Tăng cường phòng, chống dịch bệnh động vật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

09:42 24/12/2024

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2024, hầu hết các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm (GSGC) đều xảy ra, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi gây tổn thất lớn về kinh tế đối với người chăn nuôi lợn. Nguy cơ dịch bệnh xảy ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là rất cao, đặc biệt khi thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh.

Tại Hải Phòng, tính đến nay đã qua 2 năm bệnh Cúm gia cầm, 5 tháng bệnh Viêm da nổi cục trâu bò và 3 tháng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, được khống chế.

                                                            Chủ động tiêm phòng vắc xin bổ sung cho đàn vật nuôi

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát lưu hành vi rút tại một số chợ trên địa bàn thành phố của lực lượng chức năng đã phát hiện: 8,57% mẫu dương tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi; 1,59% mẫu dương tính với vi rút Cúm gia cầm A/H5N1.

Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết chuyển lạnh, diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, cùng với lưu lượng vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật gia tăng phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2025 và lưu lượng vận chuyển con giống gia súc, gia cầm để tái đàn tăng cao sau Tết, tiềm ẩn nguy cơ dịch xâm nhập, phát sinh gây thiệt hại trên địa bàn thành phố.

Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên GSGC có khả năng xảy ra trên địa bàn thành phố trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; thực hiện Công văn số 9604/BNN-TY ngày 17/12/2024 của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; Sở NN&PTNT vừa có công văn đề nghị UBND các huyện, quận tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC.

Cụ thể, sở đề nghị UBND các huyện, quận cần tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các ngành, đơn vị chức năng liên quan triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định. Khẩn trương hoàn thành tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi năm 2024 đảm bảo kế hoạch thành phố giao. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật năm 2025.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi chủ động tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm phòng vắc xin bổ sung cho vật nuôi, trong đó chú ý tiêm phòng đầy đủ đối với các bệnh Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Dại,… và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác có trong Danh mục bệnh phải tiêm phòng bắt buộc bằng vắc xin theo quy định, đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn trên địa bàn quản lý.

Chủ động, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa phương, đặc biệt vùng ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao để phát hiện sớm, xử lý dứt điểm khi dịch mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn đến cấp xã, huyện về Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo đúng quy định.

Mặt khác, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; nội dung phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, vùng nguy cơ, tác hại của dịch bệnh; các biện pháp phòng bệnh như tiêm phòng, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, chăn nuôi an toàn sinh học.

Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương có nguy cơ cao, có tỷ lệ tiêm phòng thấp, địa phương có các loại dịch bệnh động vật xảy ra trong năm 2024. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, nhập lậu theo quy định.

          Chi cục Chăn nuôi và Thú y có trách nhiệm chủ trì, phối hợp UBND các huyện, quận tổ chức chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng chống bệnh động vật tại các địa phương, đơn vị và thường xuyên tổng hợp kết quả, báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh động vật theo quy định.

Chỉ đạo lực lượng thú y tại cơ sở bám sát địa bàn, chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn gia súc, gia cầm, tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động sử dụng vắc xin phòng bệnh bắt buộc theo quy định. Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn thành phố theo quy định.

Thanh tra sở chịu trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, quận, xã, phường, thị trấn, lực lượng liên ngành (Công an, Quản lý thị trường,…), Ban chỉ đạo 389 thành phố tăng cường công tác thanh, kiểm tra kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố theo quy định.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh, vướng mắc, các địa phương phản ánh về Sở NN&PTNT qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y để phối hợp giải quyết.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông