10:43 03/11/2021 Nhìn lại quá khứ, những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, quá trình mở cửa thu hút đầu tư có phần sốt sắng đã khiến chúng ta phải gánh chịu hậu quả như là nơi tiêu thụ “rác công nghệ”. Nhiều mô hình sản xuất chỉ nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề trước mắt, các địa phương mạnh đâu nơi đó làm, chưa kể trong dòng chảy du nhập, bên cạnh những điều tích cực, chúng ta cũng phải trả giá cho những tổn thất giá trị, về văn hóa, giáo dục, kỷ cương xã hội và nhiều vấn đề khác.
Khai thác tiềm năng du lịch kết hợp bảo tồn giá trị sinh quyển Cát Bà
Kỳ 2 – Từ thực tiễn Hải Phòng
Quá trình phát triển nóng, tự phát, đốt cháy giai đoạn cũng tạo tiền đề xấu cho công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế bền vững. Hậu quả trên lĩnh vực công nghiệp, quan hệ sản xuất chậm đổi mới, công nghệ manh mún, nguồn tài nguyên lao động bị xé lẻ, thiếu sự trang bị về làm chủ kiến thức để phát triển. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, quy hoạch đất đai để ngỏ, nguồn lực lao động phân tán, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều bấp bênh.
Về ngư nghiệp, môi trường biển suy thoái nhanh, quá trình bảo tồn tái sinh không được quan tâm đúng mức, khiến nguồn thủy sản giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó Du lịch cũng là một ngành mũi nhọn, đã giúp Hải Phòng định hình rõ hơn những sản phẩm chắt lọc, lượng khách đến ngày càng tăng. Tuy nhiên quá trình gia tăng số lượng khách đã tạo áp lực đối với công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, làm mất cân đối giữa bảo tồn và phát triển.
Trước thực trạng đó, Nghị quyết các kỳ Đại hội gần đây của Đảng bộ thành phố đều đều đề cập quyết tâm xây dựng Hải Phòng theo hướng phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam cho biết, thực hiện đề án tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, những năm qua Hải Phòng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực.
Trước hết, thành phố tập trung quyết liệt trong công tác quy hoạch phát triển, phân khu và phân kỳ cho từng khu vực, từng lĩnh vực với những lộ trình cụ thể. Đối với quản lý đất đai, cùng với rà soát giải quyết những vấn đề thực trạng, thành phố đã ban hành các chính sách phù hợp, dành quỹ đất cho những dự án lớn, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp bảo tồn.
Tiếp đó, đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thành phố cũng triển khai hàng hoạt giải pháp phát triển bền vững. Chẳng hạn trên lĩnh vực công nghiệp, từng bước triệt thoái các cơ sở sản xuất khỏi khu vực đô thị, dân cư tập trung, dừng hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghệ cũ, tiêu tốn tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
Thay vào đó là tập trung đầu tư phát triển các khu kinh tế, khu cụm công nghiệp, nhờ vậy trong những năm qua Hải Phòng đã tạo đột phá trong quản lý, phát triển công nghiệp, với những khu kinh tế, khu công nghiệp tiêu biểu như Tràng Duệ, Nomura, VSIP, Đình Vũ-Cát Hải, An Dương, Đồ Sơn, Tân Liên… Thành phố kiên quyết từ chối cấp phép đầu tư cho những dự án tiểm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn tài nguyên, năng lượng.
Công nghệ chế tạo ô tô tự động hóa tại Tổ hợp Vinfast Cát Hải
Kết quả của chính sách hợp lý, tinh thần quyết tâm và quyết đoán trong đổi mới mô hình tăng trưởng đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế của Hải Phòng, theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Trong thời gian qua thành phố đã thu hút đầu tư hàng chục tỷ USD nguồn vốn cả trong và ngoài nước, tập trung vào phát triển kinh tế công nghệ cao.
Đáng chú ý là các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) ở khu công nghiệp Tràng Duệ, dự án lốp xe Bridgestone (Nhật Bản) và GE Energy (Mỹ) ở khu công nghiệp Đình Vũ, dự án Fuji Xerox (Nhật Bản) ở khu công nghiệp VSIP… Đặc biệt là Tổ hợp công nghệ chế tạo ô tô, xe máy Vinfast của VinGroup tại Cát Hải, đã trở thành hình mẫu cho quá trình chuyển đổi công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0.
Sự vận động tất yếu của xu hướng tăng trưởng bền vững ở Hải Phòng không chỉ thể hiện trong cơ chế, chính sách phát triển, mà được hiện thực hóa bằng sự vào cuộc của cả cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Trong đó, tiên phong trong thích ứng với tăng trưởng xanh phải kể đến khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, khi quyết tâm xây dựng tổng thể cả khu công nghiệp theo hướng bảo vệ môi trường.
Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Shinec (Doanh nghiệp đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) chia sẻ: “Chúng tôi chung tay xây dựng khu công nghiệp sinh thái theo đúng nghĩa tại Nam Cầu Kiền, mang niềm tự hào này từ Hải Phòng truyền cảm hứng cho các Nhà đầu tư trong cả nước có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường…”
Nhưng tiêu biểu về đầu tư bền vững phải kể đến Tập đoàn VinGroup với hàng chục dự án lớn, ngoài Tổ hợp Vinfast nêu trên. Từ các khu đô thị như Vinhomes imperia và Vinhomes Marina, các trung tâm thương mại VinMart, bệnh viện Vinmec, khu nông nghiệp công nghệ cao Vineco đến hợp phần du lịch Đảo Vũ Yên, dự án nào của VinGroup cũng dựa trên nền tảng hiện đại.
Mới đây, Tổ hợp Vinfast Cát Hải đã đưa vào sản xuất thương mại hóa các sản phẩm ô tô điện hiện đại, được xuất khẩu tới những thị trường lớn trên thế giới, tiếp tục là minh chứng rõ nét cho phát triển bền vững, góp phần vào tăng trưởng xanh không chỉ của Việt Nam và cả thế giới.
Cũng trong thời gian qua, liên quan đến việc kết hợp khai thác và bảo tồn, Tập đoàn SunGroup đã góp mặt khi đầu tư vào Cát Bà, với điểm nhấn khởi đầu là dự án cáp treo hiện đại bậc nhất thế giới, vừa khơi dậy tiềm năng của Cát Bà, vừa giữ nguyên giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Chưa kể nhiều dự án khác được đầu tư ở Hải Phòng, đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động và kiểm soát chặt chẽ ngay từ khi ý tưởng được manh nha, càng khẳng định rõ khát vọng tăng trưởng xanh của thành phố Cảng.
Lê Minh Thắng (Còn nữa)