Tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác PCCC: Cần cấp xã vào cuộc

09:30 28/04/2017

Đội PCCC dân phòng xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên diễn tập phương án PCCC, CNCH tại khu dân cư

Thời gian gần đây, nhiều cấp chính quyền cơ sở, đặc biệt là UBND các xã đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, quản lý nhà nước về công tác PCCC. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình cháy nổ, thực tiễn đang đòi hỏi cần có một sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa.

Điều 56 của Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định: UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về PCCC tại địa phương và có nhiệm vụ: Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC tại địa bàn; bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC đối với khu dân cư; xử lý hành chính các hành vi vi phạm quy định về PCCC theo thẩm quyền.

Cùng với đó là tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC; xây dựng phong trào quần chúng PCCC và tổ chức quản lý đội dân phòng các thôn. Nghị định cũng quy định việc đầu tư kinh phí hoạt động, trang bị phương tiện PCCC cho các đội dân phòng cũng như bảo đảm tốt các điều kiện về thông tin báo cháy, đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy.

Ngoài ra, UBND cấp xã còn có nhiệm vụ: Chỉ đạo, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy; thống kê, báo cáo về PCCC lên UBND cấp huyện.

Mới đây nhất, ngày 24-1-2017, Bộ Công an có văn bản 146/BCA-C66 đề nghị các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Theo đó, nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân phải xác định công tác PCCC, CNCH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên hàng ngày.

Đặc biệt phải chú trọng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC đối với khu dân cư. Tiếp đó, UBND TP cũng có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã trên toàn địa bàn tập trung quán triệt về tăng cường công tác PCCC và CNCH năm 2017.

Văn bản chỉ rõ Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND TP trong quản lý nhà nước về PCCC tại địa phương.

Thực hiện nghiêm túc các quy định trên, với vai trò là lực lượng nòng cốt, thời gian vừa qua, Cảnh sát PCCC Hải Phòng đã tích cực tham mưu cho UBND TP đôn đốc, yêu cầu chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác PCCC và CNCH tại địa bàn đơn vị mình quản lý. Trên thực tế, hầu hết UBND các quận, huyện đều có văn bản chỉ đạo, kiểm tra cũng như đầu tư kinh phí cho UBND cấp dưới trong việc thực hiện công tác PCCC.

Trong đó, rất nhiều UBND cấp xã đã thực hiện đúng vai trò trách nhiệm của mình trên các lĩnh vực: Chỉ đạo, kiểm tra, tuyên truyền công tác PCCC và CNCH. Điều này thể hiện rõ qua việc triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình “Chợ kiểu mẫu an toàn PCCC” trên địa bàn các phường, xã; mô hình “Khu chung cư, tổ dân phố, nhà tập thể an toàn PCCC”. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 5 chợ đạt đủ tiêu chí chợ kiểu mẫu an toàn về PCCC; 1 khu chung cư; 42 tổ dân phố và 1 nhà tập thể đạt đủ 10 tiêu chí an toàn PCCC.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số UBND cấp xã chưa làm tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC, không quan tâm, chỉ đạo đầu tư cho công tác PCCC tại các chợ, khu dân cư, nhất là trong việc đầu tư xây dựng mới cũng như trong cải tạo, sửa chữa, các công trình liên quan đến an toàn PCCC.

Đặc biệt là các quy định về khoảng cách an toàn PCCC, lối thoát nạn, giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy ngay từ khâu quy hoạch. Nhiều chính quyền cấp xã còn thiếu giám sát, kiểm tra việc xây dựng, cải tạo, cơi nới các công trình nên không bảo đảm yêu cầu về PCCC.

Để khắc phục tình trạng đó, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp xã xác định rõ trách nhiệm, gắn việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương với công tác PCCC.

Cụ thể, từng UBND cấp xã cần ban hành các quy định về PCCC và tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCCC ở địa bàn quản lý; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC cho người dân, xây dựng phong trào quần chúng tạo nên thế trận toàn dân PCCC vững chắc.

Cùng với đó, Cảnh sát PCCC thành phố tiếp tục đề cao trách nhiệm trong việc tham mưu, hướng dẫn nghiệp vụ PCCC để UBND các cấp từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác này.

Lệ Trang

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích