Tăng cường phòng, chống cháy nổ tại các khu công nghiệp

15:54 01/07/2020

Thành phố Hải Phòng hiện có 10 khu, cụm công nghiệp lớn đang hoạt động bao gồm: Nomura, Đình Vũ, Đồ Sơn, Tràng Duệ, Nam Cầu Kiền, VSip Thủy Nguyên, Tân Liên - Vĩnh Bảo, Vĩnh Niệm - Lê Chân… với nhiều ngành nghề sản xuất: dệt may, giấy, phụ tùng ôtô, hàng điện tử, thiết bị văn phòng, hóa chất đến xăng dầu, khí hóa lỏng…Đây đều là những mặt hàng dễ cháy, nếu xảy ra sự cố cháy, không những gây thiệt hại lớn về người, tài sản, mà còn rất khó khăn cho triển khai công tác cứu chữa.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn kiểm tra phương tiện chữa cháy tại chỗ của các doanh nghiệp

Qua các đợt kiểm tra về PCCC tại các cơ sở trong khu, cụm công nghiệp, đơn vị chỉ rõ nhiều tồn tại, thiếu sót, không bảo đảm yêu cầu PCCC, như: giao thông, nguồn nước, khoảng cách ngăn cháy, điều kiện thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra, biện pháp chống cháy lan và chống tụ khói cho nhà và công trình, bậc chịu lửa cho công trình, trang thiết bị PCCC...

Đáng chú ý, hệ thống chữa cháy tại hầu hết các khu, cụm công nghiệp rất cẩu thả, sơ sài. Việc quy hoạch trong các khu, cụm công nghiệp chưa thống nhất, chỉ thực hiện theo hình thức chia lô, làm đường nội bộ cho thuê. Điều này khiến cho nguy cơ cháy, nổ luôn luôn thường trực và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, gây hậu quả nghiêm trọng. 

Để giải quyết thực trạng trên, rất cần có một sự vào cuộc đồng bộ. Trước hết, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nên chỉ cấp phép xây dựng đối với các cơ sở khi thiết kế công trình đã được lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - CATP thẩm duyệt và Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng thiết kế lắp đặt bổ sung các trụ cấp nước chữa cháy trên các trục đường giao thông của KCN theo đúng tiêu chuẩn.

Mặt khác, các đơn vị quản lý hạ tầng phải thực hiện nghiêm quy định của nhà nước về công tác PCCC đối với khu, cụm công nghiệp mình quản lý như: Thành lập đội PCCC chuyên ngành đảm bảo về tổ chức, biên chế; đầu tư kinh phí, trang bị các phương tiện chữa cháy, số lượng xe chữa cháy theo quy định; xây dựng phương án chữa cháy tổng thể. Đồng thời, các đơn vị này phải phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - CATP kiểm tra, hướng dẫn, thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước, lắp đặt bổ sung trụ cấp nước, bể nước phục vụ công tác chữa cháy.

Đặc biệt, phải nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC. Khi xây dựng mới hoặc cải tạo, thay đổi quy mô sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhất thiết phải lập hồ sơ thiết kế và được cơ quan PCCC thẩm duyệt theo quy định. Các cơ sở không nằm trong quy định phải thẩm duyệt thì chủ doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan PCCC hướng dẫn biện pháp an toàn, trang bị đầy đủ phương tiện PCCC...

MINH PHƯƠNG

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích