tài liệu, thiết bị hỗ trợ giảng dạy ATGT: máy tính xách tay, máy ảnh, máy chiếu, màn chiếu. Ngay sau khi nhận được các thiết bị hỗ trợ dạy học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường rà soát lại trang thiết bị được nhận, phân loại các tư liệu để có định hướng triển khai, ứng dụng phù hợp. Từ đây, hoạt động giáo dục ATGT trong trường học từng bước được đẩy mạnh với nhiều hình thức thiết thực: tập huấn cho cán bộ, giáo viên, cán bộ đoàn đội về ATGT và phương pháp tuyên truyền khi sử dụng thiết bị và đồ dùng dạy học; chỉ đạo dạy học lồng ghép kiến thức ATGT trong các tiết học chính khóa, hoạt động ngoại khóa của nhà trường; hướng dẫn triển khai dạy học bằng mô hình điểm ATGT, xây dựng mô hình cổng trường ATGT; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về ATGT phong phú đa dạng về hình thức… Đánh giá hiệu quả của dự án, ông Nguyễn Xuân Khiêm, Trưởng phòng quản lý HSSV, Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết: “Việc hỗ trợ những thiết bị trên đã giảm bớt nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cho các nhà trường nên việc thực hiện chương trình giáo dục ATGT phong phú, hấp dẫn, đa dạng hơn, từ đó thấy rõ hiệu quả tích cực tác động đến các em học sinh”. Theo ông Khiêm, qua triển khai hợp phần giáo dục của dự án, hiện tượng học sinh vi phạm ATGT của các trường đã giảm hẳn so với các trường không được hưởng thụ dự án, ý thức tham gia giao thông của học sinh tốt hơn, giảm hiện tượng ùn tắc tại các cổng trường. Coi trọng công tác giáo dục an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường là một trong những chủ trương đúng đắn để giải quyết vấn đề giao thông quốc gia. Từ thực tế: nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh thì chủ yếu là học sinh THCS và THPT, cho thấy sự cần thiết phải chú trọng công tác giáo dục ATGT học đường. Dự án tăng cường ATGT trên các tuyến quốc lộ phía bắc Việt Nam chỉ là một trong số rất nhiều dự án đang được triển khai hiện nay. Để các dự án về giáo dục ATGT tiếp tục phát huy hiệu quả thì rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và các tổ chức. Huyền Trâm |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão